Trung Đông sẽ tiếp tục bất ổn trong năm 2025?

Trung Đông sẽ tiếp tục bất ổn trong năm 2025?
4 ngày trướcBài gốc
Trung Đông luôn được biết đến là khu vực bất ổn, chiến sự liên miên và năm 2024 cũng không phải là ngoại lệ. Một mặt, xu hướng bất ổn vẫn tiếp tục, mà trọng tâm là chiến dịch quân sự của Israel đối với Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon... Mặt khác, tính ác liệt trong các cuộc xung đột leo lên một nấc thang mới. Đặc biệt, những thay đổi diễn ra nhanh chóng, gây bất ngờ ngay cả đối với những người thường xuyên quan sát tình hình ở khu vực này.
Nhiều ý kiến cho rằng, động lực tiếp theo của Trung Đông sẽ phụ thuộc vào triển vọng giải quyết xung đột Israel-Palestine, cũng như các sự kiện tiếp theo ở Syria. Rõ ràng, cả hai trường hợp này đều có liên quan, tác động đến nhau ở một mức độ nhất định.
Thách thức chờ đợi chính phủ mới ở Syria trong năm 2025
Bất chấp những ưu thế của Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong nhiều năm, hiện trạng ở Syria đã thay đổi một cách nhanh chóng vào những ngày cuối năm. Kết quả là, các lực lượng đối lập có vũ trang lật đổ chế độ Assad và nắm chính quyền ở Damascus. Chính phủ mới được đại diện bởi các tổ chức, như Quân đội Quốc gia Syria (SNA) và Hayat Tahrir al-Sham (HTS), trong đó người đại diện là Abu Muhammad al-Julani. Tuy nhiên, việc chính phủ mới có thể thúc đẩy hòa hợp dân tộc, đưa đất nước Syria bước vào giai đoạn phát triển mới hay không vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Một cuộc tổng tuyển cử tại Syria được lên kế hoạch vào tháng 3/2025. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở thủ tục chính thức, mà còn phụ thuộc vào việc những nhóm nào, tỷ lệ bao nhiêu sẽ được đại diện trong chính phủ. Hiện nay, người được chọn Abu Muhammad al-Julani đã bắt đầu bổ nhiệm lãnh đạo của nhiều nhóm khác nhau làm thống đốc (đặc biệt là Latakia và Aleppo). Vì chính phủ mới sẽ tập hợp thành viên thuộc các nhóm, lực lượng chính trị khác nhau, chủ yếu là HTS và SNA, nên dễ hiểu thủ lĩnh al-Julani sẽ tìm mọi cách để củng cố các vị trí của HTS hay của chính ông (trong HTS), cũng như làm suy yếu các vị trí của các nhóm khác.
Theo giới phân tích chính trị, HTS và SNA đại diện cho lợi ích của các lực lượng bên ngoài (các quốc gia vùng Vịnh, chủ yếu là Qatar hoặc Thổ Nhĩ Kỳ), và đặc biệt là có hệ tư tưởng khác nhau. Vì vậy, tầm nhìn của hai tổ chức này về tương lai của Syria cũng không tương đồng. Ví dụ, đối với SNA, nhóm vốn được Ankara hậu thuẫn mạnh mẽ. Do đó, thách thức đối với thủ lĩnh al-Julani là làm thế nào để có thể cân bằng giữa việc củng cố vị thế của mình trong nước với lợi ích, tính toán chiến lược của các tác nhân bên ngoài.
Ngoài ra, một vấn đề không thể không nhắc đến mà chính quyền mới ở Damascus sẽ phải đối mặt, đó là vấn đề bảo đảm an ninh. Ngay sau khi phe đối lập có vũ trang xuất hiện, truyền thông tiết lộ về các vụ giết người và hành hình phi pháp đối với những người mà chính phủ mới coi là các phần tử chống đối, đặc biệt là các đại diện của nhóm dân tộc thiểu số người Alawite. Cũng xuất hiện những báo cáo về các mối đe dọa chống lại các thành viên của cộng đồng Cơ đốc giáo...
Tình hình với các nhóm thiểu số có thể được coi là một loại phép thử đối với chính phủ mới. Một mặt, al-Julani không mong muốn kích động lòng căm thù sắc tộc trong nước. Sự công nhận của quốc tế đối với chính phủ mới sẽ phụ thuộc vào sự khoan dung được thể hiện. Tuy nhiên, mặt khác, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng tình hình trong nước nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ mới sẽ ổn định ở mức độ nào, đặc biệt là ở những nơi xa trung tâm đô thị. Cũng không thể loại trừ khả năng các đại diện của phe đối lập có vũ trang, nắm giữ các vị trí hành chính nhất định, sẽ không tham nhũng như trong chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trước đó (theo giới phân tích, đây là một trong những nguyên nhân khiến chế độ Assad sụp đổ).
Đồng thời, cũng không thể biết ý định của chính phủ mới sẽ chân thành đến mức nào. Mặc dù thủ lĩnh al-Julani luôn xây dựng hình ảnh là một người Hồi giáo tương đối ôn hòa trên các phương tiện truyền thông, nhưng chắc chắn trong số các lực lượng lên nắm quyền ở Damascus không thiếu những thế lực chính trị muốn thúc đẩy ông theo đuổi các chính sách cấp tiến hơn. Bài học của Taliban ở Afghanistan vẫn còn hiện hữu khi đã “đảo ngược” các cam kết trước đó và áp đặt các hạn chế khắc nghiệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Vai trò của những “người chơi” chính ở Trung Đông
Quay trở lại các “người chơi” chính ở khu vực trong vấn đề Syria, cần lưu ý rằng, cùng với việc làm suy yếu vị thế của Nga, Iran cũng đã phải chịu tổn thất đáng kể sau khi chính quyền Assad bị lật đổ. Về kinh tế, thiệt hại không thể khắc phục được từ việc xuất khẩu dầu sang Syria trong toàn bộ cuộc xung đột ước tính không dưới 50 tỷ USD.
“Đầu tư” của Iran vào Syria liên quan trực tiếp đến chiến lược khu vực của nước này, được gọi là “Trục kháng chiến”, nhằm gây sức ép Israel ở phía Bắc (lực lượng Hezbollah ở Lebanon) và ở phía Nam (lực lượng Houthis ở Yemen). Mục tiêu đi kèm của Iran là ngăn chặn mối đe dọa trực tiếp từ Israel, sử dụng các lực lượng trong “Trục kháng chiến” để tấn công, làm suy yếu nhà nước Do Thái. Trong chiến lược này, Syria là “cầu nối đất liền” cho phép Tehran hỗ trợ cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Sau khi chế độ Assad sụp đổ, “cây cầu” này đã bị phá hủy.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, năm 2024, toàn bộ lực lượng trong “Trục kháng chiến” do Iran dẫn dắt ở khu vực bị tổn thất nặng nề. Giới lãnh đạo quân sự - chính trị của Israel đã gần như chặt đứt được sự lãnh đạo của cả Hezbollah và Hamas. Mặc dù cả hai tổ chức này đều chưa và sẽ khó bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng thiệt hại là rất đáng kể và sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi. Song, điều này cũng không có nghĩa là các cuộc xung đột ở cả Gaza và Lebanon sẽ kết thúc với chiến thắng của Israel, bất chấp có thể nói năm 2024 cán cân quyền lực ở Trung Đông đã thay đổi đáng kể, theo hướng bất lợi cho Iran.
Hiện nay, Israel cũng đang nỗ lực mở rộng “vùng kiểm soát” của mình ở miền Nam Syria và để Cao nguyên Golan giờ đây trên thực tế đã trở thành “vùng lãnh thổ” của Israel. Trong bối cảnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một số vùng lãnh thổ, cả trực tiếp và gián tiếp, ở miền Bắc Syria, tạo tiền đề cho sự chia cắt sâu sắc hơn ở Syria. Nếu chính phủ mới không củng cố được quyền lực trong tay, thì khả năng nó sẽ lại bị sụp đổ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Có thể khẳng định, động lực chính trị ở Trung Đông năm 2025 sẽ được quyết định bởi các yếu tố: xung đột Israel-Palestine và loại chính phủ nào sẽ được thành lập ở Syria. Theo những tuyên bố gần đây, Israel và Hamas sắp đạt được một thỏa hiệp khác. Điều này trùng hợp với sự suy yếu của toàn bộ “Trục kháng chiến” do Iran dẫn dắt, cũng như việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Lebanon (mặc dù thực tế vẫn còn khá mong manh). Xung đột sẽ không được giải quyết dứt điểm, nhưng điều này sẽ phần nào xoa dịu căng thẳng trong khu vực. Điều tương tự cũng xảy ra với Syria. Nếu có thể thành lập một chính phủ đại diện cho tất cả các lực lượng chính trị của đất nước, thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, thì sẽ giúp Syria tránh rơi vào một vòng leo thang mới và góp phần vào ổn định tình hình chung của khu vực. Nếu điều này không xảy ra, Syria sẽ lại rơi vào một cuộc nội chiến; trong đó, một số lực lượng bên ngoài (Israel, Thổ Nhĩ Kỳ) và nội bộ (người Kurd, HTS, SNA) nỗ lực mở rộng quyền kiểm soát của mình đối với một số khu vực của đất nước.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/trung-dong-se-tiep-tuc-bat-on-trong-nam-2025-235340.htm