Trung Đông đứng trước nguy cơ chiến tranh toàn diện?

Trung Đông đứng trước nguy cơ chiến tranh toàn diện?
3 giờ trướcBài gốc
Trong vài tháng qua, Iran và Israel nhiều lần tấn công lẫn nhau. Iran thực hiện hai cuộc tấn công trực tiếp vào Israel, trong khi Israel đáp trả bằng một cuộc tấn công và có khả năng đang chuẩn bị cuộc tấn công tiếp theo. Các lực lượng đồng minh của Iran là Hamas và Hezbollah cũng phát động nhiều cuộc tấn công tên lửa trực tiếp, và Israel đáp trả bằng các cuộc không kích có mục tiêu, cùng với việc ám sát các lãnh đạo chủ chốt của những lực lượng này.
Tấn công qua lại liên tục vốn đã là một hình thức chiến tranh, nhưng tình hình hiện nay vẫn đang được kiềm chế phần nào. Câu hỏi thực sự không phải là liệu xung đột có leo thang hay không, mà là nó có thể leo thang đến mức nào trong những hạn chế hiện tại. Bởi cả Iran và Israel đều phải đối mặt với nhiều rào cản đáng kể để tham gia vào cuộc chiến tranh toàn diện.
Rào cản về khoảng cách địa lý
Iran và Israel không có chung biên giới và khoảng cách giữa hai nước tương đối xa, với những điểm gần nhất cách nhau khoảng 750 dặm (1.200km). Trung tâm Israel cách Tehran gần 1.000 dặm (1.600km). Hơn nữa, nhiều quốc gia trung gian, như Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Ảrập Xêút, có lập trường khác nhau trong xung đột này, làm tăng thêm khó khăn cho việc triển khai quân đội trực tiếp. Một số nước có liên kết chặt chẽ hơn với Israel, số khác lại gần gũi hơn với Iran. Trong khi một số không có mối quan hệ tốt với cả hai. Khoảng cách này khiến cả hai quốc gia gần như không thể tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ, trên biển hoặc duy trì một cuộc tấn công quy mô lớn.
Hệ thống Vòm sắt của Israel đánh chặn gần 200 quả tên lửa của Iran trong vụ tấn công ngày 1.10.2024. Ảnh: Reuters
Để tấn công Iran, Israel sẽ phải điều quân qua Iraq và Jordan hoặc Iraq và Syria, điều này không thực tế về mặt hậu cần và vô lý về mặt chiến lược. Ngay cả khi Israel có thể điều các sư đoàn của mình vào lãnh thổ Iran, thì quy mô địa lý rộng lớn của Iran sẽ khiến Israel không thể duy trì các hoạt động có ý nghĩa (Iran lớn gấp 80 lần Israel), Bản thân Israel cũng sẽ không bao giờ muốn gửi quá nhiều công dân phục vụ trong quân đội của mình đi xa như vậy.
Tương tự, quân đội Iran cũng không đủ trang bị và sức mạnh quân sự để tiến hành một cuộc tấn công trên bộ hoặc trên biển vào Israel để gây ra mối đe dọa đáng kể đối với hệ thống phòng thủ kiên cố của Israel. Mặc dù Iran có thể di chuyển lực lượng và đóng quân tại Syria-quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ Iran, nhưng cho đến nay Damascus đã ngăn cản Tehran tiến hành các cuộc tấn công lớn trực tiếp vào Israel từ lãnh thổ Syria vì lo ngại rằng Israel sẽ mở rộng các cuộc tấn công trả đũa.
Hạn chế về khả năng không quân
Mặc dù sức mạnh không quân đóng vai trò quyết định trong bất kỳ cuộc xung đột mở rộng nào, nhưng cả hai nước đều phải đối mặt với những hạn chế đáng kể. Israel sở hữu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có khả năng tấn công các mục tiêu ở Iran, nhưng kho vũ khí của họ có thể chỉ giới hạn ở vài trăm hoặc thậm chí là vài nghìn. Ngoài ra, máy bay chiến đấu F-35 và F-16 tiên tiến của Israel chỉ có tầm bay ngắn khoảng 600 dặm (960km), đòi hỏi phải tiếp nhiên liệu trên không để có thể tiếp cận và tấn công các mục tiêu ở miền Trung Iran - một nhiệm vụ nguy hiểm và đầy thách thức về mặt hậu cần. Mặc dù Israel cũng có một số lượng nhỏ máy bay tiếp nhiên liệu tầm xa, nhưng những chiếc máy bay này rất lớn và rất dễ bị tấn công. Sẽ rất khó khăn và nguy hiểm đối với Israel nếu thường xuyên sử dụng chúng trong không phận thù địch.
Mặt khác, lực lượng không quân của Iran đã lỗi thời, chủ yếu bao gồm các máy bay cũ của Mỹ, Pháp và Liên Xô, khó có thể sánh được với hệ thống phòng không hiện đại của Israel. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran, mặc dù diễn ra thường xuyên, nhưng cho đến nay vẫn chưa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các mục tiêu của Israel. Nói chung, không nước nào ở vị trí có thể tiến hành một chiến dịch không quân lớn và kéo dài chống lại nước kia. Đó là lý do tại sao ngay cả một cuộc chiến tranh mở rộng giữa họ cũng không giống với cuộc tấn công chớp nhoáng của Không quân Đức hay Chiến dịch ném bom kết hợp Anh-Mỹ chống lại Đức trong Thế chiến II. Ngay cả các cuộc không kích gần đây của Mỹ tại Serbia và Iraq, hay chiến dịch không kích của Israel chống lại Hezbollah, cũng không thể là hình mẫu cho một cuộc đối đầu như vậy...
Điểm yếu khi đối đầu hải quân
Theo các nhà phân tích, các cuộc giao tranh hải quân cũng khó có khả năng xảy ra. Bởi cả hai quốc gia đều có năng lực hải quân hạn chế khiến các cuộc tấn công trên biển kéo dài trở nên không khả thi.
Israel thiếu các tàu tấn công đổ bộ và sức mạnh không quân trên tàu sân bay cần thiết cho các hoạt động ven biển quy mô lớn. Trừ khi Israel có thể đặt các phi đội máy bay chiến đấu tại Bahrain hoặc Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, điều này khó có thể xảy ra, việc duy trì quân trên đất liền sẽ rất khó khăn vì họ chỉ có thể cầm cự trong vài giờ trước các cuộc không kích và tên lửa của Iran. Ngay cả khi Israel có thể chiếm được một vị trí chiến lược nào đó, để giữ vững nó, họ sẽ cần vận chuyển hàng tiếp tế qua các tuyến đường nguy hiểm như Eo biển Bab el Mandeb do Houthi kiểm soát và Eo biển Hormuz - vốn là “át chủ bài” của Iran. Điều này có nghĩa là, lực lượng Israel chỉ có thể tiến hành phá hủy một hoặc hai cơ sở quan trọng của Iran gần bờ biển trước khi phải rút lui khỏi tầm bắn của quân đội Iran.
Trong khi đó, hải quân Iran không phải là đối thủ của lực lượng không quân, hải quân và bộ binh kết hợp của Israel và sẽ phải đối mặt với những thách thức hậu cần to lớn khi cố gắng tiếp cận bờ biển Israel. Bởi họ sẽ phải cố gắng di chuyển và tiếp tế cho lực lượng của mình ở đây bằng cách đi vòng quanh toàn bộ châu Phi.
Khả năng chiến tranh toàn diện
Mặc dù khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Israel và Iran dường như thấp, nhưng vẫn có những lo ngại rằng các tính toán sai lầm hoặc thất bại trong ngoại giao có thể đẩy cả hai bên vào một cuộc xung đột không thể kiểm soát.
Năm 1997, nhà kinh tế học người Áo Friedrich Glasl đã công bố một mô hình leo thang xung đột được coi là một trong những nghiên cứu tốt nhất về cách các bất đồng có thể phát triển thành chiến tranh thảm khốc. Mô hình này chia quá trình leo thang xung đột thành 9 giai đoạn, từ những căng thẳng ban đầu giữa các bên đối địch đến tình huống mà các bên tham chiến "cùng nhau lao xuống vực thẳm".
Nhà sử học về chiến tranh Matthew Powell đã so sánh mô hình của Glasl với tình hình giữa Israel và Iran. Ông đánh giá hai bên đối địch đã đạt đến giai đoạn 7, khi họ đang tung ra những đòn tấn hạn chế vào nhau trong khi tránh đối đầu trực tiếp. Cả hai đều muốn đối thủ của mình cân nhắc xem liệu cái giá phải trả để tiếp tục có xứng với những phần thưởng tiềm năng có thể đạt được hay không. Ông Powell nhận định rằng, hiện tại cả hai bên dường như đều muốn giữ khoảng cách vì lo ngại rằng một cuộc xung đột trực tiếp có thể đẩy họ và các đồng minh vào vực thẳm không lối thoát đã đề cập ở trên.
Linh Anh (Theo Foreign Affairs và The Conversation)
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/trung-dong-dung-truoc-nguy-co-chien-tranh-toan-dien-post393936.html