Trọng tài sai rành rành vẫn được khen đúng, V.League phải học Ngoại Hạng Anh

Trọng tài sai rành rành vẫn được khen đúng, V.League phải học Ngoại Hạng Anh
2 ngày trướcBài gốc
Cách VPF, VFF đáp lại những chỉ trích của một số đội bóng về vấn đề trọng tài khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Chưa có bất kỳ một câu trả lời thỏa đáng nào được đưa ra, thậm chí chạm đến đúng vấn đề.
VPF thông báo số 15 nhắc một cách chung chung "một số cầu thủ, quan chức CLB chưa nắm rõ các quy định của Luật, các nguyên tắc trong áp dụng VAR… dẫn đến các hành vi, thái độ, phát ngôn phản ứng trọng tài quá mức ở trong và sau trận đấu". Tuy nhiên, văn bản này tuyệt nhiên không nhắc đến trọng tài đúng hay sai thế nào.
Mới đây, CLB Thanh Hóa cho biết họ thậm chí còn chưa nhận được câu trả lời từ lần khiếu nại của... mùa giải trước.
Trọng tài Lê Vũ Linh rút thẻ đỏ gây tranh cãi, đuổi HLV Popov.
Phát biểu của Trưởng Ban Trọng tài Đặng Thanh Hạ còn lấn cấn hơn: "Các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến kết quả trận đấu đều chính xác”. Tình huống cụ thể thế nào, phân tích ra sao để đưa ra kết luận như vậy thì không được nói đến.
Khán giả xem trận Bình Dương hòa Hà Tĩnh không được giải đáp vì sao bóng chạm tay Bùi Vĩ Hào trong vòng cấm mà cả trọng tài chính lẫn VAR đều không thổi phạt đền. Pha bóng này tương tự tình huống chạm tay của Marc Cucurella trong trận tứ kết EURO 2024 giữa Tây Ban Nha và Đức. UEFA ban đầu giải thích rằng trọng tài phân tích đúng luật, nhưng 2 tháng sau đưa ra kết luận ngược lại, thừa nhận sai lầm.
Khi học hỏi mô hình của các nền bóng đá hàng đầu thế giới, có lẽ các nhà quản lý bóng đá Việt Nam cũng nghiên cứu thêm cả các quy trình, giải pháp liên quan đến vấn đề trọng tài. Ngoại Hạng Anh - giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh - cũng đầy tai tiếng về các "vua áo đen", nhưng ít nhất khi sự cố xảy ra, các bên liên quan đưa ra câu trả lời rõ ràng và sòng phẳng.
CLB TP.HCM 2-2 Thanh Hóa.
Ban tổ chức giải Ngoại Hạng Anh - đơn vị tương đương với VPF - bảo vệ quyền lợi của các đội bóng bằng cách lập ra một ủy ban để xem xét các tình huống mang tính then chốt trong trận đấu (Key Match Incidents, viết tắt là KMI).
Nhóm này gồm đại diện ban tổ chức, đại diện Hiệp hội trọng tài chuyên nghiệp (PGMOL, cơ quan quản lý trọng tài của bóng đá Anh) và 3 cựu cầu thủ, huấn luyện viên. Họ có nhiệm vụ phân tích các tình huống, đánh giá quyết định của trọng tài và hoạt động của VAR.
KMI sẽ kết luận tính đúng đắn trong các quyết định của trọng tài, phân loại sai sót dựa trên mức độ và chuyển báo cáo cho PGMOL cũng như các câu lạc bộ liên quan. Đối với các trường hợp sai sót rất nghiêm trọng, PGMOL thường sẽ đăng công khai thông báo.
Mới đây, ban tổ chức giải và PGMOL còn mở một chương trình nói riêng về các quyết định của trọng tài. Howard Webb - Trưởng ban trọng tài của PGMOL - trực tiếp lên sóng để phân tích các tình huống và đưa ra đánh giá.
Bóng đá Việt Nam cũng cần một mô hình như vậy, thay vì phó mặc cho Ban Trọng tài "vừa đá bóng vừa thổi còi". Lập ra một ủy ban độc lập với Ban Trọng tài để theo dõi, đánh giá hiệu quả công việc của đội ngũ "cầm cân nảy mực" các trận đấu có thể là biện pháp hữu hiệu cho VPF bảo vệ quyền lợi cho các đội bóng - cũng chính là cổ đông của họ.
Ngoài ra, việc có nhiều hơn một đơn vị công khai các phân tích, kết luận chuyên môn về tất cả các tình huống tranh cãi sẽ làm tăng tính phản biện, công khai, minh bạch cho giải đấu. Không chỉ các đội bóng mà người hâm mộ cũng cần nhận được câu trả lời thỏa đáng từ những tình huống gây tranh cãi của trọng tài.
Tiểu Minh
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/trong-tai-sai-ranh-ranh-van-duoc-khen-dung-v-league-phai-hoc-ngoai-hang-anh-ar926900.html