Tối qua (7/4) và sáng nay (8/4), hàng loạt công ty niêm yết của Trung Quốc đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu.
Trong một tuyên bố chính thức, China Chengtong cho biết các đơn vị đầu tư của tập đoàn sẽ tăng cường nắm giữ cổ phiếu và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nhằm bảo vệ sự ổn định của thị trường. Công ty này khẳng định, “hoàn toàn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của thị trường vốn Trung Quốc”, đồng thời cam kết hỗ trợ quá trình phát triển chất lượng cao của các doanh nghiệp niêm yết.
Công ty China Reform còn được biết đến với tên gọi Guoxin, cũng phát đi thông cáo cho biết, một đơn vị đầu tư trực thuộc sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nhà nước và ETF. Công ty tuyên bố sẽ tận dụng chương trình tái cấp vốn để thực hiện các thương vụ mua lại cổ phiếu, với khoản đầu tư ban đầu lên tới 80 tỷ nhân dân tệ (tương đương 10,95 tỷ USD).
Thông báo mua lại cổ phiếu từ China Chengtong và China Reform được đưa ra sau khi quỹ đầu tư nhà nước Central Huijin tuyên bố sẽ gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu để hỗ trợ thị trường.
Trong khi đó, China Electronics Technology - một tập đoàn nhà nước khác cũng tuyên bố sẽ đẩy mạnh mua lại cổ phiếu tại các công ty thành viên đang niêm yết nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Tập đoàn dầu khí Sinopec ngày 8/4 cho biết sẽ mua lại cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc và Hồng Kông với giá trị tối thiểu 2 tỷ nhân dân tệ trong vòng 12 tháng tới. Động thái này nhằm thể hiện “niềm tin vào triển vọng tăng trưởng trong tương lai”.
Ảnh minh họa. Nguồn: VCG
Ngày 7/4, Công ty Đầu tư Central Huijin, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC), cho biết đã mua thêm cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc thông qua các quỹ ETF và sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ nắm giữ nhằm đảm bảo hoạt động suôn sẻ của thị trường vốn. Central Huijin là một trong các nhà đầu tư thuộc “Đội quốc gia” của Trung Quốc, có nhiệm vụ ổn định thị trường khi biến động.
Trong một tuyên bố ngày 8/4, Central Huijin cho biết thêm, công ty có đủ thanh khoản và các kênh tài trợ thông suốt để giúp ngăn chặn sự biến động bất thường của thị trường trong vai trò “ổn định” thị trường vốn. “Central Huijin có đủ tự tin và năng lực để kiên quyết duy trì hoạt động bình ổn của thị trường vốn…”
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cùng ngày đã ra tuyên bố ủng hộ Central Huijin tăng lượng nắm giữ trong các quỹ cổ phiếu và sẽ cung cấp cho Central Huijin đủ hỗ trợ cho vay lại khi cần thiết, kiên quyết duy trì hoạt động trơn tru của thị trường vốn.
Các động thái trên đã giúp chỉ số Shanghai Composite của nước này tăng trở lại gần 1%, Hang Seng Index (Hong Kong) tăng mạnh 2,63% khi mở cửa phiên giao dịch sáng 8/4 bất chấp việc Tổng thống Trump dọa áp thuế thêm 50% với hàng Trung Quốc.
Trước đó, trong ngày 7/4, các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã đồng loạt lao dốc, trong đó Shenzhen Component Index giảm 9,66%, Shanghai Composite giảm 7,34%, do giới đầu tư lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc chiến thương mại và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh