Trung úy Đỗ Văn Linh - người sĩ quan trẻ gieo chữ từ trái tim

Trung úy Đỗ Văn Linh - người sĩ quan trẻ gieo chữ từ trái tim
8 giờ trướcBài gốc
Lặng lẽ vun tri thức giữa núi rừng Tây Bắc
Mỗi tối cuối tuần, tại góc làm việc quen thuộc, màn hình máy tính của Trung úy Đỗ Văn Linh (sinh năm 1999, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) lại sáng lên. Đó là lúc người “thầy giáo” công an bắt đầu hành trình gieo mầm tri thức, mở ra cơ hội học tập cho những học trò nghèo qua lớp học trực tuyến miễn phí.
Trung úy Đỗ Văn Linh hiện đang tổ chức 2 lớp ôn thi 0 đồng cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025, với 2 môn Ngữ văn và Lịch sử. Mỗi lớp gồm 20 học sinh, hầu hết đến từ các vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
“Mục tiêu khi mở lớp học 0 đồng của tôi là hỗ trợ các em lớp 12 ở vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh khó khăn. Vào tháng 10-2024, khi thông tin lớp học được đăng tải trên mạng xã hội, tôi nhận được hơn 200 đơn đăng ký từ các em học sinh. Nhiều người mong muốn tham gia vì yêu thích cách dạy hoặc muốn học thêm, tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cho mỗi lớp học, tôi chọn 20 bạn phù hợp với tiêu chí nhất. Với những bạn không có cơ hội tham gia lớp học, tôi hỗ trợ qua fanpage “Ôn thi cùng Linhteacher99”. Tại đây, tôi chia sẻ các video sinh động, bài viết ngắn, dễ hiểu về các chủ đề văn học, lịch sử, giúp các em có thể ôn tập hiệu quả ngay tại nhà”, Linh cho biết.
Do các học sinh đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nên hình thức giảng dạy được tổ chức hoàn toàn trực tuyến để phù hợp với điều kiện thực tế. Ảnh: NVCC
Trung úy Đỗ Văn Linh cho biết, khi lớp học 0 đồng đi vào hoạt động thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn. Mặc dù không tốn chi phí mở lớp, nhưng anh phải dành nhiều công sức và thời gian để tìm hiểu phương pháp dạy hiệu quả, xây dựng giáo án phù hợp và cập nhật các đề văn mới nhất.
Cùng với đó, anh phải liên tục cân bằng giữa lịch công tác của mình với thời gian giảng dạy, duy trì fanpage. Mỗi tối, sau ca trực, Linh lại miệt mài ghi hình bài giảng, giải đáp thắc mắc, cập nhật tài liệu ôn tập cho học sinh.
Đỗ Văn Linh chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất khi dạy học trực tuyến cho học sinh vùng sâu, vùng xa là sự không ổn định của đường truyền mạng, điều này đôi khi ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu bài giảng của học sinh. Để khắc phục, anh luôn cố gắng giảng bài, chữa bài chi tiết nhất, đảm bảo các em hiểu rõ từng nội dung.
Với Trung úy Đỗ Văn Linh, giảng dạy không đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức mà còn là hành trình khơi mở tư duy, vun đắp tâm hồn, giúp học sinh nhận ra giá trị bản thân qua những trang văn. “Văn học là nhân học” là kim chỉ nam trong mỗi bài giảng của anh.
“Học để thi là một phần, nhưng sâu xa hơn, học là để làm người, để thấu cảm, để cống hiến và dựng xây đất nước bằng trái tim và trí tuệ”, Linh cho biết.
Từ thực tiễn công tác, Trung úy Đỗ Văn Linh thấu hiểu những khó khăn của học sinh vùng cao, đặc biệt là sự thiếu thốn về tài liệu học tập phục vụ cho quá trình ôn thi. Vì vậy, anh luôn cố gắng đem lại nguồn cảm hứng yêu văn học cho học sinh bằng cách chuyển các tác phẩm thành hình ảnh, video sinh động, với các công thức ngắn gọn, giàu tính tư duy, độc đáo.
“Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức, tôi còn tổ chức các buổi ngoại khóa, mời những người truyền cảm hứng đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập với học sinh. Gần đây, lớp học từng có buổi trò chuyện đặc biệt với bạn Phạm Văn Minh Thành, Á khoa Khối C00, gồm 3 môn thi: Ngữ văn (9,25 điểm), Lịch sử (10 điểm) và Địa lý (10 điểm) của tỉnh Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024, đồng thời là một nhà sáng tạo nội dung với hơn 250.000 người theo dõi trên nền tảng TikTok”, Đỗ Văn Linh chia sẻ.
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình
Ít ai biết rằng trước khi khoác lên mình bộ cảnh phục và trở thành người thầy giáo tận tụy, Đỗ Văn Linh từng là một cậu học trò nghèo nhưng đầy nghị lực. Sinh ra trong một gia đình làm nông tại huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), tuổi thơ của Linh gắn liền với những thiếu thốn về điều kiện sống và học tập.
Cô Nguyễn Thị Dung (hiện đang dạy tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh Điện Biên, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của Linh) xúc động: “Trong suốt 19 năm giảng dạy, tôi đã gặp không ít học trò giỏi giang, nghị lực, nhưng Linh vẫn là cái tên để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Khi còn là giáo viên chủ nhiệm của em, tôi biết Linh không có xuất phát điểm thuận lợi như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Vì vậy, tôi luôn cố gắng hỗ trợ em hết mức, từ tài liệu, sách vở đến những động viên nhỏ bé hằng ngày.
Không phụ lòng thầy cô, em nỗ lực, kiên trì học tập, và khẳng định bản thân bằng nhiều thành tích đáng nể: Huy chương Vàng môn Lịch sử tại Kỳ thi chọn Học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm 2016; giải Nhì môn Lịch sử trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2016-2017; 3 năm liền đạt giải Nhất môn Lịch sử trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh... Và tôi rất tự hào khi biết năm 2021 em trở thành Thủ khoa đầu ra chuyên ngành Trinh sát bảo vệ an ninh xã hội của Học viện An ninh nhân dân.
Với tôi, đó không chỉ là những con số thành tích, mà là minh chứng sống động cho nghị lực đi lên từ thiếu thốn bằng nội lực và lòng quyết tâm đáng khâm phục của Linh”.
Cô Dung cho biết, nhiều năm qua, Linh thường xuyên được mời về nói chuyện, truyền cảm hứng và hỗ trợ đội tuyển Lịch sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Điện Biên) trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Những thành tích ấn tượng của đội tuyển đều có sự đóng góp của Linh. Ảnh: NVCC
Sự giúp đỡ tận tình của thầy cô năm ấy đã lặng lẽ gieo vào lòng cậu trò nhỏ khát khao “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Và hôm nay, Linh lại tiếp tục gieo mầm yêu thương, truyền cảm hứng cho các học trò, giống như cách anh được nhận khi còn là một học sinh. Anh không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy các em cách vươn lên và chia sẻ yêu thương với cộng đồng.
Sinh ra tại tỉnh Gia Lai, lớn lên trong một gia đình thuần nông với 3 em nhỏ, Ksor H Ưng (sinh năm 2007, dân tộc Gia Rai) sớm thấm thía những nhọc nhằn của cuộc sống. Hiểu rằng chỉ có học vấn mới giúp mình thay đổi tương lai, em luôn nỗ lực học tập, nuôi dưỡng ước mơ góp sức xây dựng quê hương. Nhờ lớp học miễn phí do thầy Đỗ Văn Linh tổ chức, Ksor H Ưng có thêm cơ hội tiếp cận kiến thức mới, củng cố hành trang cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
“Mỗi buổi học với thầy Linh không chỉ giúp em hiểu bài hơn, mà còn khiến em cảm nhận được sự sẻ chia và đồng hành thật ấm áp. Với những học sinh vùng sâu vùng xa như em, được học với thầy là một cơ hội quý báu. Thầy dạy rất hay, sinh động, dễ hiểu và luôn kiên nhẫn lắng nghe chúng em. Sau này em ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn, mở lớp học miễn phí cho các em nhỏ ở vùng cao, để tiếp nối những điều tử tế mà thầy đã gieo vào lòng chúng em hôm nay”, Ksor H Ưng bộc bạch.
Ksor H Ưng luôn cảm thấy may mắn vì được tham gia lớp học 0 đồng của Trung úy Đỗ Văn Linh. Ảnh NVCC
Cũng như Ksor H Ưng, Châu Đặng Kim Xuân, cô học trò sinh năm 2007 đến từ An Giang, tình cờ biết đến lớp học 0 đồng của thầy Linh qua mạng xã hội. Chỉ một dòng thông báo ngắn ngủi nhưng chạm đúng vào điều em hằng tìm kiếm. Không đắn đo, Xuân lập tức đăng ký. Với em, đây không chỉ là một lớp học, mà là cánh cửa mở ra hy vọng.
Xuân là con một trong gia đình có năm chị em. Bố mất sớm, mẹ gồng gánh nuôi các con ăn học. Trong hoàn cảnh chật vật ấy, em sớm ý thức rằng con đường học vấn chính là lối đi duy nhất để thay đổi số phận.
“Môn Văn không phải là thế mạnh của em. Em từng muốn bổ trợ thêm nhưng điều kiện không cho phép. Khi biết đến lớp học 0 đồng của thầy Linh, em xúc động lắm. Với em, đó giống như phép màu. Thầy không chỉ dạy Văn, mà còn dạy chúng em biết sống tử tế, biết yêu thương, biết nghĩ cho người khác. Em thật sự biết ơn thầy. Chính thầy đã truyền cho em ước mơ khoác lên mình màu áo Công an nhân dân”, Xuân chia sẻ.
Không chỉ tận tâm với học trò, Trung úy Đỗ Văn Linh còn không ngừng khẳng định chuyên môn, nghiệp vụ của người chiến sĩ Công an nhân dân thông qua nhiều giải thưởng tại các cuộc thi. Ảnh: NVCC
Trung úy Đỗ Văn Linh cho biết, trong tương lai anh mong muốn phát triển lớp học không chỉ về quy mô mà còn về chiều sâu, chất lượng. Đồng thời, anh dự định tìm kiếm thêm những người cùng chung chí hướng để xây dựng nội dung giảng dạy đa dạng, sinh động hơn, duy trì lớp học ổn định kể cả khi anh có công việc đột xuất.
Những tiết học Văn đầy cảm xúc, những giờ ôn thi miễn phí không phô trương là minh chứng cho trái tim nhiệt thành của Trung úy Đỗ Văn Linh. Hành trình ấy không chỉ làm đẹp thêm lý tưởng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người chiến sĩ Công an nhân dân, mà còn gieo mầm cho những ước mơ biết vươn lên và sống tỏa hương cho đời.
TRẦN HẢI LY
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/trung-uy-do-van-linh-nguoi-si-quan-tre-gieo-chu-tu-trai-tim-828011