Số liệu trên được đưa ra trong Sách Xanh “Báo cáo phát triển năng lượng hạt nhân Trung Quốc năm 2025” do Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CNEA) công bố ngày 27/4. Đây là lần đầu tiên tổng quy mô năng lượng điện hạt nhân của nước này đứng đầu thế giới.
Lò phản ứng cỡ nhỏ sử dụng công nghệ Linh long-1 (ACP100) xây dựng tại Hải Nam, Trung Quốc. Đây là lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ thương mại trên đất liền đầu tiên khởi công trên thế giới. Ảnh tư liệu: Tân Hoa xã
Được biết, hiện nay, Trung Quốc có 28 tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng, với tổng công suất lắp đặt 33,65 triệu kilowatt. Đến nay, nước này đã đứng đầu thế giới về công suất lắp đặt các tổ máy đang xây 18 năm liên tiếp. Trung Quốc cũng có 58 tổ máy điện hạt nhân thương mại, tổng công suất lắp đặt đạt 60,96 triệu kilowatt.
Theo ông Tào Thuật Đống (Cao Shudong), Phó chủ tịch thường trực CNEA, năm 2024, nước này đã phê duyệt 5 dự án điện hạt nhân với tổng cộng 11 tổ máy. Về công nghệ, ông cho biết, việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sở hữu độc lập của nước này liên tục có những bước đột phá. “Lò phản ứng đầu tiên của dự án trình diễn ‘Quốc Hòa 1’ - dự án khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Các công việc trong dự án trình diễn lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao tiến triển ổn định sau khi vận hành thương mại. Lò phản ứng cỡ nhỏ sử dụng công nghệ ‘Linh Long-1’ (ACP100) dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2026.”
Theo thông tin mới nhất, trong phiên họp ngày 27/4, Thường trực Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc vừa quyết định phê duyệt 5 dự án điện hạt nhân với tổng số 10 tổ máy mới, trong đó có các dự án ở Phòng Thành Cảng (Quảng Tây), Đài Sơn (Quảng Đông), Tam Môn (Chiết Giang), Hải Dương (Sơn Đông) và Hà Phố (Phúc Kiến).
Theo ước tính của trang The Paper, tổng vốn đầu tư vào các tổ máy điện hạt nhân mới vừa được phê duyệt lần này là hơn 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 27 triệu USD).
Như vậy, kể từ năm 2022, Trung Quốc đã 4 năm liên tiếp phê duyệt từ 10 tổ máy điện hạt nhân trở lên mỗi năm. Các dự án mới đều áp dụng công nghệ điện hạt nhân thế hệ thứ ba “Hoa Long 1” có quyền sở hữu trí tuệ độc lập hoàn toàn của nước này.
Cũng theo số liệu trong Sách Xanh của CNEA, trong năm 2024, tổng vốn đầu tư mà nước này đã hoàn thành để xây dựng các dự án điện hạt nhân trong nước đạt 146,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 20 tỷ USD), tăng 54,79% so với cùng kỳ năm trước, lập mức cao mới trong lịch sử.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế mùa xuân năm 2025 về phát triển bền vững năng lượng hạt nhân do hiệp hội này tổ chức tại Bắc Kinh ngày 27/4, ông Dương Trường Lợi (Yang Changli), Chủ tịch luân phiên của CNEA, cho biết một giai đoạn cơ hội chiến lược mới đang mở ra cho sự phát triển năng lượng hạt nhân của Trung Quốc.
Ước tính, tổng công suất lắp đặt của các tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động tại nước này sẽ đạt 110 triệu kilowatt vào năm 2030. “Trong hệ thống điện mới, điện hạt nhân sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng như một nguồn thay thế quan trọng cho năng lượng các-bon cao và là nguồn hỗ trợ chính cho sự an toàn và ổn định của hệ thống.”
Sánh Xanh dự báo, với tốc độ và nhịp độ xây dựng như hiện nay, công suất lắp đặt điện hạt nhân đang hoạt động của Trung Quốc sẽ vươn lên vị trí số 1 thế giới vào năm 2030.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh