Bổ trợ cho các trung tâm tài chính khác
Theo nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM đi sau, không nên cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm các trung tâm tài chính quốc tế khác và mô hình hoạt động phải phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, Trung tâm tài chính của Việt Nam phải có bản sắc riêng, tận dụng lợi thế về kinh tế, xã hội và sẽ bổ trợ cho các trung tâm tài chính khác trong khu vực.
Khác với mô hình truyền thống, Việt Nam ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay từ ban đầu, như blockchain, fintech, tài chính xanh... Ngoài ra, với thế mạnh xuất khẩu hàng nông sản, có thể tính đến xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa ứng dụng blockchain, tối ưu hóa các chuỗi giá trị, giảm chi phí giao dịch.
Mô hình Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM
Bên cạnh đó, Bộ vừa làm vừa thử nghiệm các mô hình pháp lý mới cho blockchain, fintech và thử nghiệm quản lý linh hoạt tài khoản vốn, ngoại hối.
"Bộ Tài chính đổi mới tư duy trong quản lý. Bộ sẽ không quản lý bằng các tiêu chí cứng, không quản lý bằng cách ngăn cản mà sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp, nếu chưa biết thì cho cơ chế thử nghiệm. Cơ quan quản lý Nhà nước đồng hành cùng nhà đầu tư trên thị trường với các định chế tài chính, trên nguyên tắc vừa làm vừa rút kinh nghiệm", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, khi nhìn dài hạn về kinh tế vĩ mô và những quyết sách để tăng trưởng kinh tế hơn 8%/năm. Chính vì vậy, Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM sẽ là nơi đón dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hiện quy mô vốn của Việt Nam so với các trung tâm tài chính quốc tế khác trên thế giới còn rất nhỏ và những sản phẩm tài chính hiện tại của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển.
Các đại biểu trao đổi về mô hình hoạt động và cơ chế pháp lý cho Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có hơn 40 quỹ đầu tư được cấp phép. Tuy nhiên, để các công ty quản lý quỹ của Việt Nam thu hút được nguồn vốn này, cần phải điều chỉnh một số chính sách về thuế và những rào cản của luật chứng khoán. Đồng thời, bên cạnh những sản phẩm tài chính truyền thống, cần phải có những sản phẩm mới để thu hút nhà đầu tư.
"Sản phẩm mới, có thể là sản phẩm Token hóa của những sản phẩm tài chính truyền thống, nó sẽ làm cho các sản phẩm giao dịch dễ dàng và thuận lợi hơn khi bán cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn so với trước đây", ba Hoài Thu chia sẻ thêm.
Đảm bảo an toàn pháp lý cho nhà đầu tư
Theo các nhà đầu tư, cơ chế pháp lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư khi giao dịch ở trung tâm và tránh những rủi ro khi tranh chấp là điều rất quan trọng.
Ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng, khi thành lập trung tâm tài chính quốc tế thì điều đầu tiên quan trọng nhất là khung pháp lý.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tài chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài trong hội nghị về xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM
Việt Nam phải trả lời được câu hỏi có cần thành lập trung tâm trọng tài quốc tế hay tòa án độc lập cho trung tâm này hay không? Điều này rất thách thức. Kinh nghiệm cho thấy, các trung tâm tài chính khác khi thành lập, họ tổ chức cơ quan này thì hoạt động rất hiệu quả.
Ông Trần Anh Đức, Luật sư thành viên cấp cao A&O Shearman cho biết: "Ở các trung tâm tài chính quốc tế có cơ quan chức năng rất quan trọng là tòa án. Tòa án chuyên biệt để xử lý những tranh chấp, bất đồng giữa nhà đầu tư với nhau, giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý, cơ quan Nhà nước… Cơ quan giải quyết tranh chấp này phải độc lập. Các chuyên gia, thẩm phán tham gia tòa có người nước ngoài, họ phải am hiểu, áp dụng thông lệ quốc tế".
Để Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM đi vào vận hành hiệu quả, thu hút được nhiều nhà đầu tư, TP HCM đang chuẩn bị về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm và nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung pháp lý theo thông lệ quốc tế, phù hợp với mô hình của Việt Nam để đảm bảo an toàn, an tâm cho nhà đầu tư.
Lệ Hằng - Vinh Quang/VOV-TP.HCM