Trồng cây 'thần dược của nam giới', nhiều người dân ở Bắc Giang đổi đời

Trồng cây 'thần dược của nam giới', nhiều người dân ở Bắc Giang đổi đời
20 giờ trướcBài gốc
Những năm gần đây, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) trở thành điểm sáng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, góp phần giúp huyện thực hiện tốt chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện nay, huyện tiếp tục khuyến khích và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, điển hình như sâm nam, ngải Nhật, hà thủ ô, dành dành…
Củ ba kích là dược liệu được biết đến như bài thuốc bổ thận tráng dương cho nam giới. Một khu vườn trồng ba kích và sâm nam của người dân xã nghèo Long Sơn (huyện Sơn Động) nhìn từ trên cao. Trước đây, đất canh tác được các hộ gia đình chủ yếu sử dụng để trồng lúa, ngô và các cây nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, năng suất cây trồng không cao.
Anh Lý Quang Thành làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, chuyển sang trồng ba kích, sâm nam.
Hình ảnh vườn cây ba kích được anh Thành chăm chút cẩn thận. Gia đình anh có hơn 1ha đất trồng cây này.
Chính quyền huyện đã xác định cần thay đổi phương thức nông nghiệp để phát triển kinh tế cho người dân. Dựa vào điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng của vùng, huyện khuyến khích người dân chuyển sang trồng cây dược liệu có giá trị cao.
"Trước kia, gia đình tôi trồng khoai, sắn rồi đến nhãn, vải... nhưng vì thổ nhưỡng không phù hợp nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi được chính quyền hướng dẫn, tôi đổi qua trồng ba kích và sâm nam, thấy cây phát triển tốt, rất mừng", anh Thành nói.
Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia, gia đình anh Thành được đầu tư 100% cây giống và phân bón, từ đó gia đình cơ bản đã thoát nghèo.
Bên cạnh ba kích, bà con nơi đây cũng mạnh dạn chuyển sang trồng cây sâm nam. Tính đến thời điểm hiện tại, xã Long Sơn có 18ha diện tích đất trồng sâm nam.
Chính quyền xã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm dược liệu. Điều này không chỉ giúp người dân có đầu ra ổn định mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho cả cộng đồng.
Ngoài ra, huyện cũng đang xây dựng các mô hình sản xuất cây dược liệu theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân sẽ tiếp tục được triển khai, giúp bà con nâng cao trình độ canh tác và tăng cường năng suất.
Tất cả những điều này đã góp phần giúp huyện Sơn Động thực hiện tốt chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thạch Thảo
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/trong-than-duoc-cua-nam-gioi-nhieu-dong-bao-o-bac-giang-doi-doi-2382835.html