Thông tin từ website Trường Đại học Thương mại cho thấy, triết lý giáo dục của nhà trường là kiến tạo tương lai. Tạo dựng môi trường giáo dục trách nhiệm, chính sách giáo dục đa dạng giúp người học trở thành những cá nhân có tư duy độc lập, sáng tạo, toàn diện cả về trí tuệ và nhân cách, có khát vọng vươn lên; khẳng định thương hiệu TMU trên nền tảng giá trị cốt lõi truyền thống - trách nhiệm - sáng tạo.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; đa dạng hình thức, phương thức đào tạo, từng bước nâng cao chuẩn đầu ra và phát triển các ngành/chương trình đào tạo mới gắn với sự phát triển của nền kinh tế số trên cơ sở đội ngũ giảng viên, viên chức hành chính có năng lực cao; cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, chuyển đổi số đồng bộ; tài chính bền vững.
Phát triển vững chắc khoa học công nghệ để thực sự là động lực góp phần quyết định đưa Trường Đại học Thương mại trở thành trường đại học định hướng đổi mới sáng tạo; tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt trình độ quốc tế trên cơ sở đa dạng hóa các nguồn lực và mở rộng quan hệ hợp tác.
Tăng cường trách nhiệm phục vụ cộng đồng tích hợp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thương mại là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hữu Đức; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng là Hiệu trưởng nhà trường.
Nhà trường mở mới nhiều ngành, chương trình, đảm bảo chất lượng đào tạo ra sao?
Theo tìm hiểu, năm 2021, nhà trường tuyển sinh 4.050 chỉ tiêu cho 26 ngành/ chương trình đào tạo. Năm 2022, nhà trường tuyển 4.350 chỉ tiêu cho 30 ngành/ chương trình đào tạo. Năm 2023, trường tuyển 4.900 chỉ tiêu cho 36 ngành/ chương trình đào tạo. Năm 2024 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường này là 5.050 chỉ tiêu cho 38 ngành/ chương trình đào tạo. Năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển 5.320 cho 45 ngành/ chương trình đào tạo.
Năm 2022, Trường Đại học Thương mại mở 2 ngành mới là Marketing (chuyên ngành Marketing số) và Luật kinh tế (chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế). Cũng trong năm này, trường ngừng tuyển sinh 2 ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn.
Bên cạnh đó, nhà trường mở thêm chương trình chất lượng cao các ngành: Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực doanh nghiệp, chương trình định hướng nghề nghiệp ngành Hệ thống thông tin quản lý và chương trình tích hợp chứng chỉ quốc tế ngành Kế toán (Kế toán doanh nghiệp).
Năm 2023, Trường Đại học Thương mại mở thêm các ngành, gồm: Phân tích kinh doanh trong môi trường số, Tiếng Trung thương mại, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại và Thương mại quốc tế.
Từ năm 2024, nhà trường tuyển sinh thêm 10 chương trình mới. Trong đó, hai chương trình chuẩn, gồm: Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính - Ngân hàng) và Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử); 8 chương trình thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế - IPOP, gồm: Logistics và xuất nhập khẩu, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại, Kế toán doanh nghiệp, Thương mại quốc tế, Tài chính - Ngân hàng thương mại, Quản trị nhân lực doanh nghiệp.
Năm 2025, Trường Đại học Thương mại dự kiến tuyển sinh thêm 7 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế - IPOP. Bao gồm: Marketing, Kiểm toán, Kinh tế, Thương mại điện tử, Hệ thống thông tin quản lý, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Trung Quốc.
Tại cuộc trao đổi cùng đại diện Trường Đại học Thương mại, phóng viên băn khoăn về các điều kiện đảm bảo chất lượng khi nhà trường liên tục mở các ngành/ chương trình đào tạo mới. Về vấn đề này, đại diện nhà trường cho hay, khi mở ngành mới nhà trường đảm bảo các điều kiện theo quy định, chẳng hạn như đội ngũ, điều kiện giảng dạy, cơ sở vật chất...
"Song song với việc mở mới thì nhà trường cũng loại bỏ những chương trình đào tạo không còn phù hợp với xu thế hay quy định mới. Chẳng hạn như chương trình chất lượng cao. Nhà trường luôn cải tiến các chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng với loại hình đào tạo mới. Trường không mở ngành ồ ạt mà thay đổi chương trình để phù hợp với xu thế chung.
Tất nhiên về các điều kiện thì Trường Đại học Thương mại thực hiện đúng theo các tiêu chuẩn, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời luôn bám sát các yêu cầu thực tế, đảm bảo chất lượng", vị này khẳng định.
Ngoài ra, theo đại diện nhà trường, 8 chương trình đào tạo IPOP được điều chỉnh, nâng cấp và phát triển từ các chương trình đào tạo chất lượng cao/tích hợp đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo thành công tại Trường Đại học Thương mại, hướng tới mục tiêu chung là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kinh doanh – Quản lý; cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu toàn diện; có kỹ năng thực hành nghề nghiệp; thành thạo tiếng Anh; khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, khả năng thích ứng với công việc cao; đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Khuôn viên Trường Đại học Thương mại. Ảnh: Thi Thi.
Phóng viên nêu câu hỏi: Đối với chương trình IPOP, tình hình tuyển sinh năm 2024 của nhà trường như thế nào? Phóng viên không tìm thấy thông tin Đề án mở ngành đối với các ngành mới trên website nhà trường, đề nghị nhà trường lý giải nguyên nhân.
Về tình hình tuyển sinh của chương trình đào tạo chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024), đại diện nhà trường thông tin, có 979 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ tiêu tuyển sinh là 820 sinh viên).
Vị đại diện cho biết, với những băn khoăn của phóng viên liên quan đến thông tin đề án mở ngành, nhà trường sẽ kiểm tra lại hệ thống quản trị website để có sự điều chỉnh, cập nhật thông tin rõ ràng hơn trên website.
Theo tìm hiểu, năm 2022, Trường Đại học Thương mại ngừng tuyển sinh 2 ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn. Hai ngành này đều bắt đầu đào tạo từ năm 2013.
Năm 2023, Trường Đại học Thương mại ngừng tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh (tiếng Trung thương mại) dù trước đó ngành này có số lượng sinh viên nhập học ở mức cao hơn chỉ tiêu. Ngành này bắt đầu đào tạo từ năm 2015.
Về việc đóng ngành nêu trên, đại diện Trường Đại học Thương mại lý giải, dựa trên xu hướng phát triển của xã hội, nhà trường tiến hành chuyển đổi mô hình giảng dạy và mô hình đào tạo để phù hợp hơn với thực tế.
Đối với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn nhà trường chuyển đổi thành chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, không phải dừng tuyển sinh. Theo vị đại diện, có thể do thông tin chưa rõ ràng nên khiến dư luận hiểu nhầm, nhà trường sẽ có sự điều chỉnh để thông tin tới thí sinh, phụ huynh.
"Yêu cầu thị trường lao động hiện đại đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn sẽ được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, sau khi tốt nghiệp các em có thể đáp ứng được công việc", đại diện Trường Đại học Thương mại lý giải.
Tại Điều 14, Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT quy định, nhà trường cần công bố Báo cáo thường niên để công khai cho các bên liên quan tổng quan về kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục tính đến ngày 31 tháng 12 hằng năm. Đến nay phóng viên chưa tìm thấy báo cáo thường niên năm 2024 của nhà trường.
Vị đại diện Trường Đại học Thương mại cho biết, nhà trường vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, thực hiện trong thời gian tới.
Quy mô đào tạo 3 năm qua của Trường Đại học Thương mại
Theo dữ liệu được công khai tại báo cáo ba công khai các năm học 2022-2023, 2023-2024, năm 2024 quy mô đào tạo của Trường Đại học Thương mại có xu hướng tăng.
Cụ thể, năm học 2022-2023 quy mô đào tạo của Trường Đại học Thương mại là 18.503 người, năm học 2023-2024 tăng thêm 2.176 người học, tương đương tăng hơn 11% so với năm học trước. Năm 2024, quy mô đào tạo tăng thêm 3.372 người, tương đương tăng hơn 16% so với năm học trước.
Về quy mô theo từng trình độ đào tạo của Trường Đại học Thương mại cũng có sự biến động, tăng giảm tùy theo từng trình độ. Cụ thể như sau:
Từ biểu đồ trên có thể thấy, quy mô đào tạo hệ tiến sĩ có sự biến động giữa các năm. Năm học 2022-2023 quy mô đào tạo tiến sĩ là 137 người. Năm học 2023-2024 tăng thêm 10 người, tương đương tăng 7,3% so với năm học trước. Năm 2024, quy mô đào tạo tiến sĩ giữ nguyên 147 người như năm trước.
Về quy mô đào tạo thạc sĩ, năm học 2022-2023 Trường Đại học Thương mại có 1.231 học viên; đến năm học 2023-2024 tăng thêm 42 học viên, tương đương tăng hơn 3%. Năm 2024, nhà trường đào tạo 1.273 học viên cao học.
Về quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học có sự biến động giữa các năm. Năm học 2022-2023, quy mô đào tạo hệ này là 203 người, năm học 2023-2024 tăng thêm 64 người, tương đương tăng hơn 31%. Năm 2024, hệ vừa làm vừa học của nhà trường có 265 người, giảm 2 người so với năm học trước.
Đối với hệ đào tạo từ xa, thông báo công khai chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Thương mại năm học 2022-2023 không đề cập dữ liệu. Năm học 2023-2024, quy mô hệ đào tạo từ xa là 317 người, năm 2024 tăng mạnh, lên đến 2.063 người.
Quy mô đào tạo hệ đại học chính quy cũng có sự thay đổi qua các năm. Cụ thể, năm học 2022-2023, quy mô đào tạo là 16.923 sinh viên; năm học 2023-2024, số sinh viên tăng 1.752 người, thành 18.675 người. Năm 2024 số sinh viên đại học chính quy tăng thêm 1.628 người, nâng quy mô đào tạo lên 20.303 người.
Tuệ Nhi