Giới lãnh đạo Trung Quốc triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm củng cố nội lực, kích cầu tiêu dùng và đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội trước những thách thức của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Xinhua.
Trong cuộc họp do Tổng Bí thư Tập Cận Bình chủ trì hôm 25/4, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận định tình hình kinh tế trong nước có dấu hiệu cải thiện tích cực, nhưng nền tảng cho tăng trưởng bền vững vẫn chưa vững chắc, đặc biệt trong bối cảnh các cú sốc bên ngoài – bao gồm căng thẳng thương mại với Mỹ – ngày càng gia tăng, Xinhua đưa tin.
Lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu “chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất” - đáy đá với kế hoạch hành động cụ thể, trong đó đặt trọng tâm vào việc điều phối hiệu quả giữa kinh tế trong nước và hoạt động đối ngoại, đặc biệt là lĩnh vực thương mại.
“Tăng cường tư duy phòng thủ đáy đá”
Cuộc họp Bộ Chính trị ngày 25/4 được triệu tập nhằm thảo luận về tình hình kinh tế đất nước, vốn đã gặp nhiều khó khăn kể từ đại dịch do khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ và thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
Bản thông cáo được Xinhua công bố cho biết kinh tế Trung Quốc đã có “tín hiệu tích cực” trong năm 2025, với niềm tin xã hội được cải thiện. Tuy nhiên, “tác động của các cú sốc bên ngoài đã gia tăng đáng kể”.
“Chúng ta cần tăng cường tư duy phòng thủ đáy đá, chuẩn bị đầy đủ các phương án khẩn cấp và thực hiện tốt công tác kinh tế”, thông cáo nêu rõ.
Trong một tuyên bố ngụ ý nhắm tới chính sách thuế toàn cầu của ông Trump, thông cáo nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “phối hợp với cộng đồng quốc tế để tích cực duy trì chủ nghĩa đa phương và phản đối các hành vi đơn phương mang tính bắt nạt”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tiếp tục khẳng định rằng ông Tập đã gọi điện cho ông để thảo luận về chính sách thuế, dù Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ thông tin này và phủ nhận bất kỳ liên hệ nào liên quan đến đàm phán thương mại với Washington.
Tổng thống Donald Trump nhiều lần khẳng định đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình về các thỏa thuận thương mại. Ảnh: Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, ông Trump lặp lại tuyên bố trên nhưng không đưa ra thời điểm cụ thể hoặc nội dung cuộc gọi. “Ông ấy đã gọi cho tôi”, ông Trump nói về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Tôi không nghĩ đó là dấu hiệu của sự yếu đuối từ phía ông ấy”.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Khôn, hôm 24/4 đã bác bỏ thông tin về bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Vai trò đầu tàu của kinh tế trong nước
Bản thông cáo từ Bộ Chính trị cũng đề xuất một loạt biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy kinh tế trong nước và bảo vệ người dân, doanh nghiệp trước tác động từ chính sách thuế của ông Trump, bao gồm tăng trợ cấp thất nghiệp, cải thiện thu nhập cho người thu nhập thấp và trung bình, phát triển ngành dịch vụ và kích thích tiêu dùng.
“Chúng ta cần triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, tăng cường tín dụng và thúc đẩy hội nhập thương mại trong – ngoài nước”, thông cáo nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng kêu gọi chính sách kinh tế vĩ mô chủ động hơn, đẩy nhanh mô hình phát triển bất động sản mới, tăng nguồn cung nhà ở, mở rộng các chương trình tái thiết đô thị và hiện đại hóa hạ tầng thành phố.
Ông Wen-ti Sung, chuyên gia tại Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định: “Các quyết định của Bộ Chính trị cho thấy Bắc Kinh rõ ràng đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô quốc tế là thù địch và sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao trong nước để vượt qua vòng vây thuế quan từ Mỹ”.
“Điều này cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với ông Trump”, ông nói thêm.
Theo ông Sung, Bắc Kinh đang “đẩy mạnh nhu cầu trong nước” và tăng cường các gói kích thích tài khóa do thị trường quốc tế chưa cho thấy tín hiệu hồi phục rõ ràng.
Thời điểm nhạy cảm
Cuộc họp Bộ Chính trị diễn ra cùng thời điểm xuất hiện thông tin giới chức Trung Quốc đang xem xét danh sách sản phẩm Mỹ có thể được miễn thuế 125% – mức thuế trừng phạt đang áp lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Theo Bloomberg và Reuters, danh sách này có thể bao gồm thiết bị y tế, chất bán dẫn và một số hóa chất công nghiệp như ethane.
Một nhà cung ứng tại Thâm Quyến hôm 24/4 tiết lộ trên mạng rằng họ đã được hải quan thông báo có tám sản phẩm chất bán dẫn sẽ không còn bị áp thuế 125%, Guardian cho biết.
Nhiều nguồn tin tiết lộ Trung Quốc đang xem xét miễn trừ thuế 125% với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có sản phẩm bán dẫn. Ảnh: Reuters.
Ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết chính quyền Bắc Kinh gần đây đã chủ động hỏi các doanh nghiệp thành viên về những sản phẩm nhập từ Mỹ mà Trung Quốc không thể thay thế.
Ông Hart hoan nghênh những tín hiệu ban đầu cho thấy cả hai bên đang rà soát thuế và lập danh sách các mặt hàng được miễn trừ. Thị trường chứng khoán toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tăng điểm sau các thông tin này.
Chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, và việc miễn trừ thuế lần này được xem là động thái nhằm từng bước tháo gỡ thế bế tắc.
Trước đó, Mỹ đã miễn thuế cho một số mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc như điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Tuần này, ông Trump tuyên bố mức thuế áp lên Trung Quốc “sẽ giảm mạnh, nhưng không về 0”.
Tuy vậy, hai chính phủ hiện vẫn đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về tiến trình đàm phán kết thúc chiến tranh thương mại.
Chiều 25/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục khẳng định không có bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ về thuế, phủ nhận tuyên bố của ông Trump đưa ra hôm 24/4.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump vẫn tái khẳng định hai bên “đang đàm phán”. “Chúng tôi có thể công bố sau, nhưng sáng nay họ đã có các cuộc họp, và chúng tôi đã gặp Trung Quốc”, ông nói, nhưng không nêu rõ “họ” là ai.
Bình luận này được đưa ra nhằm phản hồi tuyên bố của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông, trước đó khẳng định: “Hiện không có bất kỳ cuộc đàm phán kinh tế – thương mại nào giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Phương Linh