Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và ông Donald Trump, khi đương chức Tổng thống Mỹ, tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan, ngày 16/7/2018. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang tin Zerohedge.com ngày 17/1, chính quyền Mỹ sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang xem xét một chiến lược trừng phạt mới nhằm thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong đó sử dụng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ như một đòn bẩy quan trọng. Như Bloomberg đưa tin, các cố vấn của ông Trump đang xây dựng một kế hoạch trừng phạt toàn diện, không chỉ nhắm vào Nga mà còn cả Iran và Venezuela - hai quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn khác.
Chiến lược này đặt ra hai lựa chọn chính: một là nới lỏng các hạn chế đối với các nhà sản xuất năng lượng của Nga nếu Moskva thể hiện thiện chí đàm phán ngừng bắn; hai là tăng cường các biện pháp trừng phạt hiện có để gây thêm áp lực buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải nhượng bộ. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án nào cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.
Những động thái gần đây của chính quyền Biden dường như đang làm phức tạp thêm kế hoạch của ông Trump. Cụ thể, việc Tổng thống Biden mở rộng lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga vào tuần trước có thể gây khó khăn cho nỗ lực đàm phán nhanh chóng để chấm dứt xung đột sau khi ông Trump nhậm chức.
Bộ trưởng EU của Hungary Janos Boka đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này tại Brussels: "Tôi nghĩ rằng điều tự nhiên là trước khi chúng tôi quyết định gia hạn (trừng phạt) thêm 6 tháng, chúng tôi sẽ hỏi chính quyền Mỹ sắp tới xem họ nhìn nhận như thế nào về tương lai của chế độ trừng phạt".
Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga đang bị đặt dấu hỏi lớn. Thực tế cho thấy, thay vì khuất phục trước áp lực kinh tế từ phương Tây, Moskva đã tăng cường quan hệ thương mại với các nước BRICS như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như Iran. Điều này phần nào cho thấy các lệnh trừng phạt đã không đạt được mục tiêu ban đầu, thậm chí còn có phần phản tác dụng.
Mặc dù trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, nhưng theo Reuters, các cố vấn của ông giờ đây đã thừa nhận rằng quá trình này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí lâu hơn. Hai cố vấn thân cận của ông Trump cho biết, những lời hứa về "Ngày đầu tiên" phần nhiều mang tính "khoa trương trong chiến dịch" và thiếu đánh giá đúng mức về độ phức tạp của cuộc xung đột cũng như thời gian cần thiết.
Một yếu tố khác cũng cần được xem xét là thái độ của các quan chức EU và chính quyền Biden, những người từ lâu đã có xu hướng "chống Trump" trong một số chính sách liên quan đến Ukraine. Điều này vô tình tạo ra những rào cản mới cho tiến trình hòa bình, khiến việc giải quyết xung đột trở nên phức tạp hơn.
Trong bối cảnh đó, việc ông Trump muốn ngăn chặn xu hướng tăng xuất khẩu dầu mỏ của Iran và Venezuela - vốn đã tăng lên trong thời kỳ Tổng thống Biden cầm quyền - cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu. Nhóm cố vấn của ông Trump sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh gây ra những xáo trộn lớn về nguồn cung và giá cả dầu mỏ.
Như vậy, có thể thấy việc sử dụng trừng phạt dầu mỏ như một đòn bẩy trong giải quyết xung đột Ukraine-Nga là một canh bạc không dễ dàng của chính quyền Trump sắp tới. Thành công của chiến lược này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ thái độ của Moskva, sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu, đến tác động của nó đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Zerohedge.com)