Nhà máy lọc dầu Shandong Haiyou Petrochemical Group ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo Kpler, công ty theo dõi tàu chở dầu, nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng bùng nổ trong tháng Ba, với trung bình 11 triệu thùng dầu mỗi ngày, mức cao nhất trong 18 tháng qua và tăng mạnh từ 8,9 triệu thùng/ngày hồi tháng Giêng. Hoạt động nhập khẩu dầu của Trung Quốc tiếp tục tăng tốc trong tháng này.
Ban đầu, Trung Quốc chủ yếu mua mua dầu từ Iran do lo ngại Mỹ siết chặt cấm vận dầu mỏ đối với nước này. Thế nhưng, khi Tổng thống Donald Trump tung ra các đe dọa thuế quan, kết hợp với việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng, giá dầu tụt xuống mức thấp nhất trong 4 năm, các nhà máy lọc dấu ở nước này lập tức chuyển sang tích trữ dầu thô trên diện rộng.
Giá dầu thô chuẩn Brent ở London sau đó hồi phục nhẹ, đạt hơn 65 đô la Mỹ/thùng trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Nhưng ngân hành Morgan Stanley cảnh báo, giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực, có thể giảm xuống mức trung bình 62,5 đô la/thùng trong nửa cuối năm nay.
“Trung Quốc cực kỳ nhạy với giá dầu, gom hàng khi giá thấp và giảm mua khi giá cao. Tôi dự đoán dữ liệu nhập khẩu dầu của Trung Quốc tháng này sẽ còn cao hơn tháng trước vì kiểu mua chiến lược này”, Giovanni Staunovo, nhà phân tích dầu mỏ tại ngân hàng UBS của Thụy Sĩ nhận định.
Johannes Rauball, nhà phân tích của Kpler cho biết dự trữ dầu của Trung Quốc đang ở mức thấp nên nước này sẽ tiếp tục nhập khẩu mạnh trong vài tháng tới.
“Dù nhu cầu dầu trong nước không tăng mạnh, nhập khẩu dầu có thể tăng vì Trung Quốc muốn tranh thủ giá rẻ”, ông nói.
Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được dự báo làm giảm nhu cầu dầu trong nửa cuối năm do kinh tế chậm lại, nhu cầu nhiên liệu giao thông và hàng không ở Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu.
Theo Emma Li, nhà phân tích của công ty dữ liệu, một số nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc thậm chí hoãn bảo trì để tiếp tục sản xuất xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay khi giá dầu thấp và biên lợi nhuận hấp dẫn.
“Chẳng ai biết tình hình nửa cuối năm sẽ ra sao nhưng hiện tại nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ”, Emma Li nói.
Theo dữ liệu chính thức, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc chế biến 14,85 triệu thùng/ngày trong tháng Ba, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong hai tháng đầu năm 2025, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc chế biến nhiều hơn khoảng 30.000 thùng mỗi ngày so với lượng dầu thô nhập khẩu và sản xuất trong nước. Điều này có nghĩa là các nhà máy lọc dầu lần đầu tiên sử dụng dầu dự trữ trong 18 tháng qua để sản xuất nhiên liệu.
Là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc là điểm đến chính cho dầu từ các thị trường bị Mỹ trừng phạt như Nga, Iran, và Venezuela. Tuy nhiên, từ đầu tháng Tư, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã giảm mua dầu Iran sau khi Mỹ trừng phạt một nhà máy lọc dầu ở tỉnh Sơn Đông do mua dầu cùa Iran.
Từ mức kỷ lục 1,8 triệu thùng/ngày trong tháng 3, lượng dầu Iran nhập vào Trung Quốc giảm còn 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng Tư theo Kpler.
Rauball lý giải, các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Trung Quốc đang thận trọng hơn, cộng với một số rắc rối hậu cần khi một số hãng tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt. Ông tiết lộ lượng dầu Iran “nằm kẹt” trên biển tăng vọt, với 40 triệu thùng trên 36 con tàu, trong đó 18 triệu thùng ở Singapore, 10 triệu thùng ở biển Hoàng Hải (nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc) và 4 triệu thùng ở Biển Đông.
Dù vậy, Rauball nhấn mạnh, các nhà máy tư nhân của Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu Iran vì có giá chiết khấu hấp dẫn so với giá dầu chuẩn quốc tế.
“Biên lợi chuận của các nhà máy này rất mỏng, nếu không mua dầu Iran thì chỉ có phá sản. Nhiều nhà máy không liên kết với hệ thống tài chính Mỹ nên các biện pháp trừng phạt của Mỹ không tác động nhiều”, ông nói.
Theo Financial Times, Reuters
Chánh Tài