Bỏ xét tuyển sớm, công khai quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển, không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển… là những điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay. Những điểm mới này hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học cũng như của thí sinh trên cả nước.
Đảm bảo minh bạch, công bằng
Theo Quy chế mới, sẽ không còn xét tuyển sớm. Thực tế những năm qua cho thấy, khi áp dụng xét tuyển sớm làm cho kỳ tuyển sinh kéo dài, thí sinh phải đi xin xác nhận kết quả học tập cấp trung học phổ thông gửi nhiều cơ sở đào tạo dẫn tới tốn kém nguồn lực xã hội. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo gọi trúng tuyển sớm số lượng rất lớn nhưng số thí sinh nhập học rất ít, cho thấy việc xét tuyển sớm không hiệu quả.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định chia sẻ, việc bỏ xét tuyển sớm trong Quy chế tuyển sinh đại học 2025 sẽ đảm bảo tính công bằng cho tất cả thí sinh, đặc biệt là khi các em vẫn đang trong quá trình học tập ở bậc trung học phổ thông. Bởi nếu trúng xét tuyển sớm, nhiều học sinh có thể trở nên chủ quan vì trước khi thi tốt nghiệp các em đã biết trước kết quả trúng tuyển vào đại học dẫn đến việc không chú trọng vào việc ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc bỏ hình thức xét tuyển sớm sẽ giúp hạn chế tình trạng này.
Tuy nhiên, việc không xét tuyển sớm cũng có một số hạn chế đối với thí sinh. Những năm trước, vào thời điểm này, nhiều em đã có thể yên tâm phần nào khi biết điểm học kỳ I, bởi một số trường đại học chỉ xét tuyển dựa trên kết quả ba học kỳ. Điều này giúp giảm áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì các em đã xác định được khả năng trúng tuyển vào một trường đại học nào đó. Khi đó, nhiệm vụ quan trọng nhất chỉ còn là hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp.
Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định. Ảnh: Trọng Phúc.
Một điểm mới nữa trong quy chế tuyển sinh năm nay là nếu xét tuyển bằng học bạ, các cơ sở giáo dục đại học phải tính điểm của cả 6 học kỳ, bao gồm học kỳ II năm lớp 12. Việc này chấm dứt tình trạng học sinh chưa học hết kỳ I lớp 12 đã biết mình trúng tuyển đại học, dẫn đến lơ là, không tập trung vào việc học ở giai đoạn cuối lớp 12, gây ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Vì vậy, việc thay đổi theo hướng xét kết quả học tập cả năm học lớp 12 là cần thiết. Điều này khuyến khích học sinh duy trì sự cố gắng, phản ánh khách quan năng lực học tập, cũng như hạn chế sự ảnh hưởng không cần thiết từ các yếu tố khác.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên chia sẻ, việc bỏ xét tuyển sớm sẽ giúp công bằng hơn cho thí sinh cũng như mang lại nhiều thuận lợi cho các trường, tiết kiệm nguồn lực cho xã hội, đồng thời giúp tăng cường sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh.
Ngoài ra, quy định mới cũng giúp thí sinh tập trung học tập tốt hơn trong học kỳ 2 của năm lớp 12, tránh bị xao nhãng bởi các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển quá sớm.
Trên thực tế, một bộ phận học sinh sau khi biết kết quả trúng tuyển sớm, đã chủ quan, sao nhãng việc học tập, dẫn đến ảnh hưởng quá trình dạy học của thầy cô trên lớp. Mặt khác, cũng ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chưa kể, học tập là một quá trình và nên được đánh giá một cách toàn diện, bao quát nhất. Khi xét cả học kỳ II lớp 12, học sinh sẽ phải xác định nhiệm vụ học tập ngay từ ban đầu và nghiêm túc thực hiện trong cả năm học. Như vậy, kết quả xét tuyển cũng toàn diện và thực chất, trường đại học cũng có nguồn tuyển chất lượng hơn.
Đồng thời, khi bỏ phương thức xét tuyển sớm cũng loại bỏ được tình trạng nhiều thí sinh đăng ký vào nhiều trường để “giữ chỗ”, nhưng sau đó lại không nhập học, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh. Loại bỏ xét tuyển sớm sẽ giảm tình trạng thí sinh đăng ký ảo.
Theo thầy Đăng, trước đây, nhà trường thường phải lấy chỉ tiêu xét tuyển sớm cao hơn so với nhu cầu thực tế, vì xét tuyển sớm làm tăng lượng thí sinh ảo, các trường khó dự báo được tỷ lệ nhập học của thí sinh, gây nhiễu trong xét tuyển.
Cụ thể, các hình thức xét tuyển sớm của các trường đại học luôn thu hút được số lượng lớn học sinh nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, các trường không thể chắc chắn được thí sinh có chọn trường mình hay không, vì một thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và đỗ vào nhiều trường khác nhau. Chỉ khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học mới biết chính xác lựa chọn của thí sinh.
Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên. Ảnh: Website nhà trường.
Bên cạnh đó, Quy chế mới cũng quy định các trường có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển, nhưng điểm môn ngoại ngữ được quy đổi từ các chứng chỉ ngoại ngữ có trọng số tính điểm xét không được vượt quá 50%.
Theo thầy Đăng, với quy định này sẽ hạn chế được tình trạng một số cơ sở đào tạo lạm dụng việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ trong quá trình xét tuyển bởi việc tiếp cận để được cấp các chứng chỉ ngoại ngữ có sự khác biệt giữa học sinh các vùng, miền. Quy định này giúp thí sinh vẫn có thể sử dụng tối đa thế mạnh của mình để tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhưng vẫn đảm bảo công bằng.
Bên cạnh đó, theo quy chế tuyển sinh năm 2025, đây là năm đầu tiên khóa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, Quy chế bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu vào, quy chế yêu cầu tổ hợp xét tuyển phải có ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó Toán hoặc Ngữ văn chiếm ít nhất 25% trọng số.
Đặc biệt, từ năm 2026, số môn chung giữa các tổ hợp phải chiếm ít nhất 50% trọng số xét tuyển, đảm bảo tính đồng nhất trong đánh giá năng lực thí sinh.
Bàn về vấn đề này, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, việc mở rộng tổ hợp xét tuyển giúp các trường đại học thu hút thêm thí sinh, đặc biệt là thí sinh có thế mạnh ở các môn khác nhau. Qua đó, cũng tăng cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu cho các trường đại học, nhất là các trường ở địa phương sẽ có nhiều cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu hơn.
Đối với thí sinh, các em có nhiều sự lựa chọn tổ hợp, không bị bó hẹp trong nhóm môn cố định. Thí sinh có thể chọn tổ hợp phù hợp với khả năng và sở trường cá nhân cũng như giúp các em linh hoạt hơn trong định hướng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý khi mở rộng tổ hợp bởi các tổ hợp phải phản ánh đúng năng lực yêu cầu của ngành học, đặc biệt đối với các ngành cần kiến thức nền tảng vững như y dược, kiến trúc, kỹ thuật,....Mặc dù sự đa dạng tổ hợp trên giúp tạo ra nhiều cơ hội hơn cho học sinh nhưng nhiều em cũng cảm thấy không biết nên tập trung vào tổ hợp nào để có lợi nhất.
Thí sinh giữ vững tâm lý, tập trung tối đa ôn thi
Theo thầy Đăng, những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm nay đều có mục đích nhằm nâng cao sự công bằng giữa các thí sinh trong việc xét tuyển đại học, sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh, tăng tính minh bạch và đồng thời tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Do đó, thí sinh không cần lo lắng và tập trung học tập tốt năm lớp 12.
Những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm 2025 không làm thí sinh mất đi cơ hội, ngược lại còn mở ra nhiều cánh cửa hơn khi xét tuyển vào các trường đại học, tăng tính công bằng và đảm bảo quyền lợi của các em.
Thầy Đăng lưu ý, các thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường định đăng ký xét tuyển và phải nắm rõ nguyên tắc xét tuyển để lựa chọn thứ tự nguyện vọng phù hợp với mong muốn của mình.
Các em nên tập trung để đạt được kết quả học tập tốt, thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt điểm cao hoặc có thể lựa chọn những kỳ thi riêng (đánh giá tư duy, năng lực…) phù hợp với năng lực và nhu cầu của bản thân.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh, theo Tiến sĩ Mai Đức Toàn, thời điểm này là giai đoạn các trường đại học đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, đặc biệt trong tháng 3 và 4. Đây là khoảng thời gian quan trọng khi các trường không chỉ giới thiệu về ngành nghề, chương trình đào tạo mà còn định hướng cho thí sinh cách lựa chọn ngành học phù hợp.
Trước tiên, học sinh cần lắng nghe tư vấn kĩ lưỡng từ các trường và có chọn lọc. Hãy truy cập các website chính thức của các trường đại học, đây là nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy nhất. Nếu có điều kiện, các bạn nên đến trực tiếp trường để tham quan, lắng nghe thầy cô tư vấn, hình dung rõ hơn về môi trường học tập trong tương lai.
Bên cạnh đó, để tăng cơ hội trúng tuyển, trong việc chọn trường, thí sinh cần chọn trường mà bạn cảm thấy thích nhất, phù hợp với năng lực và sở trường để ưu tiên hàng đầu. Trong một trường như vậy chỉ nên chọn từ một cho tới ba ngành và đặc biệt là các ngành phải liên quan với nhau.
"Việc chọn ngành học đúng rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập và cơ hội việc làm sau này. Nếu chọn sai, bạn không chỉ mất thời gian, chi phí mà còn có nguy cơ ra trường mà không tìm được công việc phù hợp với sở trường của mình.
Ai cũng mong muốn có một công việc ổn định, thu nhập tốt, vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ để lựa chọn đúng ngành, đúng nghề theo khả năng và sở thích của bản thân. Đừng để bị ảnh hưởng bởi định hướng của người khác mà bỏ qua sở thích và sở trường của bản thân. Chính các bạn là người hiểu rõ mình nhất, không ai có thể quyết định thay cho các bạn", Tiến sĩ Mai Đức Toàn chia sẻ.
Trường Đại học Gia Định trong buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Ảnh: Trọng Phúc.
Bên cạnh đó, năm nay là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều tổ hợp mới xuất hiện. Do đó, học sinh cần bình tĩnh, tìm hiểu thật kỹ để lựa chọn tổ hợp phù hợp nhất, tránh đặt nguyện vọng quá cao so với năng lực. Nếu đặt mục tiêu quá xa vời, các bạn có thể rơi vào tình trạng với không tới, dẫn đến trượt đại học hoặc chọn nhầm ngành. Cuối cùng, hãy tìm kiếm thông tin từ các nguồn chính thống, đặc biệt là website, fanpage của các trường đại học để nắm chắc yêu cầu tuyển sinh của từng trường.
Thu Trang