Đây là lần thứ ba Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Và hai lần Bộ trưởng đăng đàn trước đó cũng cách đây chưa lâu. Điều này lý giải vì sao những nội dung đưa ra chất vấn Bộ trưởng lần này đều không mới, thậm chí một số vấn đề đã nhiều lần được phản ánh trên nghị trường Quốc hội. Nội dung không mới nhưng cách tiếp cận và giải pháp không thể không mới. Như nhận định của Bộ trưởng, là với những nội dung đã được bàn khá nhiều lần, thì lần này phải là “một số giải pháp mới”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Ảnh: Quang Khánh
Chúng tôi luôn coi tồn tại, hạn chếlà động lực để thúc đẩy phát triển ngành!
Liên quan đến quản lý mạng xã hội, chống tin giả, tin sai sự thật - vấn đề không chỉ của Việt Nam mà mang tính toàn cầu và đã bàn khá nhiều lần trên nghị trường Quốc hội, theo Bộ trưởng, việc đầu tiên là phải tập trung “hoàn thiện thể chế”. Lý lẽ là bởi, trước đây, chúng ta mới quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả, nhưng trong “một nghị định mới được ký cách đây chưa đầy một tuần, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật”, Bộ trưởng cho biết.
Giải pháp mới thứ hai, theo Bộ trưởng, nếu như trước đây chúng ta nghĩ rằng, việc xử lý thông tin sai sự thật là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thì bây giờ “trách nhiệm lớn phải là của các nền tảng mạng xã hội”. Bởi, với không gian riêng và thuê bao riêng với số tài khoản lên tới hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ người dùng, thì các nền tảng xã hội phải có trách nhiệm “rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và thông tin xấu, độc”…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh
Cùng với việc tập trung vào các giải pháp nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Tin giả quốc gia, để “khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai, tin xấu độc, thì họ có chỗ, có nơi để phản ánh, đề nghị giúp đỡ”. Và gần đây, các địa phương cũng đã bắt đầu hình thành các trung tâm tin giả để chống tin giả, tin sai sự thật ở tầm mức địa phương.
Được đánh giá là một trong những bộ, ngành đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang khai thác nhiều tiện ích của công nghệ chiến lược, trí tuệ nhân tạo… vào công tác quản lý nhà nước của mình nói chung và hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh chuyển đổi số nói riêng. Đơn cử, Bộ đã xây dựng và công bố Bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển Nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo; thử nghiệm giải pháp công nghệ số để giám sát và báo cáo vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số (Media Hub); ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; phát hành sổ tay điện tử về chuyển đổi số báo chí…
Các đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn. Ảnh: Quang Khánh
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng, phối hợp với các bộ, ngành liên quan như y tế, công thương, đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật để rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như Facebook, Youtube, Tiktok. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, đại lý quảng cáo có nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật, tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam...
Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành thông tin và truyền thông, trong đó có nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao và sự tâm huyết đặc biệt của Bộ trưởng với lĩnh vực được giao quản lý nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn. Ảnh: Quang Khánh
Dẫu vậy, trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, như chia sẻ của Bộ trưởng, là “chúng tôi luôn coi những tồn tại, hạn chế này là động lực để thúc đẩy phát triển ngành”. Và, những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn, dưới các góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau chắc chắn sẽ giúp ngành nhìn thấy rõ hơn và toàn cảnh hơn về lĩnh vực được giao phụ trách cũng như những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của mình, đồng thời gợi mở những giải pháp mới, cách làm và cách tiếp cận mới.
Quan trọng nhất vẫn là đạo đức người làm báo
Một vấn đề không mới nữa liên quan đến đạo đức người làm báo, tình trạng “báo hóa” tạp chí, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, làm xấu đi hình ảnh của báo chí cách mạng, đặc biệt là câu chuyện kinh tế báo chí trước sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội… tiếp tục được đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Với tư duy mạch lạc, sáng rõ và logic cùng những lập luận khá chặt chẽ, các câu hỏi của đại biểu đều được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời thấu đáo, thẳng thắn, phản ánh đúng diễn biến của thực tiễn cuộc sống.
Đơn cử, trong bối cảnh “người người làm báo, nhà nhà làm báo”, dẫn đến “nở rộ” các kênh riêng trên các nền tảng mạng xã hội, kèm theo quảng cáo bán hàng, trong đó không ít nội dung giật gân, phản cảm, sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin của các cá nhân, tổ chức như hiện nay, thì giải pháp gì để chấn chỉnh và nâng cao vai trò của báo chí chính thống trong việc định hướng tuyên truyền là câu hỏi không dễ có lời đáp ngay trong ngày một, ngày hai.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Nhìn thẳng vào thực trạng này, Bộ trưởng chỉ rõ, khi mạng xã hội ra đời, có thể nói đã “lấy mất nghề” của báo chí. Nghề của báo chí là tập trung vào đưa tin, thì bây giờ mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, chưa kể mạng xã hội có đến hàng chục triệu “phóng viên” không mất tiền và có mặt khắp mọi nơi. Do đó, muốn giữ vững trận địa của mình, thì báo chí phải “làm khác” mạng xã hội, phải quay về với những giá trị cốt lõi. Đó là đưa tin chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp; và thay vì đưa tin, kể câu chuyện, dẫn dắt, định hướng xã hội, báo chí cần phân tích, đánh giá, thay vì bình luận, báo chí cần đưa ra giải pháp…
Và, “cách tốt nhất để cạnh tranh với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội và quay về với những giá trị cốt lõi, sử dụng các công nghệ của mạng xã hội để làm báo, tương tác hai chiều, coi mạng xã hội là một công cụ, môi trường để báo chí xuất hiện… Đó là những định hướng mới đối với báo chí để chúng ta giữ trận địa của mình không chỉ trong thế giới thực mà còn trên không gian mạng”, Bộ trưởng khẳng định.
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) chất vấn. Ảnh: Quang Khánh
Phân tích vấn đề ở một chiều kích khác, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) dẫn báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó có nêu còn tình trạng một số cơ quan báo chí đã quá chú trọng khai thác mặt trái, khoét sâu vào những tồn tại, hạn chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với dấu hiệu trục lợi. Hệ quả là một số phóng viên, cộng tác viên có hành vi vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ, xử lý hình sự gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của các cơ quan báo chí và những người làm báo chân chính.
Trả lời về nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong hai năm 2023 và 2024, mỗi năm có 14 - 15 phóng viên, cộng tác viên một số cơ quan báo chí bị bắt, xử lý hình sự. Điều này khiến những người làm báo rất đau lòng, nhưng so với 21.000 người làm báo có thẻ phóng viên và gần 45.000 người làm báo, thì đây là những “con sâu bỏ làm rầu nồi canh” và 80% số phóng viên, cộng tác viên bị bắt vừa qua là từ những tạp chí nhỏ, tạp chí của các hội xã hội, nghề nghiệp - nơi cơ quan chủ quản và tổng biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.
Về giải pháp, để các tạp chí không bị “báo hóa”, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất nhiều việc, trong đó việc đầu tiên là Bộ đã công bố tiêu chí để nhận dạng thế nào là “báo hóa” tạp chí và đăng công khai trên hầu hết các cơ quan báo chí, trang tin và mạng xã hội để toàn xã hội giám sát; và đây cũng là căn cứ để thanh tra, kiểm tra, đánh giá cơ quan báo chí có dấu hiệu vi phạm không hay không.
Hay, thời gian qua, một số quy định mới đã được áp dụng, như nếu phóng viên của cơ quan báo chí vi phạm pháp luật và bị bắt, thì Tổng Biên tập cơ quan báo chí đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp… Đây là những chế tài rất mạnh và nghiêm khắc để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý với lĩnh vực báo chí và truyền thông.
Tuy nhiên, dù là giải pháp nào, thì vấn đề quan trọng nhất, theo Bộ trưởng vẫn là “đạo đức của những người làm báo”.
ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) chất vấn. Ảnh: Quang Khánh
Chưa hoàn toàn đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng, một số đại biểu giơ biển tranh luận, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng phải đưa ra được “giải pháp cốt yếu” để “giải quyết dứt điểm” tình trạng tin xấu, tin độc, tin giả, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, vì các vấn đề này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề nêu trên hay chưa?”.
Trả lời câu hỏi nêu trên của ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre), Bộ trưởng thẳng thắn: “Hết trách nhiệm chưa thì tôi không dám nói, nhưng chúng tôi cũng làm hết sức, từng ngày, từng giờ và thực tế cho thấy cũng có rất nhiều tiến triển…”.
Tương tự, liên quan đến việc có “xử lý triệt để” được câu chuyện quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng hay không, câu trả lời của Bộ trưởng là “Không!”, vì cuộc sống liên tục thay đổi, nên công tác quản lý phải theo sự phát triển, và nếu có diễn biến thì chúng ta lại điều chỉnh. Quan trọng nhất, như khẳng định của Bộ trưởng, đó là “phải xác định, nhận dạng sớm được vấn đề, có giải pháp sớm và điều chỉnh thể chế sớm”… để theo sát sự phát triển của thực tiễn cuộc sống.
Với một ngành đa lĩnh vực như thông tin và truyền thông, “vừa hạ tầng, vừa kỹ thuật - công nghệ, vừa kinh tế, vừa chính trị, và đều liên quan đến kỹ thuật số”, đang nắm giữ nhiều công nghệ chiến lược, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số, thì bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, cũng đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức mới, đòi hỏi Bộ "chuyển đổi số", Bộ "hạ tầng số" cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển
Thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng với phần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội ngay sau đó đã khép lại gần 2 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám.
Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành. Với tinh thần "nói đi đôi với làm và làm ngay", phát huy những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Lam Giang