Trung Quốc giới hạn thời gian chơi game của trẻ em trong kỳ nghỉ

Trung Quốc giới hạn thời gian chơi game của trẻ em trong kỳ nghỉ
5 giờ trướcBài gốc
Cậu bé chơi trò chơi điện tử "Black Myth: Wukong" trong cửa hàng Sony, ở Thượng Hải. Ảnh: EPA-EFE
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, hai công ty trò chơi điện tử lớn nhất Trung Quốc - Tencent Holdings và NetEase- đã tuyên bố tuân thủ các quy định này. Trong kỳ nghỉ bắt đầu từ giữa tháng 1, tổng thời gian chơi trò chơi điện tử sẽkhông được vượt quá 16 giờ.
Ngày 10/1, Tencent, nhà điều hành doanh nghiệp trò chơi điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, thông báo trẻ em dưới 18 tuổi chỉ được phép chơi tối đa 15 giờ từ ngày 13/1 đến ngày 13/2. Trong khi đó, NetEase, công ty nhỏ hơn, giới hạn thời gian chơi của trẻ vị thành niên không quá 16 giờ từ ngày 15/1 đến ngày 14/2.
Cơ quan quản lý Trung Quốc đã áp đặt quy định giới hạn thời gian chơi game từ tháng 8/2021, cho phép trẻ em chỉ được chơi trò chơi điện tử 1 giờ mỗi ngày vào thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ theo quy định, với mục tiêu kiểm soát tình trạng “nghiện” game ở giới trẻ. Tuy nhiên, các hoạt động giải trí trực tuyến khác, chẳng hạn xem video ngắn, không bị giới hạn về thời gian.
Mặc dù có những quy định nghiêm ngặt, Chính phủ Trung Quốc cũng đã bắt đầu nới lỏng lập trường đối với các trò chơi điện tử, coi những tựa game thành công như “Black Myth Wukong” là công cụ mạnh mẽ để quảng bá văn hóa đất nước. Năm ngoái, Cục Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc đã phê duyệt hơn 1.400 tựa game, bao gồm 1.306 trò chơi nội địa và 110 trò chơi từ các nhà sản xuất nước ngoài. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy hệ thống cấp phép và kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc đang dần kìm hãm sự phát triển của thị trường trò chơi điện tử trong nước. Mặc dù “Black Myth Wukong” rất được yêu thích, doanh thu từ các trò chơi điện tử nội địa chỉ tăng 1,7% vào năm 2024, đạt 35,6 tỷ USD, buộc các công ty game Trung Quốc phải mạo hiểm tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, các công ty như Tencent và NetEase đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp để tuân thủ quy định nhằm hạn chế tình trạng chơi game quá mức ở giới trẻ. Trong nhiều năm qua, các công ty này đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để phát hiện người chơi và ngăn chặn trẻ em sử dụng tài khoản người lớn để “lách” lệnh hạn chế.
Trong một bài đăng trên WeChat, Tencent cho biết họ đã nâng cấp hệ thống nhằm phát hiện và xử lý những người cố tình vi phạm quy định trong kỳ nghỉ sắp tới. Công ty này cũng đã thiết lập “cơ sở dữ liệu tài khoản rủi ro”, xác định các tài khoản của người lớn có khả năng bị mượn và sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác minh người dùng.
Tencent lần đầu tiên giới thiệu công nghệ nhận diện khuôn mặt trong trò chơi Honor of Kings vào năm 2018, sau đó áp dụng cho Peacekeeper Elite, phiên bản tiếng Trung của PUBG Mobile. Năm 2020, NetEase cũng tích hợp các công nghệ tương tự vào những trò chơi của công ty này.
Theo một báo cáo chung của Hiệp hội Xuất bản Âm thanh-Video và Kỹ thuật số Trung Quốc và công ty tình báo trò chơi điện tử CNG, vào tháng 12/2024, Trung Quốc có khoảng 200 triệu người dùng Onternet dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, 1/4 số này vẫn vi phạm giới hạn thời gian chơi game trong năm 2024.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-gioi-han-thoi-gian-choi-game-cua-tre-em-trong-ky-nghi-20250111160000826.htm