Trọn vẹn triển khai chu kỳ CTGDPT 2018: Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ

Trọn vẹn triển khai chu kỳ CTGDPT 2018: Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ
11 giờ trướcBài gốc
Cô Lê Thị Tâm và học trò Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC
Đa dạng phương pháp
Gần 15 năm gắn bó với nghề giáo, trải qua các lần đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa, cô Nguyễn Thị Kim Dung – giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) hiểu những khó khăn ở giai đoạn đầu triển khai chương trình mới tại các trường miền núi.
Theo cô Kim Dung, dù Chương trình GDPT 2018 nhằm phát triển tối đa năng lực, phẩm chất của học sinh, song sự chênh lệch về điều kiện cơ sở vật chất giữa các trường, thiếu thốn về trang thiết bị dạy học… khiến việc giảng dạy gặp khó khăn.
Vì vậy, để giảng dạy hiệu quả, cô và đồng nghiệp luôn chủ động trao đổi với học sinh để hiểu và xây dựng phương pháp phù hợp với năng lực mỗi em. Cô Kim Dung kể, 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, khả năng thích ứng với Chương trình GDPT 2018 còn chậm.
Nhiều em chưa quen cách học chủ động, tự lập kế hoạch học tập, tìm hiểu tài liệu cũng như khả năng làm việc nhóm hạn chế, do đó sự sát sao của thầy cô rất quan trọng. Thay vì tạo áp lực, cô đã gặp riêng học sinh để hướng dẫn; điều chỉnh nội dung, cách tiếp cận sao cho phù hợp khả năng, điều kiện học trò, giúp các em dần thích nghi, phát triển kỹ năng học tập độc lập.
Cô cũng tìm cách đa dạng phương pháp giảng dạy bằng việc áp dụng công nghệ thông tin như trình chiếu, sử dụng các phần mềm hỗ trợ học tập… Cùng đó, các em được khuyến khích thực hiện dự án liên quan đến tác phẩm văn học hoặc chủ đề trong chương trình để phát triển khả năng nghiên cứu và trình bày.
Trong mỗi tiết học, cô tăng cường tương tác thông qua thảo luận mở; khuyến khích học trò đặt câu hỏi, bày tỏ quan điểm để thêm sự tự tin, rèn luyện khả năng diễn đạt; thường xuyên phản hồi mang tính xây dựng giúp học sinh nhận ra điểm mạnh và cần cải thiện trong quá trình học tập.
Bên cạnh chủ động nghiên cứu, tiếp cận chương trình, cô Kim Dung thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà giáo viên, học sinh phải đối mặt như khả năng tiếp cận công nghệ của giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt giáo viên có tuổi ở trường học vùng khó nên kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế bài học theo hướng mở... hạn chế.
“Một số thầy, cô cảm thấy áp lực, lúng túng khi áp dụng phương pháp dạy học mới. Đối với học sinh chuyển đổi từ phương pháp học truyền thống sang phát triển năng lực có thể gặp khó khăn trong việc làm quen và thích nghi”, cô Dung cho biết.
Một tiết học của thầy trò Trường THPT Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Những đề xuất thiết thực
Với đặc thù trường miền núi, thiết bị dạy học chưa được cấp phát kịp thời nên giáo viên mất nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm hình ảnh, video, thí nghiệm ảo… cô Kim Dung mong nhà trường có nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh trong việc tư vấn và hướng dẫn lựa chọn môn học, phương pháp học tập phù hợp với năng lực, sở thích đối với các môn tổ hợp cấp THPT.
Tương tự, cô Lê Thị Tâm - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh) mong muốn ngoài việc tự học và đổi mới của giáo viên, Sở, Bộ GD&ĐT nên có thêm các lớp bồi dưỡng, giảng dạy nghiệp vụ sư phạm, tập huấn dạy sách mới và kiểm tra đánh giá theo chương trình mới hằng năm. Các nhà xuất bản nên tăng cường tập huấn, cung cấp sách giáo khoa, sách tham khảo để hỗ trợ giáo viên giảng dạy và nghiên cứu; có thêm giáo án gợi ý, nguồn tư liệu tham khảo dồi dào (đề kiểm tra mẫu, sách mềm, nguồn tham khảo thêm...).
Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 cho các khối, cô Trần Thị Bích Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) mong rằng, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn sát sao để các nhà trường triển khai đồng bộ.
“Từ những kinh nghiệm thực hiện chương trình mới trong 2 năm qua, tôi đề xuất Bộ, Sở GD&ĐT có thêm những buổi tập huấn chuyên môn, cách thức ra đề để giáo viên nắm được định hướng giảng dạy, ôn luyện, đặc biệt với học sinh lớp 12. Từ đó, các em có định hướng rõ ràng trong cách học, phù hợp với đổi mới.
Bản thân giáo viên từ những kinh nghiệm thực tiễn trong hai năm triển khai đối với chương trình lớp 10 và 11 đã biết rõ điểm mạnh, yếu trong quá trình giảng dạy để phát huy và rút kinh nghiệm giúp cho các hoạt động giáo dục phong phú, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, lớp 12 năm nay là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới và các môn thi tốt nghiệp theo cách mới nên áp lực và lo lắng là điều không tránh khỏi, cần động viên để các em yên tâm học tập”, cô Hợp chia sẻ thêm.
“Hiện đa phần trường học ở thành phố lớn có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu giảng dạy Chương trình GDPT 2018 nhưng các trường ở vùng khó phần nào còn hạn chế. Bởi vậy, tôi mong có cơ chế hỗ trợ để trường có thể triển khai chương trình tốt hơn, đặc biệt là phòng học thực hành, chức năng hay tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong tương lai”. - Cô Trần Thị Bích Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội)
Ngô Chuyên
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/tron-ven-trien-khai-chu-ky-ctgdpt-2018-tiep-tuc-dong-hanh-ho-tro-post700945.html