Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (ảnh tư liệu)
Đã thành lệ, cứ sắp đến mùng 10 tháng 3 âm lịch là thể nào bà cũng gọi điện hỏi con cháu có về không. Thằng cháu đích tôn trêu: “Về có việc gì bà ơi?”. “Thì về để cả nhà sum họp, chứ đi từ Tết đến giờ bà thấy sao mà xa nhau lâu thế. Mà Giỗ Tổ thì phải về đi hội Đền Hùng chứ cháu. Người ta ở tận đâu còn về dâng nén tâm hương nữa là mình. Về đi, bà phần sẵn vườn rau và mấy con gà chạy bộ”.
Năm nay vì không muốn gọi cho từng đứa, bà đứng trước camera, chỉ tay vào cuốn lịch trên tường. Miệng bỏm bẻm nhai trầu, bà cười hiền hậu như cổ tích.
Về chứ! Mấy anh em tôi đều về đông đủ cả. Đường về nhà đi qua cổng đền Hùng, từ xa đã thấy dòng người nô nức về trẩy hội. Có khi về tới nhà mà chẳng thấy ai, tất cả đều tụ họp ngoài nhà văn hóa. Các mẹ còn bận chuẩn bị cho cuộc thi gói bánh chưng, trai tráng trong làng không giã bánh giầy thì cũng đang dốc sức cho đội bơi chải. Lũ trẻ con là bận rộn hơn cả, chỗ nào cũng có mặt để cổ vũ. Nhưng các cụ có khi còn háo hức hơn tụi nhỏ, như bà tôi chắc đã dậy từ sớm rủ mấy người bạn già đi xem hát xoan, rước kiệu. Bà bảo: “Cũng chẳng biết bà còn được tham gia thêm bao mùa Giỗ Tổ... Năm nay còn khỏe mạnh đi chơi hội thế thôi, biết đâu năm sau lại nằm im ở nhà nghe âm vang tiếng trống”.
Nô nức trẩy hội Đền Hùng. Ảnh: VĂN TUẤN
Nhà cách đền Hùng không xa lắm, có thể nhìn thấy chân núi Nghĩa Lĩnh ngay trước mặt. Đường đến đền bà đã đi quen chân từ nhỏ. Từ khi còn là con đường đất nhỏ, ngoằn ngoèo, bà đã lẽo đẽo theo sau quang gánh cụ tôi lên đền Hùng bán nước chè. Hội đông lắm, cụ tôi dặn bà bám chắc vào quang gánh nhưng mải mê nhìn ngó xung quanh nên có lúc bà bị tuột tay lạc giữa đám đông. Thoăn thoắt trèo lên ngọn cây quan sát, bà tìm thấy cụ lẫn trong dòng người xuôi ngược.
Có năm bà được giao ngồi trông mẹt nhót, mẹt vỏ quế thơm, rổ sắn luộc… bán cho khách về nguồn. Bây giờ con đường năm xưa đã được đầu tư rộng rãi, khang trang từ rất lâu rồi. Nhưng mỗi thân cây, ngọn cỏ ven đường vẫn cùng người lớn lên, tồn tại qua biết bao năm tháng thăng trầm. Đến từng lớp đất đá ở ngọn núi Nghĩa Lĩnh này cũng mang trong mình bao trầm tích. Có những cây trong khu di tích đền Hùng, khi bà sinh ra đã sừng sững giữa trời, khi người già đi cây vẫn còn xanh bạt ngàn đến thế hệ mai sau. Những ngày đầu tháng ba âm lịch này, ở nơi đây, có thể nghe thấy tiếng trống lễ âm vang rung lên trong long đất. Những chú chim bay về Nghĩa Lĩnh ẩn mình trong tán lá xanh, cất vang tiếng hót…
Hằng năm, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản. Rất nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức như: Lễ rước kiệu về đền Hùng; hội thi gói bánh chưng và giã bánh giầy; đánh trống đồng, đâm đuống, vật dân tộc, múa rối nước... Trước ngày chính lễ, tụi nhỏ nhà tôi đã mất dấu trong đám đông cổ vũ giải bơi chải tại hồ công viên Văn Lang, TP Việt Trì. Bước vào cuộc thi đấu, mấy trăm tay chèo dốc sức trong chặng đua quyết liệt. Khán giả đổ về ngày một đông hò reo, cổ vũ bằng tiếng trống, tiếng kèn vô cùng náo nhiệt. Những hoạt động văn hóa, thể thao cứ nối tiếp nhau diễn ra trong suốt một tuần. Hàng triệu lượt đồng bào liên tục trở về nguồn để dâng lên các Vua Hùng nén tâm hương cầu cho xã tắc thịnh vượng, nhân dân an lành.
Cơn mưa rửa đền như điềm lành tưới mát cả tâm hồn những người con đất tổ. Đã thành lệ, năm nào vào ngày Giỗ Tổ, nhiều gia đình ở quê tôi cũng chuẩn bị chu đáo một mâm cơm cúng tại nhà để tri ân công đức các Vua Hùng. Bà tôi nói đây chính là dịp để gia đình nhắc nhở, giáo dục con cháu về lòng biết ơn với tổ tiên, về đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Tôi mong cho bà khỏe mạnh, sống thật lâu để cứ đầu tháng ba âm lịch lại gọi điện giục con cháu về sum họp. Còn bà là còn cổ tích. Còn cội nguồn, còn quê hương, còn hồn cốt văn hóa của dân tộc!
HUYỀN TRANG