Theo thông báo trên trang web chính thức, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết đã đồng ý chia sẻ các mẫu đất đá Mặt Trăng với hai trường đại học của Mỹ là Đại học Brown và Đại học Bang New York tại Stony Brook, cùng các trường, viện của 5 quốc gia khác, gồm Đại học Cologne ở Đức, Đại học Osaka Nhật Bản, Đại học Mở ở Anh, Viện Địa vật lý Paris của Pháp và Ủy ban nghiên cứu không gian và ngoài khí quyển Pakistan.
Mẫu đất ở vùng tối Mặt Trăng do Trung Quốc thu thập được. Ảnh: VCG
Được biết, tháng 11/2023, CNSA bắt đầu mở tiếp nhận đơn xin mượn mẫu nghiên cứu khoa học Mặt Trăng của sứ mệnh Hằng Nga-5 với cộng đồng quốc tế. Tính đến cuối tháng 12 cùng năm, cơ quan này đã nhận được 24 đơn từ 11 quốc gia và tổ chức quốc tế, yêu cầu mượn 71 mẫu.
Ông Thiện Trung Đức (Shan Zhongde), Cục trưởng CNSA nhấn mạnh, “chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc luôn tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, sử dụng hòa bình và hợp tác cùng thắng, chia sẻ thành tựu phát triển với cộng đồng quốc tế”.
Ông cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở đơn xin mượn mẫu nghiên cứu khoa học Mặt Trăng đối với quốc tế và mong đợi các nhà khoa học trên toàn thế giới có thêm nhiều khám phá khoa học hơn, cùng mở rộng nhận thức của con người và mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.
Tàu thăm dò Hằng Nga-5 hạ cánh xuống Mặt Trăng vào cuối năm 2020 và mang về 1.731 gram mẫu đất trên Mặt Trăng. Đây là lần đầu tiên con người thu được mẫu vật từ các khu vực đá núi lửa trẻ trên bề mặt Mặt Trăng, có mẫu trẻ hơn khoảng một tỉ năm so với các mẫu mà người Mỹ và Liên Xô đã thu thập trước đó, cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học Trung Quốc có mẫu vật của riêng mình được lấy từ các thiên thể ngoài Trái Đất.
Sau lần này, Trung Quốc còn mang về lô đất đá đầu tiên nặng 1.935,3 gram từ vùng tối hay phía xa của Mặt Trăng trong sứ mệnh Hằng Nga-6. Hồi tháng 10/2024, các mẫu này đã được Trung Quốc cho ra mắt trước toàn thế giới tại Hội nghị hàng không vũ trụ quốc tế (IAC) lần thứ 75 tổ chức tại Milan, Italy.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh