Hải quan Trung Quốc công bố 16 biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực miền Trung. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong số các mục tiêu khác, các sáng kiến này nhằm tăng cường vai trò của khu vực miền Trung nước này như một trung tâm nội địa cạnh tranh cho kết nối toàn cầu và thúc đẩy việc bồi đắp và phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới trong khu vực.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực miền Trung như một trung tâm mở nội địa, các biện pháp này tập trung vào việc mở rộng các lựa chọn logistics đa phương thức như kết nối "đường sắt-đường biển", "đường không - đường bộ" và "đường không- đường không" và thúc đẩy sự phát triển của các hành lang mở nội địa.
GAC cho biết, khu vực miền Trung Trung Quốc sẽ được hỗ trợ phát triển mô hình "thương mại điện tử xuyên biên giới+cụm công nghiệp", đơn giản hóa quy trình hải quan và tăng cường thuận lợi hóa thương mại xuyên biên giới, từ đó nâng cao hiệu quả thương mại.
Các biện pháp chính để bồi đắp và phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới ở khu vực miền Trung bao gồm tạo thuận lợi cho việc thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, tăng cường giám sát và phân tích thương mại các sản phẩm trung gian, thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống.
GAC cũng cam kết thúc đẩy khu vực miền Trung hội nhập tốt hơn và hỗ trợ cho mô hình phát triển mới. Các biện pháp then chốt bao gồm tận dụng ưu thế chính sách của khu vực giám sát hải quan toàn diện để thành lập các khu thí điểm thực hiện chuyển giao ngành thương mại chế biến, thúc đẩy xây dựng khu thí điểm để tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại Trung Quốc - châu Phi.
Ngoài ra, GAC sẽ nhấn mạnh các biện pháp để tăng cường năng lực an ninh lương thực và năng lượng ở khu vực miền Trung thông qua các cải cách thí điểm kiểm tra và kiểm dịch tại các điểm nhập cảnh được chỉ định đối với lương thực nhập khẩu thông qua các chuyến tàu Trung Quốc-châu Âu và cải cách mô hình kiểm tra nguồn tài nguyên và năng lượng.
Cơ quan Hải quan sẽ hợp tác với khu vực miền Trung để thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển carbon thấp xanh. Các biện pháp then chốt bao gồm tăng cường phối hợp phòng chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, đi sâu cải cách mô hình kiểm tra vật liệu xuất nhập khẩu nguy hiểm.
Miền Trung chiếm vị trí chiến lược quan trọng trong cục diện phát triển của Trung Quốc, đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh sự hình thành của mô hình mở cửa toàn diện, với kết nối đất liền và biển và hỗ trợ hai chiều lẫn nhau giữa Đông và Tây.
Khu vực miền Trung Trung Quốc chiếm khoảng 1/10 diện tích đất Trung Quốc, với khoảng 1/4 dân số nước này và tạo ra khoảng 1/5 GDP của Trung Quốc. Đây là một cơ sở quan trọng cho sản xuất ngũ cốc, năng lượng và nguyên liệu thô, sản xuất thiết bị hiện đại và các ngành công nghệ cao, cũng như một trung tâm giao thông chính.
Wang Peng, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh, cho rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ban hành các chính sách khuyến khích sự phát triển của khu vực miền Trung. Các biện pháp bao gồm nới lỏng tiếp cận thị trường, tối ưu hóa bố cục công nghiệp, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bảo tồn sinh thái, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực.
Khu vực miền Trung cũng có những lợi thế đáng kể trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy lực lượng sản xuất chất lượng mới như nguồn nhân lực dồi dào và cơ sở công nghiệp được thiết lập tốt.
Theo nhà nghiên cứu này, sự gần gũi của khu vực miền Trung với các khu vực phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu cho phép khu vực này được hưởng lợi từ sự lan tỏa công nghệ ở khu vực phía đông, tiếp cận nhân tài chất lượng cao và các ý tưởng tiên tiến, giúp nâng cao năng lực công nghệ và tiềm năng đổi mới của các doanh nghiệp địa phương.
Hải Yến/TTXVN