Theo quyết định trên, Đại học (ĐH) Cần Thơ là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. ĐH Cần Thơ sẽ thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đh Cần Thơ hiện nay, theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định pháp luật có liên quan.
Một góc Đại học Cần Thơ. Ảnh: CTTDHCT
Quyết định ghi rõ "Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Cần Thơ cùng các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát quá trình chuyển đổi, bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Đồng thời, bảo đảm hoạt động của nhà trường được duy trì bình thường, liên tục; quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giảng viên, cán bộ quản lý, người lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan được giữ nguyên theo quy định".
Trong thời gian chuyển tiếp, Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành. Việc thành lập Hội đồng Đại học, công nhận Chủ tịch Hội đồng Đại học và Giám đốc Đại học Cần Thơ sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Hiện ĐH Cần Thơ đang có 6 trường thành viên, gồm: Trường Bách khoa, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Kinh tế, Trường Nông nghiệp, Trường Sư phạm, Trường Thủy sản. Trường còn có 10 khoa, 3 viện nghiên cứu và 1 Trường THPT Thực hành Sư phạm. ĐH Cần Thơ cũng đã thành lập hai phân hiệu ĐH tại Sóc Trăng và Hậu Giang.
Năm học 2025, Trường ĐH Cần Thơ dự kiến tuyển 10.060 chỉ tiêu, với tổng số 109 chương trình đào tạo ĐH chính quy. Trong đó có 89 chương trình đại trà, 2 chương trình tiên tiến và 13 chương trình chất lượng cao.
Đào Văn