Trung Quốc 'trải thảm' nhưng khách ngoại không đến

Trung Quốc 'trải thảm' nhưng khách ngoại không đến
5 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc thực hiện nước đi chưa từng có từ 2023 đến nay khi nới lỏng các yêu cầu thị thực đối với toàn châu Âu trừ 3 nước (Thụy Điển, Litva và Cộng hòa Séc) vào năm 2024, mở cửa cho thị trường đến 1,9 tỷ du khách.
Tuy nhiên, nước này hy vọng chỉ một phần nhỏ trong số đó sẽ đến.
Trên thực tế, Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn đầu năm khi dòng khách du lịch nước ngoài thuộc nhóm được miễn thị thực chưa có dấu hiệu vi vu, theo một phân tích của Bloomberg.
Báo cáo chỉ ra rằng du khách chi tiêu cao từ Mỹ và hầu hết Tây Âu (nơi đang có nhiều tranh cãi về chính trị và thương mại với Bắc Kinh) sẽ không đến Trung Quốc du lịch. Thay vào đó là khách từ các nước châu Á lân cận và các thị trường kém phát triển.
Dữ liệu mới nhất của chính phủ Trung Quốc là minh chứng rõ nhất. Lượng du khách nước ngoài đến Trung Quốc chỉ dưới 23 triệu lượt trong ba quý năm 2024. Mặc dù gần gấp đôi mức thấp của năm 2023, con số vẫn chỉ bằng 63% so với mức cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn nhiều so với sự phục hồi gần như hoàn toàn mà Bắc Kinh đã kỳ vọng.
"Trung Quốc đang tuyệt vọng"
Đối với Bắc Kinh, sự phân nhánh sẽ hạn chế khả năng chống đỡ một nền kinh tế chậm chạp và tạo điều kiện cho đầu tư. Lượng khách không đông như kỳ vọng giúp Trung Quốc có cơ hội nhìn lại thất bại, từ đó rút ra bài học và tăng cường phương án thúc đẩy hình ảnh của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng leo thang khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Nhà phân tích hàng không cấp cao của Bloomberg Intelligence Tim Bacchus cho biết sự hấp dẫn tổng thể của Trung Quốc với tư cách là một điểm đến du lịch và kinh doanh đã bị tổn hại do Covid-19, các chính sách và địa chính trị của Bắc Kinh.
"Chính sách miễn thị thực có thể mở rộng lợi nhuận nhưng không bù đắp cho thực tế là mọi người đang rời xa Trung Quốc", vị này nói.
Du khách tham quan Thiên Tử Sơn (Trung Quốc) năm 2023. Ảnh: Duy Hiệu.
Sự sụt giảm mạnh về lượng du khách ngoại sau đại dịch đã "ép" Trung Quốc tung ra tấm thảm chào đón khách, một nỗ lực du lịch lớn nhất từ trước đến nay.
Trong 2 năm kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới, Bắc Kinh đã mạnh tay đơn phương nới lỏng các chính sách thị thực đối với một số quốc gia, bất chấp những quan niệm về lịch sử trong quá khứ đối với việc tiếp cận miễn thị thực đối ứng.
Đất nước tỷ dân cũng đơn phương gia hạn nhập cảnh miễn thị thực cho công dân của 38 quốc gia. Trước đại dịch, chỉ du khách từ Singapore, Nhật Bản và Brunei mới được Trung Quốc làm điều trên.
Sau đó là động thái mở rộng chính sách nhập cảnh miễn thị thực cho khách du lịch quá cảnh có kế hoạch đến thăm từ 10 ngày trở xuống cho 54 quốc gia.
"Việc áp dụng visa-free cho công dân một số quốc gia không có nhu cầu đi lại cho thấy mức độ tuyệt vọng đáng kể của Trung Quốc trong việc kéo khách trở lại", Bacchus cho hay.
Đường lên Cổng trời Thiên Môn Sơn (Trung Quốc). Ảnh: Duy Hiệu.
Bên cạnh đó, Bloomberg nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình buộc làm mọi cách để thu hút khách, thúc đẩy chi tiêu nước ngoài nhằm hồi sinh nền kinh tế số 2 thế giới, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại lờ mờ khi Mỹ đe dọa xuất khẩu của Trung Quốc.
Nhất là vào giai đoạn mà Bắc Kinh đang chiến đấu với chuỗi giảm phát dài nhất kể từ năm 1999 khi các thương hiệu trong nước sa lầy vào cuộc chiến giá cả, người tiêu dùng Trung Quốc thì đang nằm trong top nơi có tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cao nhất thế giới.
Lý do
Theo Bloomberg, có nhiều lý do dẫn đến sự thất bại trong chính sách thị thức rộng mở của Trung Quốc, từ việc cắt giảm chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không ngoại, thay đổi quan hệ kinh tế và chính trị đến ấn tượng tiêu cực về miền Tây Trung Quốc.
Trong đó, một thực tế đang hạn chế du khách đến Trung Quốc là sự khan hiếm các chuyến bay, đáng chú ý là từ các hãng hàng không quốc tế.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium, vào năm 2024, các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc chỉ đạt 74% công suất so với năm 2019. Trong số đường bay xuyên biên giới với Trung Quốc, các hãng vận chuyển nước ngoài chỉ tiếp tục hoạt động được 58% công suất so với thời điểm trước Covid-19.
Bởi, các hãng hàng không châu Âu không thể sử dụng không phận Nga. Nguyên do dễ thấy là mất nhiều thời gian hơn, ngoài ra, khi bay vòng quanh Nga, hãng còn phải chịu chi phí nhiên liệu cao hơn đáng kể. Điều này làm cho giá vé máy bay bị "đội" lên cao.
Do đó, nhiều du khách đã cắt giảm lịch trình Trung Quốc dẫn đến thiếu nhu cầu đi lại. Các tuyến đường không có lợi nhuận và buộc giảm chuyến.
Du khách đội mưa tham quan Thiên Môn Sơn năm 2023. Ảnh: Duy Hiệu.
Trong khi đó, các hạn chế không phận không áp dụng cho các hãng hàng không Trung Quốc, hãng bay quốc gia nhanh chóng đạt tỷ lệ lấp đầy cao.
Ngay cả những chuyến đi không sử dụng không phận Nga cũng không đặc biệt khả thi bởi nhu cầu sụt giảm. Giám đốc tài chính Yuji Saito của một công ty hàng không Nhật Bản cho biết người dân trong nước đến Trung Quốc vẫn chỉ bằng khoảng 40% so với mức trước đại dịch.
Một số hãng hàng không khác đã hoạt động trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc đã rút lui hoàn toàn (do thiếu nhu cầu). Chẳng hạn Virgin Atlantic Airways (Anh Quốc) đã cắt tuyến bay đến đất nước tỷ dân vào tháng 7, trong khi Lufthansa (Đức), Scandinavian Airlines (Thụy Điển), Qantas Airways (Australia) và British Airways (Vương Quốc Anh) cũng đã hủy các tuyến bay đến Trung Quốc vì không sản sinh lợi nhuận.
Giám đốc điều hành Cebu Pacific (Philippines) Mike Szucs cho biết: “Thị trường không có ở đó. Hãng hàng không Philippines cũng đã cắt giảm đáng kể các chuyến bay. Sự thay đổi quan hệ kinh tế là một lý do lớn đằng sau nhu cầu. Các công ty phương Tây đã do dự trong việc tăng cường đầu tư vào Trung Quốc do sự phức tạp ngày càng tăng về quy định và căng thẳng địa chính trị và điều đó cũng đang cản trở việc đi lại".
Số lượng đặt chỗ đến Trung Quốc công tác cũng chỉ bằng 52% so với năm 2019 và nhóm khách này không ở lại để tận hưởng những gì Trung Quốc cung cấp như trước, theo phân tích của ForwardKeys.
Guy Rubin, người thành lập công ty lữ hành hạng sang Imperial Tours, cho biết khách hàng Mỹ của đơn vị hiện chỉ chiếm dưới 40% so với khoảng 90% trước Covid-19.
Trước sự sụt giảm nhu cầu đến Trung Quốc, đơn vị trên phải mở rộng thiết kế tour tại thị trường Hàn Quốc để có thêm khách.
Bỏ qua hàng không và địa chính trị, Trung Quốc vẫn là một nơi khó khăn đối với nhiều du khách. Tiếng Anh không được sử dụng rộng rãi ngay cả ở thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh.
Quốc gia này có hệ thống thanh toán di động riêng gây khó cho du khách nếu không học tiếng Quan Thoại. Internet cũng bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, Google, Instagram (ứng dụng phổ biến trên thế giới) bị cấm ở nước này.
Tường Vi
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/trung-quoc-trai-tham-nhung-khach-ngoai-khong-den-post1523940.html