Trung Quốc, Ấn Độ tìm kiếm nguồn cung cấp dầu mới sau lệnh trừng phạt của Mỹ

Trung Quốc, Ấn Độ tìm kiếm nguồn cung cấp dầu mới sau lệnh trừng phạt của Mỹ
7 giờ trướcBài gốc
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã áp dụng gói trừng phạt quy mô rộng nhất từ trước đến nay nhằm vào doanh thu từ dầu khí của Nga.
Theo đó, lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ áp dụng đối với các nhà sản xuất dầu của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegaz cũng như đối với 183 tàu thuộc đội tàu ngầm đã cho phép Nga lách lệnh trừng phạt để đưa dầu ra thị trường toàn cầu cho đến nay.
Theo Morgan Stanley, các tàu chở dầu chịu lệnh trừng phạt mới nhất đã vận chuyển khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2024. Con số này tương đương với khoảng 1,4% nhu cầu dầu toàn cầu.
Nhiều tàu trong số đó đã được sử dụng để vận chuyển dầu đến Ấn Độ và Trung Quốc khi các lệnh trừng phạt của phương Tây và mức giá trần do G7 áp dụng vào năm 2022 đã chuyển hoạt động thương mại dầu của Nga từ châu Âu sang châu Á. Ngoài ra, một số tàu chở dầu đã vận chuyển dầu từ Iran - quốc gia cũng đang chịu lệnh trừng phạt.
Giá dầu thô đã tăng vọt vào thứ Hai (13/1) và đạt mức cao nhất kể từ tháng 8 khi các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành để tìm nguồn cung thay thế và lo ngại về thị trường dầu sẽ thắt chặt hơn.
Trong khi đó, Nga cho biết các lệnh trừng phạt có nguy cơ làm mất ổn định thị trường toàn cầu và nước này sẽ tìm cách chống lại chúng.
"Rõ ràng là Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng làm suy yếu vị thế của các công ty chúng tôi theo những cách không cạnh tranh, nhưng chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể chống lại điều này", Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết hôm thứ Hai (14/1).
Các nhà phân tích cho biết các lệnh trừng phạt mới có khả năng làm giảm xuất khẩu dầu của Nga trong ngắn hạn, nhưng Nga có thể thích nghi bằng cách sử dụng các tàu trong đội tàu ngầm vẫn chưa bị trừng phạt.
Hơn nữa, quy mô thực sự của đội tàu ngầm của Nga là điều vẫn chưa được biết, nhưng ước tính bao gồm gần 600 tàu chở dầu.
Mặt khác, tính nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt mới đã khiến các nhà máy lọc dầu Trung Quốc quay trở lại với những người bán dầu không bị hạn chế, điều này góp phần đẩy giá dầu giao ngay cho một số loại dầu thô trong khu vực lên cao, cũng như thúc đẩy đà tăng trên thị trường dầu toàn cầu.
Nhà máy lọc dầu Trung Quốc Yulong Petrochemical trước đây mua dầu thô ESPO Blend của Nga, nhưng vào cuối tuần đã mua 4 triệu thùng dầu thô Upper Zakum của Abu Dhabi và từ Totsa – đơn vị thuộc công ty năng lượng lớn của Pháp là TotalEnergies.
Trong những tuần gần đây, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc cũng đã mua dầu thô của Angola và Brazil, và đang đàm phán để mua thêm dầu từ Tây Phi cũng như Canada.
Hiện tại, hơn 60% lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga là sang Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới.
Mặc dù các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã ngừng giao dịch với các tàu chở dầu và các thực thể đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng theo một số nguồn tin của Reuters, nước này không cho rằng sự gián đoạn đối với nguồn cung dầu thô của Nga trong thời gian chuyển đổi có thể kéo dài tới hai tháng.
Trung Quốc và Ấn Độ là những người mua dầu thô nhiều nhất của Nga sau khi Mỹ và châu Âu nỗ lực hạn chế nguồn thu từ dầu thô của nước này kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu diễn ra vào tháng 2/2022.
Amrita Sen, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Energy Aspects cho biết, một số nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang trong "trạng thái hoảng loạn" sau lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bên cạnh đó, cũng có dấu hiệu cho thấy rằng Mỹ sẽ xem xét áp dụng các hạn chế đối với bất kỳ ai giao dịch dầu của Nga. Trước đó, Mỹ chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ ai giao dịch dầu của Nga ở mức giá trên mức trần 60 USD/thùng.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-an-do-tim-kiem-nguon-cung-cap-dau-moi-sau-lenh-trung-phat-cua-my-post361788.html