Trung tướng Đào Duy Minh: 'Bản tình ca người lính' mãi ngân vang - Bài 1: Ký ức về một thời đánh giặc

Trung tướng Đào Duy Minh: 'Bản tình ca người lính' mãi ngân vang - Bài 1: Ký ức về một thời đánh giặc
5 giờ trướcBài gốc
Chân dung Trung tướng Đào Duy Minh.
Những năm còn công tác ở Quân khu 5, cứ tới mùa mưa bão, nhiều hôm lại thấy ông thức trắng đêm tại Sở chỉ huy, lo lắng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sẵn sàng phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn. Có lúc tôi thấy ông lội dòng nước bạc về những địa bàn trọng điểm, động viên quân-dân gắng sức chống bão. Ông dễ xúc động khi đứng trước những tấm bia mộ của đồng đội trong chiều nghĩa trang. Ông ân cần thăm hỏi, tặng quà các cụ phụ lão và em nhỏ quê hương Sơn Tịnh. Ông rất nghiêm khắc với sĩ quan cấp dưới mỗi khi họ mắc khuyết điểm, nhưng lại rất rộng lượng và bao dung, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho anh em phấn đấu trưởng thành... Con người nhân hậu, nặng tình, nặng nghĩa ấy là Trung tướng Đào Duy Minh, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Chính ủy Quân khu 5...
Trong cuộc đời quân ngũ của mình, Trung tướng Đào Duy Minh đã từng kinh qua nhiều trận mạc, hết đánh Mỹ, lại tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Mỗi vùng đất ông đi qua, mỗi miền quê in dấu chân ông đều thấm đẫm ký ức hào hùng về một thời đánh giặc...
Từ hồi Trung tướng Đào Duy Minh còn giữ chức Chính ủy Quân khu 5, tôi đã được nghe ông kể nhiều câu chuyện là những ký ức về một thời đánh giặc. Những câu chuyện ông kể đều thấm đẫm tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước...
Năm 1965, quê hương Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) được giải phóng. Tiếng là giải phóng, nhưng thực ra vẫn là vùng tranh chấp ác liệt giữa ta và địch. Giai đoạn 1965-1969, Mỹ-ngụy dùng máy ủi san phẳng làng, mạc. Chúng thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp, thiết lập vành đai trắng... Hồi đó, ban ngày du kích và bộ đội địa phương rút vào sâu trong vùng núi Đá Sơn, Hố Bạc hoạt động. Đêm đến lại về làng nhận khoai, sắn do nhân dân tiếp tế. Có lúc lực lượng ta bám trụ dưới hầm bí mật giữa vùng địch tạm chiếm. Thời điểm ấy, cụ Đào Văn Long (bố đẻ của Thiếu tướng Đào Duy Minh) cũng từ miền Bắc trở về quê hương chiến đấu ở vùng Tây Quảng Ngãi. Ông không hề biết đứa con trai yêu quý của mình đã thành đội viên du kích.
Tình yêu quê hương, đất nước là yêu những gì giản dị và thiêng liêng nhất. Tình yêu ấy nhân lên thành sức mạnh tinh thần và dũng khí, ước nguyện chiến đấu giải phóng quê hương. Vì lẽ đó, năm 1969, du kích Đào Duy Minh chính thức nhập ngũ và được tổ chức cho ra Bắc học tập. Nhưng khi người chiến sĩ Đào Duy Minh chưa kịp lên đường, thì mẹ kính yêu là bà Lê Thị Lan (cán bộ Hội phụ nữ xã) đã anh dũng hy sinh trong trận chống càn. Sự mất mát quá lớn khiến Minh vô cùng đau đớn. Anh hiểu, dòng sữa mẹ nuôi anh không chỉ kết tinh bằng máu và nước mắt, mà còn kết tinh bằng cả đức hy sinh, niềm tin cuộc sống. Vì nung nấu quyết tâm trả thù cho mẹ và những người dân vô tội bị giặc giết, Minh nhất quyết xin ở lại bám trụ trên vùng đất ác liệt. Hồi đó, anh thường xuyên xuống núi về vùng địch tạm chiếm để tuyên truyền, giác ngộ thanh niên lên căn cứ hoạt động cách mạng. Tháng 2-1971, anh về nhận nhiệm vụ tại Trung đội 17 độc lập (trực thuộc huyện đội) chiến đấu trên hướng Tây Tư Nghĩa. Cuối năm 1971 sau khi tham gia lớp nghiệp vụ y tá trở về, anh vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc, vừa cứu chữa, chăm sóc thương binh, bệnh binh...
Trung tướng Đào Duy Minh ít nói về những năm tháng đánh giặc của mình. Thường khi nào vết thương tái phát, ông mới chỉ vào bắp chân mà đùa vui với sĩ quan tùy tùng và mấy cậu chiến sĩ: “Thằng địch quái ác thật, bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa chịu buông tha cho mình!”. Nghe vậy, cánh lính trẻ cứ năn nỉ đòi ông kể chuyện chiến đấu... Cuối năm 1972, trong trận đánh cầu xóm Xiếc (huyện Nghĩa Hành), giữa đêm Đông giá rét, Đại đội 65 cơ động ra chặn Đại đội lính ngụy nống vào càn quét. Nhờ bí mật bố trí đội hình chốt chặn liên hoàn, hiểm hóc, lực lượng ta diệt gọn toàn bộ quân địch. Chính trị viên phó Đào Duy Minh bị đạn găm vào chân nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, anh sợ đồng đội biết sẽ nao núng tinh thần.
Năm 1973, diễn biến, tình hình chiến sự trên chiến trường Quảng Ngãi chuyển hướng thuận lợi cho cách mạng, ta hoàn toàn làm chủ. Đào Duy Minh được lệnh chỉ huy đơn vị đánh trận sông Cùng, có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng địch đồn trú tại bót số 7 (Nghĩa Kỳ). Địch dùng thủ đoạn ban đêm chốt quân tại chỗ, ban ngày chúng sục sạo, giết hại dân lành. Biết rõ ý đồ đó, quân ta bí mật mai phục sẵn. Mờ sáng hôm ấy, địch ngông nghênh tiến vào làng, quân ta bất ngờ đồng loạt nổ súng, diệt gọn 17 tên. Số còn lại hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Lực lượng ta không ai bị thương vong.
Trung tướng Đào Duy Minh tặng quà người có công trên địa bàn thị xã An Khê (Gia Lai), ngày 11-10-2013.
Vừa được đề bạt giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn 81 (tỉnh đội Quảng Ngãi) vào tháng 11-1974, thì 3 tháng sau Đào Duy Minh đã vinh dự có mặt trong đội hình tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Ngãi. Mở đầu chiến dịch, đơn vị do anh chỉ huy thực hiện nhiệm vụ diệt chốt Gò Sỏi tại xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Khoảng 5 giờ sáng, lực lượng Tiểu đoàn 81 nổ súng tấn công tiêu diệt toàn bộ Đại đội bảo an địch. Chưa đầy vài tiếng đồng hồ sau, quân ta lại quần nhau với lực lượng Trung đoàn 4 (Sư đoàn 2 ngụy). Lợi dụng địa hình, địa vật, các loại hỏa lực của ta bắn dồn dập vào đội hình chúng, các mũi tiến công nhanh chóng bao vây, chia cắt, khiến quân địch tháo chạy như ong vỡ tổ.
Ngày 19-3-1975, Tiểu đoàn 81 tiếp tục nhận nhiệm vụ đánh chiếm cầu Nước Mặn và cầu Bình Sơn, chia cắt đường 1. Ngay trong đêm ấy, toàn bộ lực lượng Tiểu đoàn 81 khẩn trương cơ động về Tây Bình Sơn triển khai đội hình, tổ chức phục kích tại xã Trà Bình (Trà Bồng) diệt gọn Tiểu đoàn biệt động 69 của địch từ thị trấn Trà Bồng cơ động xuống. 2 giờ sáng ngày 23-3-1975, Tiểu đoàn 81 tiếp tục nhận lệnh đánh chia cắt địch ở Bình Long. Sau hơn một giờ đồng hồ giao tranh, lực lượng Tiểu đoàn 81 do Đào Duy Minh chỉ huy đã làm chủ trận địa, các bộ phận khẩn trương xây dựng trận địa dã chiến chặn địch rút chạy theo trục đường Quốc lộ 1.
Thời điểm này, các cánh quân của ta càng đánh càng hăng, quân địch nao núng tinh thần. Đúng như dự đoán, 20 giờ đêm 23-3-1975, toàn bộ quân chủ lực và bộ máy ngụy quân Quảng Ngãi dẫm đạp lên nhau định rút chạy ra hướng Đà Nẵng. Lúc này lực lượng Tiểu đoàn 81 đã chốt chặn sẵn trên trục đường 1, khi quân địch vào tới trận địa phục kích, thì tất cả các loại hỏa lực đồng loạt nhả đạn. 5 xe tăng và 4 xe GMC bốc cháy, quân địch hoảng loạn vội vàng triển khai đội hình đánh trả. Ta và địch giao tranh từ tối 23 đến 8 giờ sáng 24-3-1975 quân địch đầu hàng vô điều kiện. Đại đội do Đào Duy Minh chỉ huy bắt tù, hàng binh, sau đó cùng các lực lượng tiến công giải phóng thị xã Quảng Ngãi...
Trung tướng Đào Duy Minh kể chuyện truyền thống với sĩ quan trẻ Sư đoàn 2 (Quân khu 5), ngày 12-10-2013.
Lịch sử dân tộc Việt Nam trải mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, chẳng có cuộc chiến tranh nào lại không mất mát, hy sinh. Với người lính, sự hy sinh ấy càng lớn lao hơn. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Trung tướng Đào Duy Minh đã từng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Trận truy kích địch vào đêm 23-3-1975 trên Quốc lộ 1, đồng chí Chấn (Chính trị viên phó tiểu đoàn), đồng chí Huỳnh (Đại đội phó Quân sự) cùng 3 cán bộ Trung đội và 5 chiến sĩ anh dũng hy sinh.
Lần được ông kể về câu chuyện cảm động ấy, tôi nghe giọng ông nghèn nghẹn: “Huỳnh bị đạn địch bắn xuyên qua ngực. Lúc ấy tôi chỉ biết ôm chặt tấm thân đẫm máu của Huỳnh vào lòng và thì thầm bên tai bạn: “Huỳnh ơi! Cố lên, quê hương sắp giải phóng rồi!”. Biết không thể nào qua khỏi, Huỳnh khẽ mỉm cười, giọng đứt quãng: “Minh ơi!... Cậu ở lại... Tớ đi đây... Ngày giải phóng... nhớ ghé về... thăm mẹ tớ ở quê nhà!...”. Dặn xong câu ấy, Huỳnh ra đi. Tôi vuốt mắt cho bạn mà lòng đau như muối xát... “Huỳnh ơi! Chúng mình chỉ còn cách quê nhà chừng vài chục cây số nữa thôi, sao bạn nỡ bỏ đồng đội”.
“Thời gian là người bộ hành không bao giờ biết mỏi. Nhưng thời gian cũng là người thầy nghiêm minh nhất cho điểm mỗi cuộc đời, mỗi con người... Kỷ niệm những ngày tiến quân về giải phóng Quảng Ngãi mùa xuân năm ấy mãi mãi là ký ức hào hùng, là khúc tráng ca bất tử của mỗi người lính chúng tôi!…”.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài 2: Những ân tình sâu nặng
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-dao-duy-minh-ban-tinh-ca-nguoi-linh-mai-ngan-vang-bai-1-ky-uc-ve-mot-thoi-danh-giac-796615