Trường đào tạo tình báo đầu tiên của quân đội Nhật Bản

Trường đào tạo tình báo đầu tiên của quân đội Nhật Bản
7 giờ trướcBài gốc
Từ ý tưởng đến hiện thực
Năm 1937, Trung tá Hideo Iwakuro của Quân đội đế quốc Nhật Bản đã trình lên Bộ Tổng Tham mưu Lục quân một bản báo cáo với tiêu đề "Về sự cần thiết của việc hệ thống hóa khoa học các hoạt động tình báo". Vấn đề ở chỗ trước thời điểm đó, trong quân đội Nhật Bản, do yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động tình báo được thực hiện bởi những người không được đào tạo chuyên sâu mà chỉ nhận mệnh lệnh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, người sĩ quan đó lại trở về với các công việc trước đây của mình.
Các học viên khóa 1 của Trường Bộ binh Nakano.
Nhận thấy phương thức tiến hành chiến tranh đang thay đổi một cách căn bản và các cuộc chiến trong tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự thành công của các chiến dịch tình báo bí mật, Trung tá Iwakuro kêu gọi Bộ Chỉ huy Quân đội thành lập một cơ sở đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Được sự ủng hộ của cấp trên, viên sĩ quan đầy nhiệt huyết đã nhanh chóng biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Tại sân sau của tòa nhà trụ sở cũ của Hội Phụ nữ yêu nước, các "Khóa đào tạo cán bộ hậu phương" đã được mở.
Các ứng viên tham gia khóa học chủ yếu là những quân nhân được gọi nhập ngũ sau khi tốt nghiệp các trường đại học dân sự, trung học chuyên nghiệp hoặc thậm chí các trường phổ thông. Không một quân nhân chuyên nghiệp nào được mời dự kỳ thi tuyển sinh. Nhờ vậy, những người tham gia hoạt động tình báo ngay từ đầu đều có khả năng hòa mình vào giới cư dân thành thị hoặc nông thôn mà không gây chú ý đặc biệt, họ dễ dàng bắt chuyện với người dân và lẫn vào đám đông.
Cách thi tuyển sinh cũng khá độc đáo. Tất cả các môn thi đều được tiến hành bằng hình thức vấn đáp. Thí sinh được hỏi những câu như: "Bạn nghĩ gì về đảng cộng sản?", "Thế nào là thuyết âm mưu?". Sau đó là các câu hỏi mang tính chất đánh giá cá nhân: "Bạn thích xem phim nội hay ngoại hơn?". Trong lúc thí sinh trả lời, giám khảo có thể chen ngang với những câu hỏi bất ngờ, chẳng hạn: "Nhìn một bãi phân ngoài đồng, làm thế nào xác định được đấy là phân của đàn ông hay đàn bà?".
Đợt tuyển sinh đầu tiên có 19 người. Hoạt động của các "khóa học" ngay lập tức được Bộ Chỉ huy đánh giá cao, vì vậy đến năm 1940, các khóa học này được đổi thành "Trường Bộ binh Nakano" và chuyển đến thành phố Nakano, một khu vực gần Tokyo. Ban giám hiệu của trường trực thuộc Tổng Tham mưu trưởng Lục quân.
Các tiết học của học viên chủ yếu diễn ra "trên thực địa", nghĩa là bên ngoài khuôn viên trường. Dù thời khóa biểu hằng ngày có quy định thời gian thức dậy và đi ngủ, học viên được phép tự do vi phạm quy tắc này, tùy theo nhu cầu cá nhân. Sau khi nghe các bài giảng bắt buộc vào buổi sáng, mỗi học viên được giảng viên giao bài tập cá nhân, chuyển sang trang phục dân sự và ra thành phố để làm bài tập. Họ có thể trở về doanh trại sau giờ giới nghiêm, vào ban đêm hoặc thậm chí ngày hôm sau.
Trung tá Hideo Iwakuro.
Quan tâm tới giáo dục tư tưởng cho học viên
Ngay từ những ngày học tập đầu tiên, các nhà tình báo tương lai được truyền đạt một "chân lý tối thượng" - hoàn thành chiến dịch bằng mọi giá. Học viên được cảnh báo rằng, nếu bị địch bắt, họ sẽ phải đối mặt với tra tấn, xử bắn, hoặc thậm chí treo cổ. Tuy nhiên, họ bị cấm tự sát, ngay cả khi có nguy cơ bị bắt hoặc bị giam trong trại tập trung: "Nếu có thời gian nghĩ đến tự sát, tốt hơn hãy dành thời gian đó để hoàn thành nhiệm vụ", "một điệp viên thực thụ có thể hoàn thành nhiệm vụ ngay cả trong trại tập trung".
Đồng thời, các học viên cũng được cảnh báo rằng họ sẽ không nhận được bất kỳ huân, huy chương, chức vụ, hay phần thưởng nào cho sự phục vụ tận tụy của mình, ngoại trừ cảm giác hài lòng khi hoàn thành nhiệm vụ. Trong tương lai, khi đã nghỉ hưu ở tuổi xế chiều, họ sẽ không được khoe khoang về những chiến công của mình, và nếu viết hồi ký thì cũng không được kể đã tham gia các chiến dịch bí mật.
Nói một cách nôm na, trước những con người chuẩn bị đối mặt với nhiều hy sinh và mất mát, các thầy giáo rất dè dặt khi nói về những phần thưởng dành cho lao động của họ.
Bộ trưởng Bộ Lục quân Hideki Tojo.
Người Nhật không được phép đầu hàng
Năm 1972, tại đảo Guam, Trung sĩ Yokoi Shoichi thuộc Quân đội đế quốc Nhật Bản bị bắt. Từ năm 1945, ông trốn trong rừng, tự mình "chiến đấu" chống lại những người dân bản xứ vô tội. Với sự giúp đỡ của các chính trị gia, ông không bị truy tố hình sự vì những hành động hoàn toàn cụ thể và được trở về Tổ quốc. Những lời đầu tiên của ông khi đặt chân đến Tokyo là: "Tôi xấu hổ vì đã trở về".
Câu nói này liên quan đến "Chỉ thị số 1" của Bộ trưởng Bộ Lục quân Hideki Tojo, ban hành ngày 8/1/1941. Cũng trong năm đó, nhiều bộ bài ghi nội dung của "Chỉ thị" được in ấn, đồng thời các bài hát phổ lời "Chỉ thị" bằng nhiều giai điệu khác nhau cũng được in và phát hành.
Điều khoản cơ bản của “Chỉ thị” bắt buộc tất cả các binh lính của "Đất nước Mặt trời mọc” phải tuân thủ là không được phép đầu hàng vì bất kỳ lý do nào. "Chỉ những kẻ không phải người Nhật mới đầu hàng", "Kẻ đầu hàng đã từ bỏ dân tộc chúng ta, và gia đình hắn cũng không còn là người Nhật nữa" - đó là những kết luận được nhồi nhét vào đầu các binh lính và sĩ quan.
Thay vì đầu hàng, tài liệu này khuyến khích các binh lính tự sát với nhiều cách khác nhau. Gia đình của những người đầu hàng phải chịu những hình phạt và sự sỉ nhục vô cùng nặng nề.
Chính hồi ức về chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Lục quân vốn đã bị Tòa án Tokyo kết án từ lâu, khiến Trung sĩ Yokoi vừa trở về dằn vặt - tư tưởng đó đã ăn sâu vào tâm trí ông, cũng như vào đầu mỗi người dân Nhật Bản.
Trở lại với việc học tập tại Trường Bộ binh Nakano, cần lưu ý rằng lệnh cấm tự sát được giảng dạy cho các học viên là một điều gì đó hoàn toàn khác thường đối với phần còn lại của Nhật Bản. Hơn nữa, trong nhà trường, đã diễn ra những cuộc thảo luận thậm chí rất khó tưởng tượng đối với một người bình thường, chưa nói đến một quân nhân: "Liệu Hoàng đế có thực sự là hậu duệ của các vị thần trên Trái Đất, hay ngài chỉ là một con người như bao người khác?". Nhân tiện cũng xin nói, quan điểm coi Hoàng đế như một con người bình thường chiếm ưu thế.
Các học viên tốt nghiệp Trường được phong cấp bậc khá thấp và bổ sung thêm chữ "dự bị". Ví dụ, cựu Thiếu úy Lục quân Onoda Hiroo, người được phát hiện vào năm 1974 trên đảo Lubang, phía tây thủ đô Manila, Philippines, đã tốt nghiệp khoa Đặc công với cấp bậc trung sĩ dự bị.
Trung sĩ Yokoi Shoichi.
Thành lập khoa đặc công
Khóa sĩ quan tốt nghiệp đầu tiên được chỉ huy các đơn vị đánh giá cao, nhưng các hoạt động quân sự quy mô lớn bắt đầu từ năm 1941 trên nhiều mặt trận chiến lược đã mở rộng đáng kể các nhiệm vụ mà các học viên tốt nghiệp Trường Bộ binh Nakano phải giải quyết. Năm 1944, Bộ chỉ huy nhận thấy Trường cần phải mở thêm một khoa mới - khoa Đặc công.
Trước đó, vì lợi ích của chính phủ Nhật Bản, các hoạt động đặc công phá hoại chủ yếu do những kẻ côn đồ trong đơn vị của Đại úy cảnh sát Amakasu thực hiện. Đó là những sự kiện đẫm máu gây chấn động với nhiều nạn nhân vô tội, giống những cuộc tấn công của bọn cuồng sát hơn là các chiến dịch quân sự. Ngoài ra, trong Quân đội Quan Đông, các sĩ quan có sáng kiến đã thành lập một số đơn vị chính quy. Ví dụ, Đội 516 chuyên giải quyết các vấn đề chiến tranh hóa học, Đội đặc nhiệm bảo vệ bờ biển 101, Đội 502 (phá hoại trên lãnh thổ Liên Xô), các đơn vị đặc công "Hikari", "Minami", "Doihara", "F" và "Harbin"...
Khoa mới của "Trường Bộ binh Nakano" được gọi là "Chi nhánh" và đặt tại thành phố Hamamatsu. Ở đây, các học viên được học về công tác đặc công phá hoại, các phương pháp tình báo và phản gián, lập kế hoạch tác chiến, cách thay đổi ngoại hình, kỹ thuật sinh tồn ở những nơi xa xôi hẻo lánh và phương pháp thành lập các "đội nghĩa quân" từ những phần tử bất mãn tại hậu phương của kẻ thù. Học viên cũng được học ngoại ngữ.
Các học viên tốt nghiệp chi nhánh được phân công về các mặt trận ở Philippines, Indonesia, các đảo Thái Bình Dương và Quân đội Quan Đông. Trong suốt thời gian tồn tại của mình, Trường Bộ binh Nakano đã đào tạo hơn 3.000 chuyên gia. Khoảng 200 người trong số họ đã tử trận hoặc mất tích.
Tháng 8/1945, Thiếu tá Tarota Sadao, học viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Bộ binh Nakano, đã xây dựng "Kế hoạch tổ chức giám sát các lực lượng chiếm đóng". Kết quả của "Kế hoạch" là tuyên bố về chiến dịch "Rodnik" (Nguồn nước). Mục tiêu của chiến dịch là tiến hành chiến tranh du kích và tấn công kẻ thù (lực lượng chiếm đóng Mỹ) từ những vị trí mà đối phương không thể ngờ tới, giống như các nguồn nước thường chảy ra từ những nơi con người không ngờ tới.
Tuy nhiên, cho đến nay, không tìm thấy thông tin gì về kết quả của chiến dịch này. Một số nguồn tài liệu kể sơ qua về một học viên tốt nghiệp Trường Bộ binh Nakano đột nhập vào Tổng hành dinh của Bộ Chỉ huy quân Chiếm đóng, tuy nhiên, tài liệu này không nêu tên học viên đó, cũng như thông tin về kết quả hành động của anh ta.
Muộn hơn một chút, sau khi Tòa án Tokyo kết thúc, một số chính trị gia và doanh nhân lớn bắt đầu khoe khoang về mối quan hệ của họ với Trường Bộ binh Nakano. Tuy nhiên, khi Mỹ bắt đầu xâm chiếm Nhật Bản, không ai nghe nói gì về họ.
Trường Bộ binh Nakano đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự phát triển của quân đội Nhật Bản nói riêng và nền kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Được biết, nhiều cựu học viên của trường sau này đã trở thành những nhân vật nổi tiếng của Nhật Bản, ví dụ, Yamamoto Kiyokatsu, Giám đốc đầu tiên của Học viện Phòng vệ Nhật Bản, Harada Tokichi, nhà báo quân đội nổi tiếng, Kimura Taketiyo, nghị viên Quốc hội và Mukai Hisao, Giám đốc Ngân hàng Ashikaga...
Trần Đình
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/truong-dao-tao-tinh-bao-dau-tien-cua-quan-doi-nhat-ban-i751642/