Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Nga tháng 10.2024. Nguồn: X/narendramodi
Trong thông điệp của mình, Tập Cận Bình cho rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ nên giống như "điệu tango giữa Rồng - Voi" - vũ điệu giữa hai linh vật biểu tượng cho sức mạnh của hai nước. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng bày tỏ cam kết chung tay duy trì hòa bình và ổn định tại các khu vực biên giới chung.
Cùng ngày, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn trả lời báo chí cho biết, cả hai quốc gia đều là những nền văn minh cổ đại, là các nước đang phát triển lớn và là thành viên quan trọng của Nam Bán cầu và cả hai đều đang trong giai đoạn hiện đại hóa quan trọng. “Sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ chứng tỏ rằng Trung Quốc và Ấn Độ lựa chọn đúng đắn là trở thành đối tác hướng tới những thành tựu chung và hiện thực hóa “Vũ điệu Rồng-Voi”, phục vụ đầy đủ cho lợi ích cơ bản của cả hai nước và nhân dân hai nước”, ông Quách nhấn mạnh.
“Dưới sự chỉ đạo chiến lược của các nhà lãnh đạo hai nước, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ để xem xét và xử lý quan hệ song phương theo quan điểm chiến lược và dài hạn, đồng thời coi đây là cơ hội để tăng cường lòng tin chiến lược lẫn nhau và đẩy mạnh trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực”, ông Quách nói thêm.
Ông nhắc đến cách Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra định hướng chiến lược cho sự phát triển quan hệ song phương tại cuộc gặp ở Kazan, Nga bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS năm ngoái.
Tuyên bố cũng trích lời Tổng thống Ấn Độ Murmu cho rằng mối quan hệ song phương "ổn định, có thể dự đoán và hữu nghị" giữa hai quốc gia "là nơi sinh sống của một phần ba dân số thế giới" sẽ có lợi cho cả hai nước và thế giới.
Trước đó trong ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Từ Phi Hồng đã trả lời báo chí cho biết, mối quan hệ giữa hai nước đang "ở giai đoạn quan trọng" và Bắc Kinh "sẵn sàng hợp tác với phía Ấn Độ để tăng cường hợp tác thực tế trong thương mại và các lĩnh vực khác, đồng thời nhập khẩu nhiều sản phẩm Ấn Độ phù hợp với thị trường Trung Quốc hơn". Ông Từ Phi Hồng nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng hoan nghênh nhiều doanh nghiệp Ấn Độ hơn vượt dãy Himalaya và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Trung Quốc, cùng chia sẻ lợi ích từ sự phát triển của Trung Quốc".
Những phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực khôi phục quan hệ sau cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan năm 2020 dọc theo biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya.
Sau các cuộc thảo luận quân sự và ngoại giao kéo dài, vào tháng 10 năm ngoái, New Delhi và Bắc Kinh ra thông báo cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc rút quân khỏi các khu vực căng thẳng và sẽ nỗ lực hướng tới bình thường hóa quan hệ. Thông báo được đưa ra vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Nga, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức một cuộc họp song phương toàn diện, đánh dấu cuộc gặp chính thức đầu tiên của họ trong gần 5 năm.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc. Chẳng hạn vào ngày 25.3, Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức phiên họp ngoại giao mới tại Bắc Kinh tập trung vào việc đảm bảo quản lý biên giới hiệu quả và sớm nối lại hợp tác và trao đổi xuyên biên giới, bao gồm cả trên các con sông xuyên biên giới.
Thủ tướng Ấn Độ Modi, trong một podcast gần đây với Lex Fridman, cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại hơn là bất hòa, thừa nhận rằng những khác biệt giữa các nước láng giềng là không thể tránh khỏi nhưng không nên để leo thang thành tranh chấp.
Những tuyên bố mới nhất được đưa ra khi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều cân nhắc tác động tiềm tàng của thuế quan có đi có lại mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ có hiệu lực vào ngày 2.4.
Trung Quốc đã phản pháo lại Hoa Kỳ rằng "nếu chiến tranh là điều Hoa Kỳ muốn, dù là chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại hay bất kỳ loại chiến tranh nào khác, nước này sẵn sàng chiến đấu đến cùng". Trong khi đó, phản ứng của New Delhi trước áp lực thuế quan của Trump khá thận trọng. Ấn Độ và Hoa Kỳ đã tiến hành vòng đàm phán thỏa thuận thương mại đầu tiên vào tuần trước, tuyên bố rằng cả hai quốc gia đều đặt mục tiêu hoàn tất đợt đầu tiên của thỏa thuận vào mùa thu năm 2025. Bên cạnh đó, New Delhi đang cân nhắc mở cửa đối với dòng vốn từ Trung Quốc như một biện pháp đối phó với các mức thuế quan sắp tới, Indian Express đưa tin vào tháng trước.
Quỳnh Vũ (Theo RT, Times of India)