Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các lệnh cấm vận đối với hơn 250 thực thể, bao gồm một số tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc, nhằm ngăn chặn Nga lách luật trừng phạt và làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, ông Lưu Bằng Vũ, lên tiếng phản đối: "Trung Quốc kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và quyền tài phán vượt biên giới".
"Các hoạt động trao đổi kinh tế và thương mại thông thường giữa Trung Quốc và Nga không nên bị can thiệp hoặc gián đoạn, và không nên được sử dụng như một công cụ để bôi nhọ và kiềm chế Trung Quốc", ông nói thêm.
Cờ Mỹ và cờ Nga. Ảnh minh họa: AI
Đáng chú ý, gần 100 thực thể Nga trong lĩnh vực ngân hàng và năng lượng – vốn đã bị trừng phạt trước đó – tiếp tục bị siết chặt thêm các biện pháp hạn chế. Điều này làm tăng rủi ro trừng phạt thứ cấp đối với các tổ chức này và khiến việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận trong tương lai trở nên phức tạp hơn.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các lệnh cấm vận mới được thực thi theo một sắc lệnh hành pháp yêu cầu Quốc hội phải thông qua trước khi bất kỳ biện pháp nào có thể được dỡ bỏ.
Ông Jeremy Paner, luật sư tại công ty Hughes Hubbard & Reed, nhận định: "Các biện pháp này đã được thiết kế để không thể dễ dàng đảo ngược, kể cả khi ông Trump lên nắm quyền. Chúng không thể bị hủy bỏ chỉ với một chữ ký".
Ông Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, cho rằng đây là hành động rất quan trọng: "Các lệnh trừng phạt này được bảo vệ khỏi những quyết định thiếu cân nhắc về việc dỡ bỏ. Điều này tạo thêm đòn bẩy cho chính quyền Trump trong việc đàm phán với Nga".
Ngoài ra, Ngân hàng Keremet có trụ sở tại Kyrgyzstan cũng bị trừng phạt vì hợp tác với các quan chức Nga và một ngân hàng bị Mỹ liệt kê là cố tình né tránh các lệnh cấm vận.
Bộ Ngoại giao Mỹ còn áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia – nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, hiện do Nga kiểm soát. Tuy nhiên, các hãng tin Nga dẫn lời người phát ngôn của nhà máy cho biết, lệnh trừng phạt này không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy.
Chỉ cách đây chưa đầy một tuần, chính quyền Biden đã tung ra gói trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay, tập trung vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga. Đây được xem là bước đi nhằm hỗ trợ Ukraine và tạo thêm lợi thế cho chính quyền Trump trong quá trình đàm phán hòa bình.
Hiện vẫn chưa rõ ông Trump sẽ tiếp cận vấn đề trừng phạt Nga như thế nào sau khi nhậm chức. Trong quá khứ, ông từng thể hiện thái độ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mới đây, ông Trump tuyên bố sẽ sớm gặp ông Putin để thảo luận về xung đột ở Ukraine.
Khi được hỏi về chiến lược chấm dứt chiến tranh, ông Trump trả lời trên kênh Newsmax: "Chỉ có một chiến lược duy nhất, và điều đó phụ thuộc vào Putin. Tôi không nghĩ ông ấy hài lòng với cách mọi việc đang diễn ra, vì nó cũng không hề dễ dàng cho ông ấy".
Cao Phong (theo Bloomberg, Lemonde, Newsmax)