Lâm Đồng hiện có thế mạnh lớn về trữ lượng bô xít. Ảnh: Lê Dung
Khẳng định giá trị 2 dự án alumin
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ghi dấu ấn quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp nhôm Việt Nam khi thực hiện thành công 2 Tổ hợp alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ.
Đây là những dự án quy mô lớn, được đánh giá giữ vai trò quan trọng, đặt nền móng ban đầu cho ngành công nghiệp nhôm quốc gia.
Trong đó, Tổ hợp alumin Nhân Cơ có tổng mức đầu tư 16.821 tỷ đồng, chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 1/7/2017. Công suất thiết kế của mỏ đạt 4,5 triệu tấn quặng nguyên khai/năm, nhà máy tuyển 1,65 triệu tấn quặng tinh/năm và nhà máy alumin đạt 650.000 tấn alumin/năm.
Theo ông Nguyễn Bá Phong, Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, tính đến hết ngày 31/12/2024, tổ hợp này đã sản xuất được 5,47 triệu tấn alumin quy đổi, nộp ngân sách Nhà nước 4.438 tỷ đồng. Riêng năm 2024, số nộp ngân sách đạt 538 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,4% tổng thu ngân sách của tỉnh Đắk Nông (cũ).
Hiện nay, Nhà máy Alumin Nhân Cơ tạo việc làm trực tiếp cho hơn 1.100 lao động, chủ yếu là người dân địa phương, với thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng/người/tháng.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ tạo việc làm trực tiếp cho hơn 1.100 lao động. Ảnh: Lê Dung
Tại Lâm Đồng, Tổ hợp alumin Tân Rai có công suất thiết kế tương tự 650.000 tấn alumin/năm, tổng mức đầu tư 15.414 tỷ đồng, vận hành thương mại từ ngày 1/10/2013. Nhà máy đang tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với thu nhập bình quân hiện nay đạt trên 16 triệu đồng/người/tháng.
Cả hai tổ hợp đều áp dụng công nghệ băng tải dài 4,5 km vận chuyển quặng tinh về nhà máy alumin, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn môi trường. Ngoài đóng góp cho ngân sách, TKV cũng dành hàng trăm tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại Lâm Đồng.
Quan trọng hơn, TKV đã thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra như: bảo vệ môi trường tự nhiên, giữ vững an ninh - quốc phòng, gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội và phát triển hạ tầng giao thông.
Sản phẩm alumin của cả hai tổ hợp đều đạt chất lượng cao, được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, khẳng định năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp nhôm Việt Nam trên trường quốc tế.
Lâm Đồng đang tự tin hướng tới trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Ảnh: Lê Dung
Tự tin hướng tới trung tâm nhôm quốc gia
Từ nền tảng thành công của hai dự án thí điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Theo đó, từ giai đoạn 2031 - 2045, sản lượng alumin của TKV sẽ tăng mạnh, đạt từ 4 - 6 triệu tấn/năm, trong đó dùng cho điện phân nhôm từ 1 - 2 triệu tấn/năm và nhôm thỏi từ 0,5 - 1 triệu tấn/năm.
Tập đoàn TKV sẽ đầu tư mở rộng công suất Tổ hợp Tân Rai và Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn alumin/năm/tổ hợp
Chiến lược cũng định hướng TKV chủ trì phát triển ngành công nghiệp khoáng sản, từ thăm dò, khai thác bô xít đến sản xuất alumin - nhôm.
Tập đoàn sẽ đầu tư mở rộng công suất Tổ hợp Tân Rai và Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn alumin/năm mỗi tổ hợp, đồng thời triển khai xây dựng Tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Nông 2 với công suất 2 triệu tấn alumin/năm, 0,5 triệu tấn nhôm/năm và một Nhà máy Điện phân nhôm tại Lâm Đồng với công suất 0,5 triệu tấn/năm.
Điểm đáng chú ý là các dự án mới sẽ tận dụng mặt bằng, hạ tầng hiện hữu của giai đoạn 1, giúp tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian đầu tư và nâng cao hiệu quả vận hành.
Riêng Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2030, đóng vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị chế biến sâu và hiện thực hóa mục tiêu đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc TKV, việc đầu tư mở rộng và xây dựng mới các dự án sẽ giúp tăng hệ số an toàn vận hành, bổ sung hệ thống dự phòng công nghệ và kết nối liên thông giữa các dây chuyền hiện hữu với dây chuyền mới. Tập đoàn sẽ tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và phát huy tối đa hạ tầng sẵn có.
Với sự thống nhất định hướng từ Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị và sự đồng thuận của địa phương, ngành công nghiệp nhôm Tây Nguyên đang từng bước khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế khu vực. Lâm Đồng tiếp tục là hạt nhân cho hành trình đưa ngành nhôm Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư các tổ hợp alumin, TKV còn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong quá trình triển khai các dự án.
Các dự án đều được thực hiện song hành với các giải pháp bảo vệ môi trường hiện đại như: hệ thống xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn công nghiệp, kiểm soát bụi và khí thải đạt chuẩn.
Tuyến băng tải khép kín dài 4,5 km vận chuyển quặng tinh về nhà máy không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường và giao thông địa phương.
Với định hướng phát triển đồng bộ, ngành công nghiệp alumin - nhôm đang đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá, khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và thế giới.
Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển thêm Tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Nông 2, Nhà máy Điện phân nhôm và mở rộng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Đến năm 2030, Lâm Đồng phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia, đóng vai trò dẫn dắt ngành khai khoáng - chế biến sâu, tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.
H'Lai