Trung Quốc tung một loạt biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa

Trung Quốc tung một loạt biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa
6 giờ trướcBài gốc
Các tập đoàn và doanh nghiệp nỗ lực "giải cứu" xuất khẩu
Theo Reuters, trong những ngày qua, hàng chục người bán trên Rednote đã thực hiện các buổi livestream, giới thiệu sản phẩm vốn được sản xuất cho khách hàng Mỹ. Trong một buổi livestream, tài khoản “Kho hàng thương mại quốc tế Dingding Cloud” rao bán các thiết bị gia dụng nhỏ như nồi cơm điện, máy ép trái cây và máy nướng bánh mì, giảm giá toàn bộ sản phẩm lên tới 90%.
Giới phân tích cho rằng những buổi phát sóng trực tiếp này phù hợp với cách Trung Quốc phản ứng trước sức ép bên ngoài. Cho dù hình thức bán hàng này mang tính quảng cáo, nhưng nó vẫn mang tới hiệu quả nhất định.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bán hàng trong nước; nhấn mạnh tiềm năng của thị trường nội địa trong việc thay thế thị trường Mỹ sau khi bị áp thuế mới.
Theo đó, hàng loạt tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Alibaba, JD.com, Pinduoduo và Tencent đang triển khai các chương trình hỗ trợ quy mô lớn nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển hướng phục vụ thị trường trong nước. Đây được xem là một phần của chiến dịch quốc gia nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động từ cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ.
Cụ thể, Alibaba đã thành lập một bộ phận chuyên trách để tìm nguồn hàng từ các nhà xuất khẩu tại hơn 10 tỉnh trên khắp Trung Quốc. Các sàn thương mại điện tử của Alibaba là Taobao và Tmall cam kết sẽ trả hoa hồng cao hơn và hiển thị tốt hơn trên nền tảng của họ để khuyến khích ít nhất 10.000 nhà xuất khẩu bán 100.000 mặt hàng. Chuỗi siêu thị Freshippo cũng đã tạo ra các “kênh xanh” đặc biệt để các doanh nghiệp vốn chỉ xuất khẩu bán sản phẩm trên kệ hàng trong nước.
Không những vậy, các “ông lớn” công nghệ khác của Trung Quốc cũng đang đồng loạt tung ra những sáng kiến quy mô lớn nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường nội địa. Một trong những nền tảng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc - JD.com tuyên bố thành lập quỹ trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ (27,35 tỷ USD) để thu mua sản phẩm từ các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ các hãng xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa trong một năm tới. Các tập đoàn công nghệ khác như Tencent, Meituan và ByteDance cũng triển khai các chương trình hỗ trợ tương tự, thể hiện sự đồng thuận trong giới công nghệ đối với mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán với các hiệp hội thương mại, chuỗi siêu thị và nhà phân phối Trung Quốc, để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các nhà xuất khẩu chuyển hướng và khai thác các kênh bán hàng nội địa.
Thay đổi chính sách kích thích tiêu dùng
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc công bố những thay đổi chính sách nhằm kích thích tiêu dùng nội địa.
Người nước ngoài đến du lịch ở Trung Quốc khi mua sắm có thể được hoàn thuế ngay tại điểm mua hàng. Ảnh: Global Times
Theo thông tư do Bộ Thương mại và 5 cơ quan chính phủ khác ban hành, ngưỡng mua hàng tối thiểu để được hoàn thuế đã giảm, cho phép du khách nước ngoài được hoàn thuế nếu chi tiêu ít nhất 200 Nhân dân tệ (khoảng 27,75 USD) tại cùng một cửa hàng trong cùng ngày và đáp ứng các yêu cầu liên quan khác. Giới hạn cho việc hoàn tiền bằng tiền mặt cũng đã được nâng lên mức 20.000 nhân dân tệ.
Việc hoàn tiền sẽ được thực hiện thông qua nhiều phương thức, bao gồm thanh toán di động, thẻ ngân hàng và tiền mặt, để phù hợp hơn với thói quen thanh toán đa dạng của khách du lịch quốc tế. Thông tư cũng nêu rõ các bước thực hiện mở rộng số lượng cửa hàng hoàn thuế, tăng cường cung ứng hàng hóa và cải thiện các dịch vụ liên quan.
Các cửa hàng hoàn thuế được khuyến khích mở rộng danh mục sản phẩm, để bao gồm các thương hiệu lâu đời, hàng tiêu dùng nổi tiếng của Trung Quốc, thiết bị thông minh, mặt hàng di sản văn hóa phi vật thể, hàng thủ công mỹ nghệ...
Một loạt hoạt động thúc đẩy mua sắm tại Trung Quốc cũng sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ nỗ lực của các địa phương trong việc xây dựng và quảng bá những sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, chẳng hạn như các mặt hàng “không thể bỏ qua” tại những cửa hàng hoàn thuế.
Các quy định hoàn thuế đã được sửa đổi nhằm tối ưu hóa những dịch vụ liên quan và đơn giản hóa quy trình hoàn thuế, giúp du khách nước ngoài dễ dàng hưởng lợi từ chính sách hoàn này.
Các chuyên gia nhận định, việc cung cấp cho du khách nước ngoài nhiều lựa chọn mua sắm hơn và sự cải thiện đối với các dịch vụ hoàn thuế sẽ hỗ trợ kích thích tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc.
Với kỳ nghỉ lễ 1.5 sắp tới, các công ty lữ hành và giới chuyên gia bày tỏ sự lạc quan về thị trường du lịch, dự báo lượng du khách nội địa và quốc tế sẽ bùng nổ trong kỳ nghỉ. Dựa trên lượng đặt phòng trong kỳ nghỉ, nhiều công ty lữ hành dự kiến hiệu suất thị trường du lịch nội địa sẽ vượt trội so với 2 năm trước.
Thống kê từ Bộ Văn hóa và Du lịch cho thấy, lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 1,8 tỷ lượt trong 3 tháng đầu năm 2025, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến mức tiêu dùng liên quan du lịch đạt khoảng 1,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 250 tỷ USD), tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Châu Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/trung-quoc-tung-mot-loat-bien-phap-kich-thich-tieu-dung-noi-dia-post411692.html