Một trong những yếu tố cốt lõi giúp Trung Quốc chống chọi với áp lực thuế quan là khả năng thích ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa: TL
Vào mùa hè năm 2018, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với mức tăng trưởng 6,7%. Thậm chí, còn có nhiều dự báo về khả năng nước này sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sau sáu năm, tình hình đã trở nên khó khăn hơn khi những thách thức về bất động sản, nợ công và áp lực giảm phát khiến kinh tế Trung Quốc suy yếu đáng kể, với mức tăng trưởng chỉ còn khoảng 5%. Điều này khiến nhiều người tin rằng, Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn hơn nếu phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại khác với Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế có phải như vậy?
Những bài học và sự chuẩn bị kỹ càng hơn
Trong khi nhiều nhà quan sát tin rằng Trung Quốc hiện đang ở vị thế yếu hơn so với sáu năm trước, thì trên thực tế, Bắc Kinh đã củng cố nền kinh tế của mình để sẵn sàng đối phó với môi trường quốc tế ngày càng khó khăn hơn trong vài năm qua.
Thực vậy, so với trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích cực giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, thể hiện qua những thay đổi chóng mặt trong các dữ liệu thương mại. Nếu như vào năm 2018, thị trường Mỹ chiếm tới 19,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc; đến năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 14,8%.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường các nước phương Tây - đồng minh thân cận của Mỹ. Theo Matthews Asia, chỉ chưa đầy 30% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc được chuyển đến các nước giàu trong G7 vào năm ngoái, giảm mạnh so với mức 48% hồi năm 2000.
Để bù đắp lại cho sự suy giảm này, Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực đa dạng hóa thương mại. Năm 2023 là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhiều hơn so với Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cộng lại.
Trung Quốc cũng có thể giảm thiểu tác động của thuế quan Mỹ bằng cách củng cố thị trường trong nước với dân số 1,4 tỉ người. Bắc Kinh sẽ tập trung thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược, đặc biệt là công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
“Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này trong một thời gian khá dài. Mỹ giờ đây trở nên ít quan trọng hơn nhiều đối với mạng lưới thương mại của Trung Quốc”, ông Dexter Roberts, tác giả của bản tin Chiến tranh thương mại và là thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định với CNN.
Các biện pháp đáp trả linh hoạt
Trong cuộc chiến thương mại đầu tiên, các biện pháp áp thuế của Mỹ đã nhận được sự đáp trả mạnh mẽ, khi có tới 73,3% hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc bị áp thuế. Và lần này, nếu Washington thực sự quyết định áp thuế quan 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh cũng sẵn sàng đưa ra những động thái đáp trả tương tự.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, các động thái đáp trả trong cuộc chiến thương mại sắp tới sẽ không đơn giản là việc áp thuế quan, mà có thể được lựa chọn một cách kỹ càng hơn.
Trên thực tế, Trung Quốc đã thiết lập các luật mới toàn diện trong vài năm qua để có thể được sử dụng làm biện pháp trả đũa. Ví dụ như đưa các công ty nước ngoài vào danh sách đen, áp đặt lệnh trừng phạt của riêng Trung Quốc đối với các cá nhân hoặc doanh nghiệp Mỹ hoặc thực thi các hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng sản quan trọng.
Thế nhưng, các biện pháp trả đũa này có xu hướng tạo ra kết quả đôi bên cùng chịu thiệt hại. Do vậy, nếu Trung Quốc quyết định đưa các doanh nghiệp Mỹ vào danh sách đen hoặc trừng phạt, họ sẽ chỉ làm như vậy theo cách có chọn lọc, để không làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài hoặc làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hồi tháng 9-2024, Bắc Kinh cho biết đang điều tra nhà bán lẻ thời trang PVH Corp, chủ sở hữu của Calvin Klein và Tommy Hilfiger, vì từ chối mua bông từ khu vực Tân Cương do các cáo buộc về nhân quyền. Trước đó, cảnh sát Trung Quốc cũng đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cảm thấy lo ngại khi đột kích văn phòng của các công ty tư vấn quốc tế Bain & Company và Capvision.
Bắc Kinh ít có khả năng bán trái phiếu Mỹ hoặc phá giá đồng nhân dân tệ
Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 8-2024, Trung Quốc đang nắm giữ 775 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng Trung Quốc bán tháo số trái phiếu này để đáp trả sẽ thấp hơn nhiều so với khả năng Bắc Kinh trả đũa các công ty Mỹ hoặc các ngành nông nghiệp.
Lý do là bởi lượng trái phiếu mà Trung Quốc nắm giữ chỉ chiếm 2,7% tổng số trái phiếu chính phủ Mỹ hoặc 9,1% lượng trái phiếu được nắm giữ ở nước ngoài. Thị trường này rất lớn, có tính thanh khoản cao, và không thiếu người mua. Do đó, việc bán tháo trái phiếu sẽ không làm suy yếu đáng kể giá trị đồng đô la Mỹ trong khi cũng có thể gây tổn hại đến lợi ích của chính Bắc Kinh.
Việc hạ giá đồng nhân dân tệ cũng có thể giúp ích cho xuất khẩu của Trung Quốc, nếu ông Donald Trump áp đặt mức thuế quan mới, nhưng các nhà phân tích cũng không tin rằng động thái này nằm trong kế hoạch đáp trả của Bắc Kinh.
Các thống kê cho thấy, trong cuộc chiến thương mại đầu tiên đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 10%, giúp giảm thiểu tác động của thuế quan. Lần này, một đợt tăng thuế quan 60% cũng sẽ đòi hỏi đồng nhân dân tệ phải mất giá khoảng 10-12% để bù đắp. Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng trong bối cảnh tỷ giá hối đoái hiện đã vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ và kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực giảm phát.
Trước đó, một đợt phá giá đột ngột hồi năm 2015 đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính Trung Quốc. Đây là điều mà Bắc Kinh không mong muốn, giữa lúc đang cần củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, cũng như bảo vệ vị thế của đồng nhân dân tệ với tư cách là sự thay thế đáng tin cậy cho đô la Mỹ.
Do vậy, ông Sean Callow, một nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại ITC Markets, nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc khó có thể coi việc phá giá đồng nội tệ là xứng đáng do nhiều tổn thất khác nhau và thay vào đó sẽ chọn các bước đi khác”.
Chủ động điều chỉnh chuỗi cung ứng
Một trong những yếu tố cốt lõi giúp Trung Quốc chống chọi với áp lực thuế quan là khả năng thích ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay từ cuộc chiến thương mại đầu tiên, Trung Quốc đã thiết lập các cơ chế trung chuyển để né rào cản thuế quan. Khi lượng hàng nhập khẩu của Mỹ từ các quốc gia như Thái Lan và Mexico tăng lên, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mexico và Thái Lan đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017-2023.
Khi Mỹ áp thuế mạnh tay đối với các sản phẩm công nghệ và năng lượng mặt trời của Trung Quốc, nhiều công ty Trung Quốc đã di dời sản xuất sang các nước Đông Nam Á. Kết quả là, hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia này sang Mỹ tăng mạnh, trong khi các công ty Trung Quốc tiếp tục duy trì thị phần toàn cầu của mình.
Theo ông Marius Mordal Bakke, chuyên gia tại Rystad Energy, việc “định tuyến lại chuỗi cung ứng tuy tốn kém nhưng rất đáng giá, đặc biệt khi sản phẩm có thể bán với giá gấp 3-4 lần tại thị trường Mỹ”.
Bên cạnh Đông Nam Á, Trung Quốc còn mở rộng chuỗi cung ứng sang Trung Đông, đặc biệt là các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Ảrập Saudi và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Điều này cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách bảo vệ mình ngay trước khi các chính sách của ông Trump chính thức có hiệu lực.
Nguồn: The Diplomat, CNN Business, The Guardian, China Focus, ABN Amro
Song Thanh