Trung ương thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao

Trung ương thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao
3 giờ trướcBài gốc
Ban chấp hành Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là điều kiện để hiện thực hóa các quy hoạch, tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, bảo đảm nhu cầu vận tải trên hàng lang Bắc - Nam là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu: "Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị
Do tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Trung ương yêu cầu việc chuẩn bị hồ sơ cần tiếp tục được thực hiện thật kỹ lưỡng để xin ý kiến Quốc hội, cùng với đó là một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án, vấn đề áp dụng công nghệ và làm chủ công nghệ để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến ngay tại kỳ họp sắp tới.
Đường sắt là loại hình giao thông khá an toàn, nếu vận hành bằng điện thì mức độ xả thải ra môi trường sẽ thấp hơn rất nhiều so với các phương tiện đường bộ. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, cộng thêm cả ảnh hưởng của dịch Covid, đường sắt ít được đầu tư phát triển so với đường bộ cao tốc.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các tuyến đường sắt đều là tuyến đường đơn, nên hầu như khả năng vận tải đã được khai thác tối đa, không thể tăng số đoàn tàu trên tuyến đường ray hiện có. Chính vì vậy, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ là lời giải thích đáng nhất cho đường sắt Việt Nam.
Nhật Bản là quốc gia đưa vào sử dụng đường sắt cao tốc sớm nhất từ năm 1964, đến nay đã 60 năm và đã vận hành rất hiệu quả hệ thống đường sắt cao tốc trên toàn quốc. Đối với các nước tiên tiến, đặc biệt là các khu đô thị lớn có khoảng cách từ 500-800km thì sử dụng đường sắt tốc độ cao sẽ hiệu quả hơn máy bay, đồng thời giảm thải ra môi trường tính trên mỗi người một km.
Đến nay, sự phát triển kinh tế của Việt Nam đã giúp việc xây dựng đường sắt cao tốc chỉ chiếm khoảng 10-15% GDP so với 30% trước đây. Điều này cũng cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng của Việt Nam cho dự án lớn này. Theo các chuyên gia, đây là công trình cực kỳ lớn và sẽ mất thời gian xây dựng dài từ 10, thậm chí 20 năm.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ 350km/h. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Tuyến đường sắt tốc độ cao phấn đấu tới 2035 phải hoàn thành đưa vào khai thác. Theo tính toán sơ bộ thì tổng kinh phí đầu tư dự án là khoảng hơn 67 tỷ USD. Theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo tính khả thi, nguồn vốn ngân sách nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp và chi phí thấp khác, sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư khu dịch vụ, thương mại tại các ga, doanh nghiệp trả phí thuê kết cấu hạ tầng cho nhà nước.
Theo tính toán, đường sắt tốc độ cao sẽ tăng cường kết nối vùng miền, có thể đóng góp khoảng 1% tăng trưởng GDP mỗi năm.
Anh Tuấn
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/trung-uong-thong-nhat-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-267935.htm