Tro xỉ, từ chất thải độc hại đến vật liệu xây dựng

Tro xỉ, từ chất thải độc hại đến vật liệu xây dựng
3 giờ trướcBài gốc
"Làm tro xỉ vừa bụi lại ô nhiễm, sao anh vẫn kiên trì như thế?", tôi hỏi ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường (SCL) - "tác giả" công nghệ này. Người đàn ông với nước da rám nắng, dáng người nhỏ nhắn và ánh mắt đầy kiên định cười hiền, nói: "Ở Vĩnh Tân, tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện cao ngập đầu người, trở thành thách thức môi trường nghiêm trọng. Công ty có công nghệ dây chuyền xử lý tốt thì tại sao lại không làm?".
Ông Kiều Văn Mát chủ tịch SCL (thứ hai từ phải qua) đang chỉ đạo tại hiện trường bãi xỉ ở Vĩnh Tân.
Hàng triệu tấn tro xỉ cần được xử lý mỗi năm
Với 18 năm kinh nghiệm xử lý tro xỉ tại Phả Lại, Mông Dương, Hà Khánh, Cổ phần Sông Đà Cao Cường đã quyết định mang dây chuyền tuyển tro bay vào Vĩnh Tân. Ở nơi nắng như đổ lửa, gió cuốn như cát bào da, nhà máy ra đời giữa bao hoài nghi và kỳ vọng: tạo nên một nhà máy sạch - xanh - có ích cho cộng đồng.
Không phải ngẫu nhiên SCL chọn Vĩnh Tân để đặt dự án lớn đầu tiên tại miền Nam. Vĩnh Tân, với hàng triệu tấn tro xỉ mỗi năm từ các nhà máy nhiệt điện, đang đối mặt với áp lực môi trường rất lớn. Bãi thải đầy, nỗi lo bụi phát tán theo gió biển khiến người dân quanh vùng lo lắng.
Bởi vậy, xử lý tro xỉ không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tiết kiệm diện tích đất dùng làm bãi chứa chất thải, và tăng hiệu quả đầu tư của các dự án nhiệt điện.
Ngày 22/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức cấp Giấy phép môi trường số 99/GPMT-BNNMT cho dự án nhà máy và dây chuyền phân tách tro xỉ thuộc Cảng Vĩnh Tân 2 - đánh dấu một cột mốc quan trọng cho SCL. Giấy phép này cho phép nhà máy hoạt động đồng bộ, từ xử lý khí thải, nước thải, quản lý tiếng ồn đến tái sử dụng nước tuần hoàn. Mỗi mẻ sản xuất, mỗi khâu vận hành đều được kiểm soát theo chuẩn quốc gia, hướng đến đạt chuẩn QCVN 19:2024/BTNMT đến 2032.
Trong chuyến thăm và làm việc tại nhà máy Vĩnh Tân, bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Thuận - đánh giá: "SCL đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý tro xỉ, giảm áp lực môi trường cho khu vực Vĩnh Tân. Tỉnh cam kết hỗ trợ để nhà máy đi vào vận hành tốt nhất, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững".
Toàn cảnh dây chuyền phân tách tro xỉ tại Vĩnh Tân.
"Biến" chất thải thành nguyên liệu vật liệu xây dựng
Trời Bình Thuận tháng tư nắng gắt. Trong khuôn viên hơn 4,3ha là một dây chuyền dài, gọn gàng, tự động hóa cao. Kỹ sư Phạm Văn Tình, Trưởng phòng Kỹ thuật giới thiệu: Tổ hợp nhà máy Công suất giai đoạn 1: 500.000 tấn/năm. Sản phẩm tro bay đạt tiêu chuẩn ASTM-C618 của Mỹ, đảm bảo chất lượng cho các ứng dụng trong ngành xây dựng.
"Đây là cụm tiếp nhận nguyên liệu, kia là máy tuyển tro bay công nghệ khô. Tro được sàng lọc, tách tạp chất, rồi phối liệu để thành block nhẹ, panel ALC, vữa khô trộn sẵn...", anh Tình hào hứng.
Tro xỉ - thứ từng bị xem là rác thải ô nhiễm - giờ trở thành nguyên liệu tạo ra vật liệu xây dựng. Mỗi giờ, dây chuyền xử lý hàng chục tấn tro. Từ lò hơi Biomass chạy bằng mùn gỗ thay vì than đá - tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO₂.
Ông Vũ Văn Chiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường báo cáo Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận về tiến độ triển khai xây dựng Nhà máy Xử lý tro xỉ tại Bình Thuận.
Dây chuyền công nghệ sản xuất tro bay của Công ty SCL với sản phẩm chính là tro bay chất lượng cao mang thương hiệu SCL-Fly Ash, bê tông khí chưng áp (AAC-Block), tấm panel ALC. Vữa khô trộn sẵn, keo dán gạch đá, bột bả Skimcoat... Sản phẩm của công ty đã được sử dụng thi công cho các công trình lớn trong nước và hợp tác với các đối tác uy tín như: Vinhomes, Delta, Alphanam, Newtecons.
Theo đại diện lãnh đạo Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, trong quá trình triển khai dự án tổ hợp nhà máy xử lý tro xỉ tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, SCL đã tổ chức hội thảo và nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia. "Đây là một trong những công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực về môi trường cũng như sự ra đời của các sản phẩm vật liệu xanh như cách âm, cách nhiệt, nhẹ và dễ thi công", vị đại diện nói.
Tiến sĩ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, nhận định: Tro xỉ có thể được sử dụng như phụ gia sản xuất xi măng, bê tông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác. Điều này khẳng định tính khả thi và hiệu quả của công nghệ xử lý tro xỉ mà SCL đang áp dụng.
Dây chuyền được kiểm tra trước khi đưa vào vận hành.
"Mô hình của SCL gợi mở hướng đi cho kinh tế tuần hoàn. Đây là lời giải khả thi cho bài toán môi trường từ các nhà máy nhiệt điện", ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chia sẻ.
Người dân quanh vùng cũng đang dần thay đổi cái nhìn. "Hồi trước cứ thấy xe chở tro là sợ bụi, giờ nghe họ làm gạch, làm vữa từ tro thì thấy hay. Mà sạch nữa, không mùi gì cả", một người dân xã Vĩnh Tân chia sẻ.
Trạm sấy tại Nhà máy Vĩnh Tân.
Mộc Miên
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/tro-xi-tu-chat-thai-doc-hai-den-vat-lieu-xay-dung-192250511160935958.htm