Người lính kiên trung và hành trình cống hiến thời bình

Người lính kiên trung và hành trình cống hiến thời bình
20 giờ trướcBài gốc
Cựu chiến binh Lữ Tấn Xa và các con cháu trong ngày ông nhận Bằng mừng thọ 95 tuổi do Hội Người cao tuổi địa phương trao tặng. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)
Tháng 3, các làng quê miền trung trời mát, nắng nhẹ. Nhân chuyến công tác tại đây, chúng tôi ghé thăm cựu chiến binh Lữ Tấn Xa (thôn 1, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Trong căn nhà nhỏ nhìn ra cánh đồng Hiền Lương, ông Xa bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến tranh.
Ông cho biết, ông sinh đúng năm Đảng ta ra đời (1930). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp ông tham gia Vệ Quốc đoàn, nhập ngũ ngày 1/1/1948 và được phiên vào Đại đội 11, Trung đoàn 108. Năm 1950, khi Tiểu đoàn 59 thành lập, ông về Đại đội 6 - đơn vị thuộc tiểu đoàn. Đại đội lúc bấy giờ chủ yếu là các anh em biệt động thành Thái Phiên vang tiếng một thời gắn với những trận đánh làm kẻ thù kinh sợ như trận Cổ viện Chăm, Nhà hàng Morin-Frères…
Và từ những nòng cốt này đã không ngừng lớn mạnh, đưa Tiểu đoàn 59 trở thành đơn vị chủ lực với lối đánh công kiên, lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của lực lượng vũ trang Liên khu V. Tiểu đoàn 59 thành lập ở Tam Kỳ (Quảng Nam), nhưng đơn vị huấn luyện chủ yếu ở Bồng Sơn, An Nhơn (Bình Định).
Khi đó, ông Xa là Tiểu đoàn trưởng trinh sát. Chấp hành mệnh lệnh của Ban Chỉ huy Đại đội, đơn vị thường xuyên tổ chức huấn luyện tập đánh lô cốt và các mục tiêu lớn; từ tổ chức đánh đồn có địch tập trung, hàng rào thép nhiều lớp, phải sử dụng bộc phá ống, bộc phá khói, thuốc nổ TNT đến thang vượt tường, rào, vượt chiến hào. Trong quá trình đánh đồn, trinh sát là một trong những mũi rất quan trọng, kết hợp và biến hóa, tỉ mỉ, chặt chẽ với các lực lượng tiến công như bộc phá, hỏa lực; tổ chức các hướng tiến công chính, phụ và dự bị,…
Sau huấn luyện, tiểu đoàn triển khai đi đánh đồn thật như Lệ Sơn-Hòa Tiến, Đồn Nhất, Túy Loan. Đánh xong rút quân về đóng ở Kim Phúc, Tam Kỳ; sau đó hành quân tiến đánh ra khu vực Thu Bồn, phía nam Đà Nẵng; rút về vùng tự do để huấn luyện, chờ lệnh đi chiến dịch.
Sau những thành công bước đầu, Tiểu đoàn 59 tiếp tục từng bước lớn mạnh, từ đánh nhỏ, đánh điểm đến đánh lô cốt, rồi tiến đánh An Khê, Tú Thủy-Cửu An…; đánh hiệp đồng chiến dịch ở Kon Tum… Những trận chiến đấu này từng bước cho thấy đơn vị rất giỏi đánh đồn, phục kích ban ngày, ban đêm, đánh điểm…
Tiểu đoàn 59 là cái nôi huấn luyện anh em đặc công Liên khu V từ buổi ban đầu. Nhờ thế cho nên có kỹ năng, tính toán trước, trong và sau khi đánh rất thành thạo, chu đáo, phù hợp. Không chỉ vậy, còn được huấn luyện đánh địch trong điều kiện vũ khí thô sơ, tự tạo, tự phát triển và không hiện đại như của giặc Mỹ. Do đó phải tận dụng tất cả các kỹ thuật của con người, phát huy hết khả năng của bộ đội.
Nhờ những ngày tháng huấn luyện và trận đánh rất thực tiễn mà cựu chiến binh Lữ Tấn Xa đã lập nên những chiến công lớn, được tặng thưởng nhiều Huân chương Chiến công, Giải phóng, Độc lập...; bằng khen, giấy khen của Quân đội và Nhà nước.
Bản thân ông trong giai đoạn 1950-1954 đã tham gia và chỉ huy hơn 40 trận đánh; trực tiếp tiêu diệt nhiều tên địch. Với các thành tích xuất sắc, ông vinh dự được Tiểu đoàn 59 cử ra Hà Nội gặp Bác Hồ và dự lễ Tuyên dương tổ chức vào năm 1954.
Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ông Lữ Tấn Xa tiếp tục phục vụ trong quân đội, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Sau Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ông Lữ Tấn Xa tiếp tục phục vụ trong quân đội, tham gia bảo vệ biên giới tây nam.
Năm 1980-1986, ông được điều động về công tác tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 359, Quân khu 5 giữ chức Thiếu tá, sau đó là Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn. Suốt những năm tháng đó, chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống nhưng ông chưa một lần chùn bước, vì luôn tâm niệm rằng: “Đã là người lính, phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của dân tộc”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân sự, ông Lữ Tấn Xa trở về quê nhà với thương tật chiến tranh. Cho dù sức khỏe không còn như trước, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết xây dựng quê hương. Ông tích cực tham gia công tác xã hội, vận động người dân cải tiến phương thức sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn phối hợp chính quyền địa phương, có nhiều đóng góp trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho thương binh, gia đình liệt sĩ, hỗ trợ người có công với cách mạng.
Nhờ những đóng góp của mình, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh, trở thành cầu nối giữa chính quyền và người dân. Ông cũng dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục tại quê hương, tích cực vận động xây dựng trường học, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, giúp thế hệ trẻ có điều kiện tốt hơn để vươn lên trong cuộc sống.
Ở tuổi ngoài 95, ông Lữ Tấn Xa vẫn nhiệt huyết với công việc, luôn sẵn sàng đóng góp sức mình cho quê hương. Ông thường xuyên tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, kể lại những câu chuyện về một thời hào hùng để trao truyền và hun đúc tinh thần yêu nước cho lớp trẻ hôm nay.
ĐÌNH TĂNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nguoi-linh-kien-trung-va-hanh-trinh-cong-hien-thoi-binh-post869445.html