Dữ liệu hải quan chính thức của Trung Quốc cho thấy, lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm mạnh tới 70% trong quý I/2025.
Hình minh họa tàu chở LNG. Ảnh: Getty
Đây là giai đoạn gián đoạn dài nhất trong thương mại LNG giữa hai nước kể từ thời điểm chiến tranh thương mại dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, khi Trung Quốc từng ngừng mua LNG từ Mỹ trong hơn 400 ngày.
Một báo cáo nhận định, “căng thẳng địa chính trị một lần nữa đang tạo ra rào cản giữa quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới”.
Đợt suy giảm lần này diễn ra sau khi hai bên áp dụng các biện pháp thuế quan đáp trả lẫn nhau, trong đó Trung Quốc chính thức áp mức thuế 125% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời chuyển hướng nhập khẩu năng lượng sang các nhà cung cấp thay thế như Qatar và Indonesia.
Thống kê trong tháng 3/2025 cho thấy, tổng lượng LNG nhập khẩu của Trung Quốc giảm 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022.
Trong khi đó, lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống, chủ yếu từ Nga, lại ghi nhận mức tăng nhẹ trong quý I năm nay, dù vẫn thấp hơn so với khối lượng LNG vận chuyển bằng đường biển.
Là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch tăng lượng mua LNG từ Nga trong năm 2025. Năm ngoái, xuất khẩu LNG của Nga sang Trung Quốc đã tăng 3,3%, đạt 8,3 triệu tấn - đưa Nga trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ ba của Trung Quốc, chỉ sau Australia và Qatar.
Malaysia và Mỹ hiện vẫn nằm trong nhóm các nguồn cung LNG quan trọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức thuế cao mới được áp dụng, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn phương án tái xuất hàng LNG có nguồn gốc từ Mỹ, thay vì tiêu thụ trong nước để tránh chi phí tăng cao.
Biện pháp áp thuế 125% mới của Trung Quốc (tăng từ mức 84% trước đó) đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/4, sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hồi đầu năm nay.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu, làm gia tăng sự bất ổn trong chuỗi cung ứng vốn đã chịu nhiều sức ép.
Việt Hà (Theo The New Voice of Ukraine)