Sông băng Purog Kangri. (Nguồn: Reuters)
Theo dữ liệu chính thức công bố trong tháng này, diện tích sông băng ở Trung Quốc đã giảm 26% kể từ năm 1960, do Trái đất nóng lên nhanh chóng.
Quá trình sông băng tan chảy diễn ra ngày càng mạnh mẽ và đã có tới 7.000 sông băng nhỏ biến mất hoàn toàn trong những năm gần đây.
Các sông băng ở Trung Quốc chủ yếu nằm ở phía Tây và phía Bắc nước này, khu vực Tây Tạng và Tân Cương, cùng các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc và Thanh Hải.
Theo dữ liệu công bố trên trang web của Viện Tài nguyên và Môi trường sinh thái Tây Bắc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hôm 21/3 vừa qua, tổng diện tích sông băng của Trung Quốc vào năm 2020 là 46.000km² với khoảng 69.000 sông băng, giảm mạnh so với 59.000km² trong giai đoạn 1960-1980.
Để đối phó với tình trạng này, Trung Quốc đã sử dụng công nghệ “chăn tuyết” và hệ thống tuyết nhân tạo để làm chậm quá trình tan băng. "Chăn tuyết" là các tấm phủ được thiết kế để phản xạ ánh sáng Mặt Trời và giảm hấp thụ bức xạ nhiệt, giúp làm chậm quá trình tan chảy của sông băng.
Trên phạm vi toàn cầu, quá trình băng tan từ Bắc Cực đến dãy Alps, từ Nam Mỹ đến cao nguyên Tây Tạng, sẽ tiếp tục thúc đẩy biến đổi khí hậu và làm tăng nhiệt độ Trái Đất. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề về kinh tế, môi trường và xã hội trên toàn cầu khi mực nước biển tăng trong khi nguồn nước ngọt cạn kiệt dần./.
(TTXVN/Vietnam+)