Trưng bày hơn 200 tư liệu, hiện vật quý về chiến thắng Hàm Rồng

Trưng bày hơn 200 tư liệu, hiện vật quý về chiến thắng Hàm Rồng
2 ngày trướcBài gốc
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm vào 20h ngày 3/4/2025 tại Trung tâm Hội nghị TP Thanh Hóa. Bên cạnh buổi lễ chính, nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng sẽ diễn ra, bao gồm: Lễ dâng hoa, dâng hương, lễ cầu siêu tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ; Lễ khánh thành Công viên tưởng niệm các giáo viên, học sinh hy sinh tại đê sông Mã cùng các công trình chào mừng sự kiện trọng đại này. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động tham quan các di tích lịch sử cách mạng tại Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.
Tại phòng truyền thống Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, với tổng diện tích 86m², các cựu binh đã dày công sưu tầm, lưu giữ và trưng bày hơn 200 tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý về vùng "đất lửa" Hàm Rồng lịch sử. Trong đó, đặc biệt có nhiều hiện vật gắn liền với những năm tháng chiến đấu anh dũng của quân và dân ta tại mặt trận Hàm Rồng.
Ban Quản lý Di tích Lịch sử - Văn hóa Hàm Rồng đã bố trí phòng truyền thống theo ba phần chính: "Hàm Rồng thắng tích", "Hàm Rồng anh hùng" và "Hàm Rồng đổi mới". Mỗi không gian trưng bày những tư liệu, hình ảnh giá trị về vùng đất Hàm Rồng lịch sử, đặc biệt là những chiến công oanh liệt của quân và dân nơi đây.
Một số hình ảnh phóng viên ghi tại gian trưng bày những khoảnh khắc đi vào lịch sử về chiến thắng Hàm Rồng.
Phòng truyền thống Ban Quản lý Di tích Lịch sử - Văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) hiện là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý giá về vùng “đất lửa” Hàm Rồng lịch sử, đặc biệt là những tư liệu, hiện vật về những năm tháng chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân ta tại mặt trận Hàm Rồng.
Ông Lê Xuân Giang (bên phải) cùng nhiều cựu binh Hàm Rồng năm xưa đã sưu tầm hàng trăm tư liệu, hiện vật đặc biệt trưng bày tại Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.
Các hiện vật bao gồm nhiều loại vũ khí, quân trang, kỷ vật tranh ảnh, phim tư liệu... của các chiến sĩ từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Vỏ bom Mỹ ném xuống Hàm Rồng trong 2 lần leo thang đánh phá miền Bắc.
Hình ảnh tư liệu về trận địa pháo cao xạ phòng thủ bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Những tư liệu và hiện vật được trưng bày tại đây không chỉ là bằng chứng lịch sử mà còn mang đến những câu chuyện xúc động về sự hy sinh và tinh thần kiên cường của thế hệ cha anh.
Hình ảnh nữ anh hùng tải đạn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Cầu Hàm Rồng lịch sử, nơi ghi dấu ấn một thời hào hùng của quân và dân Thanh Hóa trong những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ.
Cầu Hàm Rồng huyền thoại ngày nay.
Với âm mưu cắt đứt sự chi viện Bắc - Nam, từ năm 1964-1973, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trực tiếp chỉ đạo phương án đánh phá cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt tuyến chi viện huyết mạch.
Trong 2 cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc, Mỹ đã huy động 2.924 máy bay đánh phá 1.096 trận, ném 71.600 tấn bom với 11.526 quả, bắn 600 tên lửa, 2.840 quả rốc két, 2.178 quả đạn pháo kích, hàng trăm bom bi và thủy lôi…
Đặc biệt, trong trận đánh ngày 3 và 4/4/1965, quân dân Thanh Hóa trên mặt trận bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống 2 tên giặc lái. Riêng Hàm Rồng, trong 2 ngày đã bắn rơi 31 máy bay Mỹ, lập kỷ lục về thành tích tiêu diệt máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Tính chung cả 2 lần phá hoại miền Bắc, quân, dân "đất lửa" Hàm Rồng đã bắn hạ 117 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, giữ vững cầu, lập nên một kỷ lục bảo vệ cầu chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Những chiến công của quân và dân Hàm Rồng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen: "Giỏi lắm! Nhân dân Hàm Rồng giỏi. Công nhân Hàm Rồng giỏi. Nông dân Hàm Rồng cũng giỏi. Cả bộ đội, dân quân Hàm Rồng đều giỏi. Cố gắng sản xuất và chiến đấu giỏi hơn nữa, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Ngọc Hưng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/trung-bay-hon-200-tu-lieu-hien-vat-quy-ve-chien-thang-ham-rong-169250331140933621.htm