Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho thuê tài sản không qua đấu giá

Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho thuê tài sản không qua đấu giá
4 giờ trướcBài gốc
Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. (Ảnh: Trường Đại học Ngân hàng TPHCM)
Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng vừa ban hành Kết luận số 41/KL-TTGSNH7 về việc thanh tra hành chính tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Tại kết luận này, cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm của trường này.
Nhiều thiếu sót trong quản lý tài chính
Trong thời kỳ thanh tra, mức học phí của trường đối với các hệ, hình thức, phương thức đào tạo tại Quyết định số 1472/QĐ-ĐHNH đối với năm học 2021 - 2022 và Quyết định số 3198/QĐ-ĐHNH đối với năm học 2022 - 2023 (mức thu học phí của 2 năm học bằng nhau) đảm bảo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, trường còn có tồn tại, thiếu sót trong việc đăng tải công khai thông tin tuyển sinh hệ đào tạo thạc sĩ trên trang web điện tử của trường: Thiếu hình thức đào tạo vừa làm, vừa học/theo nhu cầu; quy định về mức học phí của hệ đào tạo thạc sỹ chính quy 22.050.000 đồng/năm/học viên là không đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không đúng theo quy định mức thu học phí của trường tại Quyết định số 1472/QĐ-ĐHNH đối với năm học 2021 - 2022 và Quyết định số 3198/QĐ-ĐHNH đối với năm học 2022 - 2023.
Về việc quản lý phí, học phí: Kết quả kiểm tra sổ chi tiết tài khoản tiền mặt (TK 112) cho thấy, nhà trường chưa thực hiện chuyển học phí thu bằng tiền mặt vào tài khoản của trường mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để quản lý là chưa thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Kết quả kiểm tra sổ chi tiết tài khoản tiền gửi Kho bạc Quận 1 năm 2022 cho thấy: Đối với tiền học phí thu qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của trường tại các ngân hàng thương mại, trường đã thực hiện chuyển tiền học phí về tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước Quận 1 số tiền 27.299.116.500 đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2022, tổng số nguồn thu của trường là 384.641.277.743 đồng.
Như vậy, trường thực hiện chuyển tiền học phí, lệ phí về tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước Quận 1 chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, kết quả thanh tra cho thấy, trong thời kỳ thanh tra, trường xác định định mức giờ chuẩn giảng dạy chung 270 giờ (là mức bình quân) mà không “căn cứ mục tiêu, chiến lược phát triển của đơn vị; đặc thù của môn học, ngành học và điều kiện cụ thể của đơn vị để quyết định định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học” để xác định mức giờ chuẩn giảng dạy cụ thể của từng khoa/môn/đơn vị thuộc trường là thực hiện chưa đúng với quy định tại khoản 4, Điều 3 Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT.
Đoàn thanh tra chọn mẫu 14 giảng viên được thanh toán tại chứng từ chi vượt giờ giảng của trường học kỳ 1 (Chứng từ kế toán số NVK01/130 ngày 31/01/2023) và học kỳ 2 năm học 2022 - 2023 (Chứng từ kế toán số NVK07/220 ngày 31/7/2023) để xem xét, đánh giá.
Kết quả cho thấy, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM có 4 trường hợp giảng viên giảng dạy vượt quá số giờ làm thêm tối đa (200 giờ) theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ và quy định khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019, gồm: Bà Trần Thị Cảng vượt 377 giờ; ông Phan Ngọc Huy vượt 373 giờ; ông Đỗ Tấn Phong vượt 719 giờ, bà Lê Thị Ánh Tuyết vượt 16 giờ.
Đoàn thanh tra tiến hành chọn mẫu 17 hồ sơ chứng từ thanh toán tiền họp trong thời kỳ thanh tra, tổng số tiền 117.300.000 đồng, để xem xét, đánh giá. Kết quả cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Nhiều chứng từ chi tiền bồi dưỡng các cuộc họp, hội nghị mang tính chất thường xuyên, là nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ, viên chức thuộc trường nhưng vẫn được chi là chưa đúng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài Chính; một số chứng từ chi bồi dưỡng tiền họp vượt mức quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ…
Qua xem xét việc chi vượt giờ giảng của trường học kỳ 1 (chứng từ kế toán số NVK01/130 ngày 31/01/2023) và học kỳ 2 năm học 2022 - 2023 (chứng từ kế toán số NVK07/220 ngày 31/7/2023), kết quả cho thấy các giáo viên dạy thêm giờ (trong 200 giờ dạy thêm) đều được thanh toán theo mức chi vượt định mức giờ giảng là 65.000 đồng/giờ.
Như vậy, việc Trường Đại học Ngân hàng TPHCM thanh toán đơn giá dạy thêm giờ áp dụng chung đối với cán bộ, viên chức giảng dạy (65.000 đồng/giờ) là thực hiện chưa đúng theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.
Nhiều tồn tại, hạn chế trong việc sử dụng tài sản công
Kết quả thanh tra cũng xác định, việc Trường Đại học Ngân hàng TPHCM chậm triển khai xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê từ ngày 1/1/2018 đến ngày 29/7/2020 là thực hiện không đúng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 55 Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 và điểm a khoản 3 Điều 44 Nghị định số 151/NĐ-CP.
Đặc biệt, việc trường thực hiện ký kết hợp đồng cho thuê sau ngày 20/7/2009 đối với 7 tài sản (gồm 1 tài sản tại cơ sở 36 Tôn Thất Đạm: Căn tin hành lang và 6 tài sản tại cơ sở 56 Hoàng Diệu 2: Tiệm giặt ủi sinh viên tại Ký túc xá 9 tầng, siêu thị mini tại ký túc xá 9 tầng, căn tin sinh viên - 500m2, mái nhà giảng đường C - đặt trạm BTS, sân tennis, khu dịch vụ sinh viên) nhưng không thông qua đấu giá là thực hiện không đúng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 43 Nghị định số 52/NĐ-CP.
Việc nhà trường không thực hiện chấm dứt hợp đồng cho thuê sau ngày 1/1/2018 đối với 7 tài sản nêu trên là thực hiện không đúng quy định tại khoản 5 Điều 136 Nghị định số 151/NĐ-CP.
Việc Trường Đại học Ngân hàng TPHCM thực hiện cho thuê đối với 7 tài sản nêu trên, 10 tài sản (gồm: 1 vị trí đặt ATM của Nam Á Bank - tại cơ sở 39 Hàm Nghi và 9 tài sản tại cơ sở 56 Hoàng Diệu 2 gồm: Vị trí đặt bảng quảng cáo, cửa hàng tiện tích - hội quán sinh viên, căng tin sinh viên tại KTX 9 tầng, tiệm photocopy, nhà xe sinh viên, 1 vị trí đặt ATM của TPBank, 1 vị trí đặt ATM của Nam Á Bank, 1 vị trí đặt ATM của VCB và 1 vị trí đặt ATM của Sacombank) và các tài sản phòng học, phòng họp, hội trường… là thực hiện không đúng quy định tại khoản 3 Điều 55 Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và khoản 2 Điều 46 Nghị định số 151/NĐ-CP.
Quốc Hải
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/truong-dai-hoc-ngan-hang-tphcm-cho-thue-tai-san-khong-qua-dau-gia-post718201.html