Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao BRICS ở Kazan, Nga, ngày 23/10/2024. Ảnh: ANI/TTXVN
Theo Newsweek.com, mới đây, Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng khôi phục khối 3 thành viên Nga – Ấn Độ – Trung Quốc (RIC), một liên minh tiềm năng có thể định hình lại cán cân quyền lực toàn cầu và thách thức ảnh hưởng của Mỹ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các chính sách thương mại và trừng phạt của Mỹ đang tạo ra những rạn nứt trong quan hệ quốc tế.
Ý tưởng về một khối hợp tác ba bên giữa ba quốc gia lớn hàng đầu lục địa Á-Âu lần đầu tiên được đưa ra vào những năm 1990 và đã có một số cuộc họp cấp bộ trưởng. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị đình trệ trong những năm gần đây do những căng thẳng biên giới kéo dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Việc Nga đề xuất khôi phục lại khối RIC cho thấy một nỗ lực nhằm củng cố các mối quan hệ đa phương trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay.
Tại sao khối RIC lại quan trọng?
Sự hồi sinh của khối RIC có thể tạo ra một thách thức đáng kể đối với Mỹ. Nếu ba quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này có thể phối hợp hành động chặt chẽ hơn trong các vấn đề ngoại giao, kinh tế và an ninh, họ có thể tạo ra một đối trọng quyền lực đáng kể trên trường quốc tế.
Đề xuất hợp tác ba bên trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết", bao gồm việc áp đặt thuế quan toàn diện đối với nhiều quốc gia. Chính sách này đã gây ra nhiều câu hỏi về vị thế của các quốc gia khác trong mối quan hệ với Mỹ.
Trung Quốc đã chỉ trích chính sách thuế quan của Mỹ là "bắt nạt", trong khi các quan chức Mỹ bảo vệ rằng các thỏa thuận thương mại "không công bằng" cần được điều chỉnh. Hiện tại, Ấn Độ và Mỹ đang đàm phán một thỏa thuận thương mại, đồng thời Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Phản ứng từ các bên
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với đề xuất của Nga. Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, ông Lâm Kiếm phát biểu: "Sự hợp tác giữa Trung Quốc, Nga và Ấn Độ không chỉ phù hợp với lợi ích của mỗi nước mà còn góp phần vào hòa bình, an ninh, ổn định và tiến bộ trong khu vực cũng như toàn cầu". Tuyên bố này cho thấy Trung Quốc nhìn nhận việc tăng cường hợp tác giữa các nước láng giềng là một yếu tố có lợi cho tất cả.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết Moskva đang có các cuộc đàm phán với cả Trung Quốc và Ấn Độ về việc khôi phục khối này. "Chủ đề đó xuất hiện trong các cuộc đàm phán của chúng tôi với cả hai nước. Chúng tôi quan tâm đến việc áp dụng định dạng này, bởi vì ba quốc gia đều là những đối tác quan trọng (của nhau). Theo tôi, việc thiếu hình thức này là không phù hợp", ông Rudenko phát biểu với tờ Izvestia của Nga.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa đưa ra bình luận chính thức về đề xuất này. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới, đã có những dấu hiệu cải thiện tích cực sau giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng vào năm 2020 do vấn đề biên giới ở dãy Himalaya.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau lần đầu tiên sau nhiều năm tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10 năm ngoái và nhất trí hợp tác để giải quyết tranh chấp, cải thiện quan hệ. Gần đây hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh và kêu gọi duy trì những nỗ lực hướng tới mối quan hệ tốt đẹp hơn. Ông Jaishankar nhận định: "Mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đang dần chuyển biến theo hướng tích cực. Trách nhiệm của chúng tôi là duy trì đà phát triển đó".
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Rudenko bày tỏ hy vọng: "Chúng tôi hy vọng các nước sẽ đồng ý nối lại công việc trong khuôn khổ RIC". Tuy nhiên, sự thành công của khối ba bên này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng Ấn Độ và Trung Quốc giải quyết dứt điểm các tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ về những khu vực biên giới xa xôi. Nếu hai cường quốc châu Á này có thể vượt qua những bất đồng lịch sử, khối RIC thực sự có thể trở thành một nhân tố quan trọng, góp phần tái định hình trật tự địa chính trị toàn cầu trong tương lai.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc