Trọn tình nước non

Trọn tình nước non
6 giờ trướcBài gốc
Những mất mát khôn nguôi
“Em và các con quý mến,
Hôm nay là ngày thứ 5 mà anh bước chân lên đường để đi làm nhiệm vụ, mà từ đây cũng là tạm biệt vợ và các con. Khi nào thống nhất Bắc Nam, thì lúc đó ta lại sum họp...”.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Tình Thị Lộc cùng các con cháu.
Đó là lời nhắn nhủ trong một lá thư mà liệt sĩ Ma Văn Lập, thôn Cây Thị, xã Hợp Thành (Sơn Dương) gửi cho vợ - Mẹ Việt Nam Anh hùng Tình Thị Lộc. Bắc Nam đã thống nhất, thế nhưng lời hứa sum họp gia đình mãi mãi không được thực hiện.
Chị Ma Thị Ngần, con gái cả của Mẹ Việt Nam Anh hùng Tình Thị Lộc và liệt sĩ Ma Văn Lập nhớ lại: “Năm 1968, theo lệnh tổng động viên, bố tôi lên đường nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu tại “tuyến lửa” Quảng Bình. Trong suốt quãng đường di chuyển từ Tuyên Quang vào đến Quảng Bình, ông có viết 4 bức thư gửi cho vợ con của mình vào ngày 27/2/1968, 16/10/1968, 7/1/1969 và bức thư cuối cùng là ngày 3/3/1969. Mỗi lá thư là lời hỏi thăm sức khỏe, dặn dò các con phải chăm lo học tập, phụ mẹ việc nhà, dặn mẹ bán lợn, bán chó để đong thóc vì khi ấy mẹ đang mang bầu em út, không làm được việc nặng...”. Và trong tất cả những lá thư ấy, tâm trạng của một người lính ra trận trên đầu là đạn bom khói lửa luôn luôn là “lần tạm biệt này, biết đâu là lần tạm biệt mãi mãi...”.
Những lá thư vẫn được Mẹ Việt Nam Anh hùng Tình Thị Lộc gìn giữ suốt bao năm qua. Đó cũng là những kỷ vật, sợi dây liên kết cuối cùng trước khi người chồng, người cha, trụ cột của gia đình hy sinh tại chiến trường miền Nam. Nhưng, nỗi đau ấy chưa phải là tất cả... Đầu năm 1983, con trai mẹ Lộc là anh Ma Văn Đoán tiếp bước cha anh lên đường bảo vệ Tổ quốc. Anh Đoán khi ấy vừa tổ chức lễ ăn hỏi xong thì nhập ngũ. Không có bức thư nào gửi về, các anh chị chưa kịp nhìn thấy em mặc áo lính thì 5 tháng sau, gia đình nhận được giấy báo tử. Liệt sĩ Ma Văn Đoán hy sinh ngày 22/8/1983 tại Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang trong cuộc chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Bắc.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau.
Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại
99 tuổi, lúc nhớ lúc quên, thế nhưng những ký ức về 2 người con trai mười tám, đôi mươi lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc chưa bao giờ phai nhạt trong câu chuyện với mẹ Lâm Thị Giã, thôn 4, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Giã ngắm di ảnh liệt sĩ Lâm Văn Tuân.
“Chúng nó bảo, mẹ ơi, mẹ ở nhà bảo đảm sức khỏe, con đi con lại về với mẹ”.
“Chả về lần nào. Đi là đi luôn”.
“Không có thư. Chỉ có giấy báo tử. Thằng Hải ở chiến trường Lào, thằng Tuân ở chiến trường Campuchia. Chưa tìm được. Đã tìm thấy đâu.”
Mẹ Giã nói những câu ngắn gọn. Dòng chảy thời gian trôi đi cùng biết bao lần ngóng tin, hy vọng rồi lại thất vọng dường như khiến Mẹ chai sạn cảm xúc. Nhưng con cháu bảo, đêm đến, theo những cơn mê, Mẹ Giã vẫn gọi tên hai người con trai của mình. Rồi những ngày lần mò ra nghĩa trang, Mẹ bảo thằng Hải, thằng Tuân nó gọi đấy. Chỉ thế thôi cũng đủ hiểu nỗi đau đáu ngóng trông, sự dằn vặt của người mẹ khi chưa tìm được hài cốt 2 người con trai nằm lại chiến trường.
Mẹ Giã có 5 người con, 4 trai, 1 gái. 3 người con trai của Mẹ Giã xung phong lên đường nhập ngũ thì chỉ có 1 người trở về. Anh Lê Thanh Hải, nhập ngũ tháng 5-1971, hy sinh ở chiến trường Lào tháng 3-1972. Anh Lâm Văn Tuân, nhập ngũ tháng 7-1977 hy sinh ở chiến trường Campuchia tháng 3-1982. Xương máu các anh đã hòa vào đất mẹ, cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Chiến tranh kết thúc, không có niềm vui nào bằng niềm vui đoàn viên, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng mà các con không về nữa.
Chắt đau thương thành nhựa sống
Không có nỗi đau nào đau bằng mất đi người thân, mất đi đứa con ruột thịt đẻ ra như mất đi một phần thân thể của mình. Mẹ Giã, Mẹ Lộc cùng biết bao Mẹ Việt Nam Anh hùng khác đã trải qua những nỗi đau như thế. Đau thương không chỉ tính bằng năm tháng, mà đo bằng cả cuộc đời.
92 tuổi, mắt mờ, chân chậm, thế nhưng Mẹ Lộc vẫn luôn chân luôn tay làm việc nhà. Khi thì thái chuối cho gà, lúc thì nhặt củi, đun nước, dọn dẹp nhà cửa... Các con can ngăn, bảo mẹ nghỉ ngơi nhưng làm việc thường xuyên dường như đã trở thành thói quen của người phụ nữ tần tảo hy sinh vì chồng, vì con. 56 năm thờ chồng, nuôi con, Mẹ Lộc giữ lời hứa với liệt sĩ Ma Văn Lập, khó khăn đến mấy cũng cho các con đi học đầy đủ, nuôi dạy các con nên người. Thế nhưng nỗi đau đáu ngóng trông vẫn hiện lên trong đôi mắt đã cạn khô...
“Anh Đoán đưa được mộ về đây rồi thì bà không nhắc nữa. Thế nhưng khi nào tỉnh táo, bà lại bảo các con đi tìm bố, đưa bố về nhà. Ngày còn khỏe bà hay lên xã để làm giấy tờ, nghe ngóng tin tức về ông. Nhưng chiến trường rộng như thế, biết đâu mà tìm” - chị Ma Thị Ngần, con gái Mẹ Lộc tâm sự.
Lửa chiến tranh đã tắt, trong ký ức của mẹ Giã chỉ còn hình ảnh hai cậu con trai hay lam hay làm, có hiếu với mẹ, việc gì cũng không muốn mẹ phải động tay. Cả đời mẹ Giã tần tảo sớm hôm, quanh năm ruộng đồng, làm thuê cuốc mướn với hy vọng sống để chờ ngày các con trở về.
Những năm tháng dài đằng đẵng chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, hàng triệu người Mẹ Việt Nam chung nỗi đau mất chồng, mất con. Tại Tuyên Quang, Mẹ Lương Thị Hồng, Mẹ Nguyễn Thị Liễn ở Công Đa (Yên Sơn), Mẹ Phạm Thị Đượm ở Hùng Đức (Hàm Yên), Mẹ Nguyễn Thị Nhớn, Lâm Thị Giã ở thành phố Tuyên Quang, Mẹ Tình Thị Lộc ở Hợp Thành (Sơn Dương)... đã trở thành những tấm gương sáng ngời về đức hy sinh cao cả cùng tấm lòng kiên trung cho những thế hệ sau. Tổ quốc ghi công các mẹ bằng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Các Mẹ là huyền thoại giữa đời thường, là hậu phương, là trái tim của dân tộc.
Toàn tỉnh có 196 Mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý, hiện có 4 Mẹ còn sống. Tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc phụng dưỡng. Ngoài hỗ trợ tiền hằng tháng, các mẹ cũng thường xuyên được thăm hỏi, khám bệnh, hỗ trợ thuốc, nhu yếu phẩm cần thiết để chăm sóc sức khỏe, phục vụ sinh hoạt đời sống hằng ngày. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng tô thắm thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh.
Tháng 4 lịch sử, hòa chung niềm vui trong Đại thắng mùa Xuân, chúng ta lại nhắc nhớ về lịch sử để thấy rằng hòa bình, độc lập, tự do hôm nay đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt cha anh. Chỉ những ai đi qua mất mát mới hiểu tự do quý giá đến nhường nào. Và các Mẹ Việt Nam Anh hùng chính là những người đã hy sinh hơn tất cả để gìn giữ điều thiêng liêng ấy.
Bài, ảnh: Thùy Lê
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/tron-tinh-nuoc-non-210959.html