Trung Quốc thử nghiệm phòng khám với 'bác sĩ' AI đầu tiên tại Trung Đông

Trung Quốc thử nghiệm phòng khám với 'bác sĩ' AI đầu tiên tại Trung Đông
7 giờ trướcBài gốc
Động thái này đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực đưa AI trở thành tuyến đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe thay thế bác sĩ con người.
Theo Bloomberg, công ty có trụ sở tại Thượng Hải, Synyi AI, đã đưa mô hình phòng khám thử nghiệm vào hoạt động từ tháng 4 tại khu vực Al-Ahsa, miền Đông Ả Rập Saudi, phối hợp với tập đoàn y tế Almoosa Health Group. Tại đây, một "bác sĩ ảo" mang tên Hua sử dụng công nghệ AI để tiếp nhận thông tin từ bệnh nhân, đưa ra chẩn đoán và đề xuất điều trị, mô phỏng lại quy trình tương tác như khi gặp bác sĩ thật.
Bác sĩ AI Hua - Ảnh: Synyi AI
AI đảm nhiệm vai trò khám và chẩn đoán bệnh
Khi đến phòng khám, bệnh nhân sẽ mô tả triệu chứng thông qua một máy tính bảng kết nối với hệ thống AI. Bác sĩ Hua sẽ tiếp tục đặt các câu hỏi, đồng thời xử lý dữ liệu y tế, bao gồm hình ảnh X-quang và kết quả điện tâm đồ do nhân viên hỗ trợ vận hành thiết bị cung cấp.
Sau quá trình này, hệ thống sẽ đưa ra kế hoạch điều trị và được một bác sĩ con người xem xét, ký xác nhận mà không cần gặp trực tiếp bệnh nhân. Các bác sĩ vẫn hiện diện tại phòng khám để can thiệp trong các tình huống khẩn cấp vượt ngoài khả năng xử lý của AI.
Theo Synyi AI, công nghệ này đã đạt tỷ lệ lỗi dưới 0,3% trong giai đoạn thử nghiệm nội bộ trước khi được đưa vào vận hành thí điểm tại Ả Rập Saudi. Ông Zhang Shaodian, giám đốc điều hành công ty, cho biết: "Trước đây, AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ bác sĩ. Giờ đây, chúng tôi đang tiến tới bước cuối cùng: để AI trực tiếp chẩn đoán và điều trị”.
Tính đến thời điểm hiện tại, hàng chục bệnh nhân đã được khám miễn phí thông qua hệ thống, với sự giám sát của bác sĩ trong khuôn khổ thử nghiệm. Dữ liệu chẩn đoán được tổng hợp và sẽ được trình lên cơ quan chức năng Ả Rập Saudi để xin phê duyệt thương mại hóa. Zhang bày tỏ lạc quan rằng giấy phép có thể được cấp trong vòng 18 tháng.
Được thành lập năm 2016, Synyi AI đã nhận vốn đầu tư từ Tencent, Hongshan Capital, GGV Capital và các quỹ thuộc chính quyền địa phương. Công ty hiện đang hợp tác với hơn 800 bệnh viện, phòng khám và trường đại học y khoa tại Trung Quốc để triển khai các ứng dụng AI trong quản lý dữ liệu, hỗ trợ chẩn đoán và nghiên cứu y học.
Ả Rập Saudi là thị trường quốc tế đầu tiên mà Synyi AI triển khai mô hình bác sĩ AI. Zhang cho biết công ty cũng đang đàm phán với một số địa phương ở Trung Quốc để nhân rộng mô hình tương tự, nhưng việc triển khai tại thị trường nội địa cần được cân nhắc kỹ về tính khả thi thương mại. Ở Trung Quốc, dịch vụ y tế công lập có chi phí thấp hơn nhiều, khiến người dân không có nhiều động lực tìm đến các dịch vụ tư nhân ứng dụng AI.
Ngược lại, tại Ả Rập Saudi và một số quốc gia khác, nơi chi phí khám chữa bệnh cao và nguồn nhân lực y tế còn thiếu hụt, AI có thể đóng vai trò đặc biệt hữu ích. Theo Zhang, công nghệ này phù hợp với các vùng sâu vùng xa, nơi thường thiếu bác sĩ, và có thể giúp tăng năng suất hệ thống y tế lên gấp mười lần.
“Chúng tôi tin rằng mô hình bác sĩ AI sẽ giúp giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và thay đổi cách bệnh nhân tương tác với y tế trong tương lai,” Zhang nhấn mạnh.
AI y tế Trung Quốc tăng tốc ra thế giới
Synyi AI chỉ là một trong số ngày càng nhiều công ty công nghệ y tế Trung Quốc đang mở rộng ra thị trường Trung Đông. Một số tên tuổi khác đã đặt nền móng tại khu vực này, như Shanghai Fosun Pharmaceutical Group, công ty ký kết thỏa thuận với tập đoàn chăm sóc sức khỏe Fakeeh Care Group của Ả Rập Saudi nhằm thúc đẩy phát triển liệu pháp tế bào, gen và dịch vụ y tế từ xa. XtalPi Holdings, một công ty phát hiện thuốc bằng AI, cũng đang xây dựng một phòng thí nghiệm robot tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trong nước, AI đã được ứng dụng vào các dịch vụ tư vấn trực tuyến tại Trung Quốc, song phần lớn vẫn mang tính hỗ trợ. Một số công ty đang phát triển các chatbot tư vấn bệnh độc lập như MedGPT của Medlinker, tuyên bố có thể chẩn đoán nhiều bệnh phổ biến với độ chính xác tương đương bác sĩ thật, nhưng chưa có sản phẩm nào được thương mại hóa chính thức.
Ông Dylan Attard, giám đốc điều hành của MedTech World, một công ty truyền thông và tổ chức sự kiện trong lĩnh vực công nghệ y tế, cho rằng: “AI y tế ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, nên cần có quy trình giám sát chặt chẽ. Chúng ta phải đảm bảo có đủ hàng rào an toàn, hiệu quả và tạo dựng niềm tin nơi công chúng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng phải linh hoạt để không kìm hãm đổi mới”.
Sự hoài nghi từ giới chuyên môn y tế
Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn tỏ ra thận trọng trước khả năng AI có thể thay thế hoàn toàn bác sĩ con người.
“Chúng tôi biết nhiều nỗ lực đang hướng đến việc phát triển bác sĩ AI có năng lực đối thoại với bệnh nhân. Nhưng ngay cả với bác sĩ giỏi nhất, họ cũng khó có thể đạt tới chuẩn mực của một bác sĩ chính thống. Tôi vẫn rất nghi ngờ”, ông Ngiam Kee Yuan, Cố vấn cấp cao tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Hiện tại, phạm vi chẩn đoán của bác sĩ Hua (Synyi AI) còn hạn chế, tập trung vào các bệnh lý đường hô hấp với khoảng 30 loại bệnh phổ biến như hen suyễn và viêm họng. Dự kiến trong năm tới, công ty sẽ mở rộng danh mục lên 50 bệnh, gồm cả các bệnh tiêu hóa và da liễu.
Synyi AI cũng đang làm việc với một số bệnh viện khác tại Ả Rập Saudi để mở rộng mô hình phòng khám bác sĩ AI trong những tháng tới.
Nhìn chung, phòng khám AI của Synyi tại Ả Rập Saudi mở ra một hướng đi mới cho ngành y tế toàn cầu: ứng dụng AI không chỉ hỗ trợ mà có thể thay thế một phần vai trò của bác sĩ con người trong tuyến đầu chăm sóc sức khỏe. Tuy còn nhiều rào cản pháp lý, kỹ thuật và đạo đức, sự xuất hiện của các mô hình như “bác sĩ Hua” đang đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình “số hóa hệ thống khám chữa bệnh”, hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới cho ngành y tế thông minh.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/trung-quoc-thu-nghiem-phong-kham-voi-bac-si-ai-dau-tien-tai-trung-dong-232655.html