Ông Tor Wennesland, điều phối viên đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Tiến trình Hòa bình Trung Đông, vừa đưa ra cảnh báo rằng khu vực này đang ở "thời điểm nguy hiểm nhất" do các cuộc chiến ở Gaza và Lebanon, cũng như các cuộc không kích của Israel vào Iran vào cuối tuần trước.
"Chúng ta đã bước vào năm thứ hai của cuộc xung đột khủng khiếp này và Trung Đông đang bên bờ vực của một cuộc leo thang nghiêm trọng khác. Bạo lực ở khu vực này không có dấu hiệu giảm bớt", ông Wennesland nói.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) về Trung Đông hôm 29/10, ông Wennesland cảnh báo rằng tiến trình hòa bình kéo dài hàng thập kỷ giữa người Israel và người Palestine đang gặp rủi ro nghiêm trọng.
"Chúng ta đang chứng kiến không chỉ cơn ác mộng nhân đạo khủng khiếp mà còn là sự tan rã nhanh chóng của triển vọng giải quyết bền vững cho cuộc xung đột này", vị quan chức Liên Hợp Quốc cho biết.
Người dân Palestine trong trại tị nạn Shati khi cuộc sống hàng ngày diễn ra trong điều kiện khó khăn ở Gaza, tháng 10/2024. Ảnh: The Guardian
Hàng triệu người ở Gaza đang phải vật lộn để tìm kiếm thức ăn và nước sạch, trong khi liên tục phải di dời trong bối cảnh các hoạt động quân sự của Israel. Hàng trăm nghìn người ở Lebanon cũng đã phải di dời.
Ông Wennesland đã mô tả chuyến đi của ông qua Dải Gaza vào tuần trước là "thách thức sức tưởng tượng".
Ông cho biết ông đã chứng kiến "sự tàn phá khủng khiếp đói với các tòa nhà dân cư, đường sá, bệnh viện và trường học", nơi ông chỉ có thể đếm được 2 tòa nhà không bị phá hủy một phần hoặc toàn bộ.
Vị quan chức Liên Hợp Quốc cho hay, ông cũng chứng kiến hàng nghìn người Palestine "trong những chiếc lều tạm bợ, không có nơi nào khác để đi khi mùa đông đang đến gần", trong khi những người làm công tác nhân đạo phàn nàn về tình trạng ngày càng tồi tệ.
Theo Liên Hợp Quốc, nhiều người ở Gaza đang bên bờ vực nạn đói, với việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo hạn chế và báo cáo thiếu sự bảo vệ cho những người làm công tác cứu trợ.
Hôm 28/10, Israel đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động tại Israel, coi đây là một tổ chức khủng bố và cắt mọi quan hệ giữa cơ quan này với chính phủ Israel.
Động thái này đã vấp phải nhiều sự chỉ trích của quốc tế, bao gồm cả trong cuộc họp của UNSC.
"Không có lý do gì để cắt đứt quan hệ với UNRWA", Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward nói với UNSC. "Hội đồng phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình và đảm bảo UNRWA có thể tiếp tục công việc cứu người của mình".
Có những lo ngại rằng các hoạt động quân sự của Israel, đặc biệt là ở miền Bắc Gaza, là một phần của kế hoạch "bỏ đói" người dân địa phương – điều mà Mỹ đã lên án trong cuộc họp của UNSC.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, "Mỹ phản đối mọi nỗ lực của Israel nhằm bỏ đói người Palestine ở Jabalia (ở miền Bắc Gaza) hoặc bất kỳ nơi nào khác".
"Sau một năm xung đột này, Israel phải giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở Gaza", bà nói.
Washington đã nói với Israel rằng họ phải cho phép thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm vào "toàn bộ Gaza, đặc biệt là phía Bắc và đặc biệt là khi mùa đông đến" và bảo vệ những người thực hiện việc vận chuyển các chuyến hàng tới đó, nhà ngoại giao Mỹ bổ sung.
Minh Đức (Theo National News)