Trung Quốc chuẩn bị cho hoạt động ngoại giao tại Mỹ Latin

Trung Quốc chuẩn bị cho hoạt động ngoại giao tại Mỹ Latin
7 giờ trướcBài gốc
Liên tiếp trong 3 tháng, Trung Quốc đứng trước nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ đa phương với các quốc gia Mỹ Latin, bao gồm Diễn đàn Bộ trưởng Trung Quốc - CELAC lần thứ tư vừa diễn ra tại Bắc Kinh vào trung tuần tháng 5, Đại hội đồng lần thứ 55 của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) tại Antigua và Barbuda vào tháng 6, cùng Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 7.
Diễn đàn Trung Quốc - CELAC, mốc son mới trong hợp tác
Ngày 13/5 vừa qua, Diễn đàn Bộ trưởng Trung Quốc - CELAC lần thứ tư đã diễn ra tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì, cùng sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao, đại diện các quốc gia thành viên Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC), lần đầu tiên được tổ chức kể từ năm 2021, là một sự kiện quan trọng đánh dấu việc tái khởi động của mối quan hệ hợp tác cấp cao giữa Trung Quốc và các quốc gia Mỹ Latin. Một số nhà lãnh đạo trong khu vực, bao gồm Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và Tổng thống Colombia Gustavo Petro cũng có mặt, mở ra nhiều khả năng cho các cuộc gặp song phương quan trọng và phối hợp chiến lược không chỉ với Chủ tịch Tập Cận Bình mà còn giữa chính các quốc gia Mỹ Latin với nhau.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 4 của Diễn đàn Trung Quốc - CELAC được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 13/5. Ảnh: Tân Hoa Xã
Truyền thống của các diễn đàn này là Trung Quốc đề xuất chương trình hợp tác, trong khi các quốc gia Mỹ Latin thường thể hiện sự đồng thuận. Mặc dù các tuyên bố chung thường mang tính biểu tượng và không quá cụ thể, chúng vẫn phản ánh những ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh, từ phát triển hạ tầng, năng lượng tái tạo, đến hợp tác công nghệ và giao lưu nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm ngày chính thức ra mắt Diễn đàn Trung Quốc - CELAC. 10 năm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo các nước Mỹ Latin và Caribe (LAC) đã cùng nhau tuyên bố thành lập Diễn đàn Trung Quốc - CELAC và ủng hộ việc xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - LAC cùng chung vận mệnh. Sau một thập kỷ nỗ lực tận tụy, Diễn đàn đã phát triển thành một cơ chế trưởng thành và là nền tảng quan trọng cho đối thoại bình đẳng và hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc với các nước LAC.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một cuộc gặp đa phương lớn với khu vực mà không có sự hiện diện trực tiếp của Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà trắng. Chính quyền của ông Donald Trump đã áp đặt nhiều biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến các nước CELAC như gây áp lực lên Panama vì vai trò của Trung Quốc tại kênh đào Panama, hay các chính sách thuế mới tác động đến hoạt động thương mại của toàn khu vực.
Tuyên bố Tegucigalpa được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo CELAC hồi tháng 4 vừa qua có phần nhạt nhòa, cho thấy các chính phủ Mỹ Latin vẫn chưa thống nhất được cách phản ứng với chính sách mới từ Washington. Vì vậy, tại diễn đàn ở Bắc Kinh, các bên đã tìm cách thúc đẩy một mặt trận thống nhất hơn, thông qua các đề xuất hấp dẫn củng cố vị thế của Trung Quốc như đối tác lớn nhất trong khu vực.
Một phần trọng tâm của Trung Quốc trong Diễn đàn Trung Quốc -CELAC lần này sẽ là bảo đảm nguồn cung nông sản và hàng hóa cơ bản từ khu vực nhằm bù đắp sự sụt giảm nhập khẩu từ Mỹ do các lệnh trừng phạt và thuế quan. Cùng với đó, Bắc Kinh cũng đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu của các quốc gia Mỹ Latin, tạo sự lệ thuộc lẫn nhau có lợi về kinh tế.
Ngoài ra, kế hoạch hợp tác cũng bao gồm các lĩnh vực then chốt như viễn thông, năng lượng tái tạo, xe điện, công nghệ không gian và tăng cường giao lưu văn hóa. Trước đây, Trung Quốc đã cam kết tài trợ cho hơn 10.000 người trong khu vực sang Trung Quốc học tập và trao đổi trong vòng ba năm - một xu hướng nhiều khả năng sẽ được mở rộng.
Hợp tác không gian - chiến trường mới của ảnh hưởng
Hợp tác trong lĩnh vực không gian được dự đoán sẽ là điểm nhấn quan trọng trong lộ trình hợp tác mới giữa Trung Quốc với CELAC. Hiện tại, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã vận hành một trạm radar không gian tại Neuquén, Argentina và một số cơ sở có khả năng sử dụng kép tại Chile và Argentina. Bắc Kinh cũng đang hợp tác chặt chẽ với Brazil trong Chương trình vệ tinh CBERS và các dự án chòm sao vệ tinh như “Thousand Sails”.
Đặc biệt, Trung Quốc đang dùng dự án Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế làm “củ cà rốt” để thu hút sự tham gia của các quốc gia Mỹ Latin, trong đó có Cơ quan Vũ trụ Mỹ Latin đặt tại Mexico - một điểm nóng chiến lược cần theo dõi.
Trong khi đó, lĩnh vực hợp tác an ninh và quân sự vẫn còn là một ẩn số. Một số quốc gia như Mexico đã tỏ ra dè dặt trong việc mở rộng quan hệ quân sự với Trung Quốc để tránh làm phật lòng Washington. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh có thể thuyết phục được một số nước bày tỏ công khai sự hợp tác này trong lộ trình hợp tác mới, đây sẽ là một bước đi đáng chú ý trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Tây bán cầu.
Vai trò mới trong OAS
Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) - vốn là thành trì truyền thống của Mỹ - có thể sắp mở ra cơ hội mới cho Trung Quốc. Với tân Tổng Thư ký OAS Alberto Ramdin, người được xem là linh hoạt, chuyên nghiệp và cởi mở hơn người tiền nhiệm Luis Almagro, Trung Quốc có thể được tạo điều kiện tham gia và mở rộng vai trò trong các tổ chức của hệ thống liên Mỹ dựa trên vị thế của Bắc Kinh là một quốc gia quan sát viên OAS kể từ năm 2004. Điều này có thể bao gồm việc tham gia vào Hội đồng Quốc phòng Liên Mỹ và Trường Cao đẳng Quốc phòng Liên Mỹ, mà là PLA trước đây đã từng có mối quan hệ giao lưu.
Sự tham gia ở cấp cao của Bắc Kinh tại phiên họp Đại hội đồng OAS lần thứ 55 vào tháng 6/2025 tại Antigua và Barbuda, nơi Trung Quốc đã có sự hiện diện mạnh mẽ về thương mại và chính trị, có thể là chỉ dấu quan trọng cho thấy sự tham gia mở rộng của Trung Quốc vào các tổ chức khác của hệ thống liên Mỹ.
Hội nghị BRICS - bước ngoặt chiến lược
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 diễn ra vào tháng 7 tới tại Rio de Janeiro có thể là cơ hội tốt nhất để Trung Quốc thúc đẩy một mặt trận đa phương mạnh mẽ làm đối trọng với Mỹ ở khu vực. Ngoài năm thành viên chính thức, các khách mời từ Mỹ Latin như Cuba, Bolivia, Mexico, Colombia và Uruguay cũng sẽ tham gia.
Nguồn: Prensa Latina
Tại sự kiện này, các Chính phủ Mỹ Latin sẽ có thêm thời gian để phối hợp phản ứng trước chính sách thuế quan của Mỹ, đồng thời thảo luận các lựa chọn thay thế về tài chính và thương mại như: các hiệp định thương mại mới giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ; cơ chế tài chính phi đô la, vượt qua hệ thống thanh toán SWIFT; gói tài trợ từ Ngân hàng Phát triển mới của BRICS.
Một hội nghị BRICS thành công với lập trường thống nhất và các kế hoạch cụ thể sẽ là cú hích lớn đưa BRICS trở thành hạt nhân của trật tự quốc tế đa cực, đa trung tâm với tiếng nói ngày càng được củng cố của các nước Nam bán cầu.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, chính sách cắt giảm ngân sách Bộ Ngoại giao, hạn chế viện trợ và giảm hiện diện tại các tổ chức đa phương của chính quyền Tổng thống Donald Trump - vốn nhằm để dành nguồn lực cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt - đang tạo ra khoảng trống cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ Latin. Thành công của Trung Quốc tại diễn đàn CELAC, tổ chức OAS và hội nghị BRICS sẽ là minh chứng rõ ràng cho rủi ro từ chiến lược này.
Nếu Mỹ cuối cùng buộc phải đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, thì sự thiếu vắng đồng minh, đặc biệt là tại “sân sau” Mỹ Latin, sẽ khiến Washington rơi vào thế bất lợi nghiêm trọng.
Trong bối cảnh Washington thu hẹp ảnh hưởng mềm, Bắc Kinh đang đi những bước quyết đoán hơn trong việc thiết lập một trật tự quốc tế song song mà không có Mỹ ở vị trí trung tâm.
Ngọc Minh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/trung-quoc-chuan-bi-cho-hoat-dong-ngoai-giao-tai-my-latin-10373251.html