Trung Quốc miễn thuế chống bán phá giá cho các nhà sản xuất cognac lớn từ EU

Trung Quốc miễn thuế chống bán phá giá cho các nhà sản xuất cognac lớn từ EU
7 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc quyết định miễn áp thuế chống phá giá đối với các nhà sản xuất rượu cognac lớn từ EU trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách giải quyết tranh chấp riêng về thuế quan áp lên xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Miễn thuế nếu bán với mức giá tối thiểu
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, từ ngày 5/7/2025, Bắc Kinh sẽ áp thuế lên tới 34,9% trong 5 năm đối với rượu brandy có nguồn gốc từ Liên minh châu Âu, chủ yếu là cognac từ Pháp.
Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc, các thương hiệu lớn như Hennessy thuộc sở hữu của LVMH và Remy Martin, sẽ được miễn thuế nếu họ bán với mức giá tối thiểu.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc, phần lớn ngành công nghiệp cognac của Pháp, bao gồm các thương hiệu lớn như Hennessy thuộc sở hữu của LVMH và Remy Martin, sẽ được miễn thuế nếu họ bán với mức giá tối thiểu. Có điều, mức giá tối thiểu là bao nhiêu hiện chưa được công bố.
Bắc Kinh đã khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá đối với brandy EU vào tháng 1 năm ngoái, động thái này được coi là hành động trả đũa quyết định của EU về việc áp thuế nhập khẩu nặng nề lên xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Các nhà sản xuất cognac Pháp tạo ra tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu 3 tỷ USD mỗi năm. Họ phàn nàn rằng mình là nạn nhân gián tiếp trong cuộc tranh chấp thương mại lớn hơn giữa Brussels và Bắc Kinh.
Ngoài việc được miễn thuế, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng sẽ hoàn lại các khoản tiền đặt cọc mà các nhà sản xuất brandy đã nộp kể từ tháng 10/2024, khi các mức thuế tạm thời được áp dụng. Vấn đề hoàn tiền, vốn gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất nhỏ, là một trong những điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng.
Remy Cointreau, công ty sở hữu Remy Martin cho biết, trong một tuyên bố rằng thỏa thuận về cam kết giá tối thiểu là "một giải pháp thay thế ít khắc nghiệt hơn nhiều," từ đó "tăng cường một số khoản đầu tư tại Trung Quốc". Mặc dù vậy, một phát ngôn viên của EU cho rằng các mức thuế này là không công bằng và không có cơ sở.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang thăm châu Âu trong tuần này để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc vào cuối tháng, với các vấn đề về tranh chấp xe điện và hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc là trọng tâm. Ông Vương dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Pháp tại Paris vào cuối ngày hôm nay.
Tuần trước, truyền thông đưa tin các nhà sản xuất cognac Pháp đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về giá nhập khẩu tối thiểu cho thị trường Trung Quốc, nhưng Trung Quốc chỉ sẽ hoàn tất thỏa thuận nếu có tiến triển liên quan đến thuế quan của EU đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Pernod Ricard bày tỏ tiếc nuối về việc chi phí hoạt động tại Trung Quốc tăng lên, nhưng cho rằng chi phí bổ sung này thấp hơn đáng kể so với trường hợp thuế được áp dụng vĩnh viễn.
Phản ứng từ nhà đầu tư
Cổ phiếu của các nhà sản xuất rượu mạnh Pháp biến động trái chiều khi các nhà đầu tư tiếp nhận phán quyết, với nhiều người nhẹ nhõm vì Bắc Kinh đồng ý bỏ thuế để đổi lấy cam kết về giá.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất rượu mạnh Pháp biến động trái chiều trước quyết định miễn áp thuế chống bán phá giá của Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Liên ngành Cognac Quốc gia Pháp (BNIC), xuất khẩu rượu cognac hàng tháng sang Trung Quốc, thị trường có giá trị lớn nhất thế giới đối với loại rượu này, đã giảm tới 70% do tranh chấp thương mại.
Cổ phiếu của Remy Cointreau tăng 0,54%, trong khi Pernod giảm 0,3%, dù đã phục hồi phần nào từ mức giảm trước đó trong ngày. LVMH giảm 1,5%.
Các nhà sản xuất rượu mạnh châu Âu cũng đang vật lộn với doanh số sụt giảm tại Mỹ, nơi lạm phát khiến người tiêu dùng ngại chi cho các loại rượu đắt tiền. Tổng thống Donald Trump cũng đe dọa áp thuế lên hàng nhập khẩu từ EU.
Cam kết về giá tối thiểu có thể dẫn đến một số đợt tăng giá, nhưng mức tăng có thể nhỏ và còn quá sớm để xác định liệu giá bán lẻ có bị ảnh hưởng hay không, theo một nguồn tin cấp cao trong ngành có hiểu biết về các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
"Chính phủ Pháp đã liên tục nêu vấn đề này với chính phủ Trung Quốc và cho rằng đây là một điểm tranh cãi lớn. Tôi nghĩ cả hai bên, Pháp và Trung Quốc, đều không muốn tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, họ muốn tìm ra một giải pháp", nguồn tin cấp cao trong ngành cho biết.
BNIC cho rằng thỏa thuận về cam kết giá tối thiểu sẽ "ít bất lợi hơn" so với thuế chống bán phá giá, nhưng vẫn tệ hơn so với tình hình trước khi bị điều tra.
"Đây là lý do chúng tôi kêu gọi chính phủ Pháp và Ủy ban châu Âu sớm đạt được thỏa thuận chính trị với chính quyền Trung Quốc để trở lại tình trạng không có thuế chống bán phá giá", BNIC tuyên bố.
Đức Bình
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/trung-quoc-mien-thue-chong-ban-pha-gia-cho-cac-nha-san-xuat-cognac-lon-tu-eu-192250704210342662.htm