Một cơ sở thuộc Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc ở tỉnh Phúc Kiến. Ảnh: Xinhua
Bloomberg (Mỹ) đưa tin, ngày 27/4 Quốc vụ viện Trung Quốc đã bỏ phiếu phê duyệt 10 lò phản ứng mới. Đây là năm thứ tư liên tiếp Trung Quốc phê duyệt tối thiểu 10 lò phản ứng mới.
Tại Trung Quốc, có 30 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng, chiếm gần một nửa tổng số toàn cầu. Đáng chú ý, vào cuối thập niên này, Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ để trở thành nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới.
Theo truyền thông địa phương, 10 lò phản ứng mới nhất sẽ có tổng chi phí thi công vào khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (27 tỷ USD). Bốn lò trong số đó đã được giao cho Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (China General Nuclear Power Group, CGN) để triển khai tại các nhà máy Fangchenggang và Taishan. Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (China National Nuclear Corp) cùng Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước (State Power Investment Corp), tập đoàn Huanneng Trung Quốc mỗi bên được phê duyệt hai lò phản ứng.
Một số cổ phiếu năng lượng hạt nhân của Trung Quốc đã tăng khi sàn giao dịch chứng khoán mở cửa vào ngày 28/4. Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) của Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc tăng 4,1%.
Theo Hội đồng Điện lực Trung Quốc, công suất điện hạt nhân của nước này dự kiến sẽ đạt 65 gigawatt vào cuối năm 2025, tăng so với mức dưới 60 gigawatt của năm ngoái. Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc công bố báo cáo ngày 27/4 nhận định đến năm 2040, điện hạt nhân của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đạt 200 gigawatt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện.
Giữ vững kỷ luật tài chính là chìa khóa để hiện thực hóa kế hoạch này. Mức 2,7 tỷ USD cho mỗi lò phản ứng của Trung Quốc khá khác biệt nếu so với các dự án tương tự tại Mỹ và châu Âu vốn vấp phải trì hoãn và vượt chi phí. Tại Anh, hai lò phản ứng đang được xây dựng tại Hinkley Point C dự kiến sẽ tiêu tốn tổng cộng 63,7 tỷ USD.
Trong khi đó, ở Trung Quốc hệ thống điều hành nhà nước giúp các nhà phát triển dự án tiếp cận khoản vay với lãi suất thấp. Đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ tiết kiệm bởi vốn xây dựng ban đầu chiếm phần lớn chi phí trong suốt vòng đời của nhà máy hạt nhân. Ngoài ra, việc duy trì dòng chảy ổn định các dự án giúp chuỗi cung ứng dần trưởng thành và đội xây dựng tích lũy kinh nghiệm, từ đó giảm thiểu rủi ro trì hoãn tốn kém.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc