Ứng dụng nhắn tin dung túng cho hoạt động phi pháp. Ảnh: Euronews.
New York Times đã phân tích hơn 3,2 triệu tin nhắn Telegram từ hơn 16.000 kênh trong 4 tháng. Kết luận đưa ra là ứng dụng đã trở thành "cống rãnh" của tội phạm toàn cầu. Ở đây lan truyền đủ loại thông tin sai lệch, lạm dụng tình dục trẻ em, khủng bố và kích động phân biệt chủng tộc.
Phần mềm có hàng loạt tính năng cho phép tội phạm, khủng bố và kẻ lừa đảo tổ chức theo quy mô lớn và né tránh sự giám sát của chính quyền. Telegram bị cho đã nhắm mắt làm ngơ khi các hoạt động bất hợp pháp và cực đoan nở rộ công khai trên ứng dụng.
“Nếu bạn là kẻ xấu, đó chính là nơi bạn sẽ đến", Rebecca Weiner, Phó ủy viên tình báo và chống khủng bố tại Sở Cảnh sát New York nói về Telegram.
"Đứng trên pháp luật"
Hoạt động như một tổ chức phi quốc gia, Telegram cư xử như thể mình đứng trên pháp luật. Pavel Durov, người sáng lập của nền tảng này, đã bị bắt giữ và buộc tội tại Pháp vì không hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật và đồng lõa trong các tội phạm được thực hiện trên dịch vụ.
Ở nhiều quốc gia, sự kiên nhẫn với ứng dụng này đang cạn dần. Liên minh châu Âu dự kiến áp dụng chuẩn giám sát mới đối với Telegram theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số. Luật buộc các nền tảng trực tuyến lớn phải quản lý dịch vụ của họ tích cực hơn.
Pavel Durov, CEO Telegram bị bắt ở Pháp vào tháng 8/2024. Ảnh: New York Times.
Sự dung túng của Telegram đối với các hoạt động độc hại bắt đầu chính người sáng lập. Lãnh đạo ứng dụng cho rằng nhà chức trách không nên can thiệp vào những gì mọi người nói hay làm trực tuyến.
"Chúng tôi sẽ luôn cung cấp cho người dùng những gì họ yêu cầu, quyền truy cập vào thông tin và ý kiến không bị kiểm duyệt để họ có thể tự đưa ra quyết định", ông Durov viết trên kênh của mình.
Thiên đường cho tội phạm
Telegram trở thành nơi trú ẩn cho hoạt động như vậy xuất phát từ các tính năng độc đáo của nó. Kênh và Siêu nhóm là các dịch vụ mà các đối thủ như WhatsApp chậm hơn trong việc bổ sung.
Telegram bắt đầu như một dịch vụ nhắn tin văn bản tiêu chuẩn tương tự như iMessage và WhatsApp. Đến 2014, ứng dụng thêm các tính năng phát sóng (broadcast). Những "kênh" này hiện là một trong những công cụ nổi tiếng nhất của nền tảng để chia sẻ văn bản, hình ảnh, liên kết và video bởi các tổ chức tin tức, lãnh đạo thế giới và cơ quan chính phủ.
Chức năng phát sóng (broadcast) của Telegram có thể tạo ra những cộng đồng hàng trăm nghìn người. Ảnh: MakeofUs.
Telegram sau đó giới thiệu "siêu nhóm", gợi nhớ đến thời đại của các phòng chat hỗn loạn. Những nơi này thu hút người dùng mới nhưng cũng tạo ra loạt rủi ro.
WhatsApp giữ kích thước nhóm chat ở hàng trăm đơn vị và hạn chế chia sẻ liên kết để giảm bớt việc lan truyền thông tin sai lệch. Telegram đã làm ngược lại và dần dần nâng giới hạn kích thước cộng đồng. Đến năm 2019, một quản trị viên có thể điều hành nhóm chat lớn như thành phố với 200.000 người dùng.
Cuộc điều tra của Times phát hiện 1.500 kênh do những kẻ thượng đẳng da trắng điều hành, phối hợp hoạt động giữa một triệu người trên khắp thế giới. Ngoài ra, có nhiều nhóm chuyên bán vũ khí, ma túy xuyên quốc gia.
Hamas, ISIS và các nhóm khủng bố khác đã phát triển mạnh trên Telegram, thu hút lượng khán giả lớn trên hàng chục kênh.
Telegram làm ngơ cảnh báo
Theo NYT, vài lần trong năm, nhân viên tại trụ sở Thung lũng Silicon của Apple gửi ghi chú đến Telegram yêu cầu gỡ bỏ tài liệu đã được gắn cờ là bất hợp pháp hoặc có hại. Phía Táo khuyết giải thích rằng theo quy định, ứng dụng phải có các chính sách để lọc ra nội dung phản cảm và chặn người dùng lạm dụng.
Trong trường hợp đó, Telegram thường bày tỏ thái độ phản đối. Nhưng gần như họ luôn nhượng bộ trước yêu cầu của Apple. Ứng dụng nhắn tin phớt lờ yêu cầu của chính phủ hay nhà chức trách. Tuy nhiên, họ phải “xuống nước” trước áp lực của Google hay Apple. Hai doanh nghiệp công nghệ này có quyền xóa Telegram khỏi các kho ứng dụng.
Telegram đứng trước nguy cơ bị nền tảng hay nhà chức trách chặn vì sai phạm. Ảnh: FT.
Các quốc gia cũng không đứng yên để ứng dụng nhắn tin “lộng hành”. Theo Surfshark và Netblock, đã có khoảng 30 nước chặn hoặc áp dụng biện pháp kỹ thuật với Telegram, ảnh hưởng đến 3 tỷ người dùng.
App chat bị cấm ở Thái Lan từ 2020 khi nó được sử dụng cho các cuộc biểu tình chống chính phủ. Khi ông Durov bị Pháp bắt giữ hồi năm ngoái, Ấn Độ điều tra Telegram và vai trò của ứng dụng trong các hoạt động tội phạm như ấu dâm và thao túng cổ phiếu.
Iran hay Trung Quốc cũng cấm công cụ liên lạc này từ lâu vì không hợp tác, tạo điều kiện lan truyền thông tin sai lệch.
Hùng Phi
Theo NYT