BHG - Sáng 14.5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: CTV
Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đã tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đại biểu bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi Luật lần này và tham gia 4 ý kiến góp ý.
Thứ nhất, liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm trong hoạt động đối ngoại của các cấp chính quyền, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định có tính nguyên tắc để chính quyền địa phương cấp cơ sở (sau sáp nhập) được tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại, thỏa thuận quốc tế có liên quan. Cụ thể, cần cho phép “đơn vị hành chính cấp cơ sở mới được kế thừa hoặc được giao thẩm quyền thực hiện các thỏa thuận quốc tế thuộc nội dung trước đây của cấp huyện hoặc xã biên giới cũ”.
Và tại điều khoản chuyển tiếp (Điều 54), dự thảo Luật cần có điều khoản mang tính nguyên tắc quy định “chính quyền địa phương cấp cơ sở hoặc cấp trên trực tiếp (tùy theo phân cấp mới) có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các thỏa thuận quốc tế đã ký nhân danh đơn vị hành chính cũ”. Đồng thời, bổ sung “điều chỉnh, cập nhật tên gọi mới của đơn vị hành chính trong các thỏa thuận quốc tế hiện có”, giao cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện việc thông báo và điều chỉnh này để tạo hành lang pháp lý cần thiết và trách nhiệm thực hiện các thỏa thuận, hiệp định quốc tế, văn kiện pháp lý về biên giới phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới.
Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV
Thứ hai, về việc bổ sung tiêu chí "miền núi" vào dự thảo Luật, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung tiêu chí "miền núi" tương đương với các loại hình đơn vị hành chính khác như (nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) vào khoản 2 Điều 3 và điểm c khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật.
Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy, miền núi có những đặc điểm đặc thù, khác biệt hoàn toàn với mô hình nông thôn, đồng bằng về địa hình, khí hậu, giao thông, dân cư, trình độ phát triển KT – XH và văn hóa. Tại các tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Việc tổ chức chính quyền, cung ứng dịch vụ công, và quản lý nhà nước tại những địa bàn này đòi hỏi những phương thức, bộ máy, và chính sách phù hợp, không giống như vùng đồng bằng, đô thị hay hải đảo. Việc bổ sung tiêu chí "miền núi" sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế, tiêu chí phân loại đơn vị hành chính, và các chính sách đặc thù cho vùng miền núi. Điều này đặc biệt quan trọng khi cấp huyện kết thúc hoạt động, khối lượng công việc dồn xuống cấp cơ sở, trong khi năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã ở miền núi còn hạn chế.
Thứ ba, về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh và Thường trực HĐND cấp tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định rõ và tăng cường hơn nữa thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh và Thường trực HĐND cấp tỉnh. Đặc biệt là trong việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện KT - XH và khả năng cân đối ngân sách của địa phương để thúc đẩy phát triển. Việc này sẽ phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong giải quyết các vấn đề giữa hai kỳ họp của HĐND cấp tỉnh.
Thứ tư, về vấn đề thay đổi tên gọi, địa giới hành chính, chỉ dẫn địa lý, nhận diện thương hiệu địa phương, Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan cho biết, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để các địa phương có cơ sở pháp lý để xây dựng chiến lược truyền thông thống nhất, xây dựng thương hiệu, định vị, xây dựng bản đồ du lịch mới để phát huy được nguồn lực kinh tế quan trọng cho đất nước.
Duy Tuấn (Tổng hợp)