Học viên khóa năm 1972 - 1973. Ảnh: Tư liệu
Trường Sư phạm Tây Nam Bộ, từ khi thành lập đến lúc hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chỉ tồn tại trong 14 năm (1961 - 1975), nhưng đã trở thành nơi lưu dấu ký ức không bao giờ phai mờ đối với những người thầy, học trò từng gắn bó với mái trường đặc biệt này.
14 năm hoạt động là một hành trình mang đậm tinh thần yêu nước, ý chí hiếu học và sự kiên cường vượt khó, qua những câu chuyện sống mãi theo năm tháng, vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người trong cuộc.
Viết tuổi xuân bằng sự gan dạ và kiên cường
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt chú trọng đến sự nghiệp giáo dục, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Cô Huynh Thị Mỹ Huê, học viên của Trường Sư phạm Tây Nam Bộ năm xưa bày tỏ: Thế hệ thầy cô, học viên Trường Sư phạm Tây Nam Bộ hầu hết đã gác bút, rời bảng đen phấn trắng trở về với cuộc sống bình dị bên người thân. Tuy nhiên, ý chí và ngọn lửa cách mạng của những người chiến sĩ năm xưa chưa bao giờ lụi tàn. Chúng tôi vẫn nguyện làm cây cao bóng cả, cống hiến sức lực còn lại của cuộc đời để gửi gắm bài học đến thế hệ sau.
Với ý nghĩa đó, năm 1961, Trường Sư phạm Tây Nam Bộ được thành lập tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), bắt đầu với 50 học viên đến từ 6 tỉnh: Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Đây là ngôi trường sư phạm duy nhất ở khu vực Tây Nam Bộ trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ra đời trong bối cảnh cách mạng miền Nam vừa trải qua những bước ngoặt lớn: Phong trào Đồng Khởi thành công, nhiều vùng đất cuối cùng của Tổ quốc đã được giải phóng.
Chính vì thế, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và xây dựng đội ngũ cán bộ cho phong trào cách mạng trở thành mối quan tâm hàng đầu của Khu ủy Tây Nam Bộ.
Tính từ khóa đào tạo đầu tiên của Trường Sư phạm Tây Nam Bộ đến nay đã 64 năm, nhưng ký ức về ngôi trường năm xưa vẫn luôn hiện hữu trong trái tim và tình cảm của mỗi thầy cô, học viên từng công tác và học tập tại đây. Là một trong những thế hệ nhà giáo kỳ cựu, TS Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM) chia sẻ rằng, trong thời kỳ kháng chiến, Tây Nam Bộ là chiến trường khốc liệt, xa Trung ương nhất và cũng là nơi ít được chi viện nhất.
Điều kiện sinh hoạt, chiến đấu vô cùng khắc nghiệt. Nhiệm vụ chính của nhà trường là đào tạo giáo viên nhằm phát triển mạng lưới giáo dục trong chiến khu. Tất cả thầy cô và học viên đều phải trải qua những thử thách được gọi vui là “môn thi bắt buộc”, như lập cứ, dựng trường, bắc cầu, chèo xuồng, bắt cá, tìm rau, xây dựng mối quan hệ với nhân dân. Dù ở trong rừng đước hay sống cùng dân, ai nấy đều phải tự lực cánh sinh. Nếu ở trong dân thì thực hiện “tam cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm.
“Trong suốt thời gian hoạt động, thầy và trò Trường Sư phạm Tây Nam Bộ phải đối mặt với muôn vàn gian khó. Trường không thể đóng ở một địa điểm cố định mà phải thường xuyên di chuyển để tránh pháo binh, máy bay, giang thuyền địch, cũng như những đợt rải chất độc hóa học, các trận tập kích của biệt kích.
Có lúc sống giữa lòng dân vùng giải phóng, có lúc lại phải vào sâu trong rừng. Thầy trò, cán bộ và nhân viên nhà trường đã trải qua biết bao hiểm nguy, gian khổ mà lời kể không thể nào diễn tả hết. Dù nhiệm vụ chính là dạy và học, nhưng tất cả luôn trong tư thế tay sách, tay súng, sẵn sàng chiến đấu và di chuyển khi địch càn quét.
Có lúc, chỉ vài phút trước, thầy đang đứng trên bục giảng, học trò đang chăm chú nghe giảng, thì ngay sau đó, cả thầy lẫn trò đã trở thành những chiến sĩ, cầm chắc tay súng chiến đấu anh dũng”, TS Hồ Thiệu Hùng nhớ lại.
Trong ký ức của cô Trần Thị Minh Khai, lớp học thời ấy đơn sơ, lợp bằng lá giữa rừng ngập mặn bạt ngàn. Tuy thiếu thốn đủ bề nhưng thầy trò vẫn nghiêm túc giảng dạy và học tập. Dù gian khổ, nhưng ý chí chiến đấu của thầy và trò luôn hừng hực, cháy bỏng.
“Chúng tôi vừa lao động, vừa học tập. Việc ăn uống hoàn toàn tự túc. Khi ở đồng bằng thì bắt cá, hái rau đồng; xuống rừng đước, rừng tràm thì mò cá nâu, cá ngát. Thầy trò cùng nhau đốn cây dựng trường tạm. Khi máy bay địch đến, mọi người chui xuống hầm trú ẩn - thầy nhường học trò xuống trước, trò lại nhường thầy. Ai cũng sẵn sàng nhận phần thiệt về mình để nhường sự sống cho người khác. Tuy vất vả nhưng ai cũng hăng say, mang tinh thần người lính Cụ Hồ”, cô Khai xúc động kể.
Ban Liên lạc Trường Sư phạm Tây Nam Bộ thăm hỏi tặng quà hội viên tại Cần Thơ. Ảnh: BLL
Cung cấp nguồn lực cách mạng nòng cốt
Từ năm 1961 đến 1975, Trường Sư phạm Tây Nam Bộ đã tổ chức 14 khóa đào tạo cán bộ giáo dục và giáo viên, cung cấp hơn 600 cán bộ giáo dục cho các tỉnh, huyện cùng hàng trăm giáo viên cấp 1 và khoảng 150 giáo viên cấp 2.
Từ mái trường này, nhiều giáo viên đã tỏa đi khắp nơi, sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân để làm nhiệm vụ trồng người. Trong 14 năm hoạt động, biết bao thầy cô đã kiên trì bám trường, bám lớp, bất chấp bom đạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không ít người đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Sau ngày toàn thắng, nhiều giáo viên kháng chiến tiếp tục học tập, công tác, cống hiến cho đất nước. Có người trở thành lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và địa phương; có người tiếp tục sự nghiệp giáo dục, trở thành Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú...
Nhà giáo Nhân dân, TS Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Liên lạc Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ cho biết: Trong 14 năm hoạt động, trường đã tổ chức 7 lớp đào tạo cán bộ giáo dục và 7 lớp đào tạo giáo viên. Từ cái nôi này, nhiều người đã trưởng thành, giữ các vị trí trong cấp ủy, các cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần tạo nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý năng động, sáng tạo và giàu ý chí vượt khó.
Trường đã xây dựng được lực lượng giáo viên nòng cốt, làm nền tảng cho các tỉnh, thành Tây Nam Bộ phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục sau này. Những thành quả của Trường Sư phạm Tây Nam Bộ thực sự là nền móng cho sự phát triển giáo dục của khu vực, góp phần đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho ngành Giáo dục mà cho cả đất nước trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS Hồ Thiệu Hùng nhấn mạnh: Sau khi rời ghế nhà trường, được tôi luyện qua chiến tranh ác liệt, nhiều học viên đã xông pha vào khắp chiến trường, góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có người anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Có người rơi vào tay giặc, bị giam cầm tại nhà tù Phú Quốc như anh Mai Văn Bé (học viên khóa 1965) nhưng vẫn giữ khí tiết kiên trung.
Có người cùng bạn tù cướp tàu giặc, vượt ngục Côn Đảo thành công như anh Nguyễn Văn Kỷ - Tám Nguyên. Cũng có người bị giặc mổ bụng nhưng vẫn không khai báo như anh Phan Văn Oanh (học viên khóa 1968).
“Trường Sư phạm Tây Nam Bộ chỉ tồn tại 14 năm, nhưng quãng thời gian ấy đã thể hiện rõ tầm nhìn và bản lĩnh lãnh đạo của Khu ủy Tây Nam Bộ trong việc nâng cao dân trí, thực hiện phương châm ‘giáo dục phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong từng thời kỳ’, như lời dạy của Bác Hồ.
Quãng thời gian ngắn ngủi ấy đủ để chứng minh ý chí, tinh thần và năng lực của thầy trò trong việc thực hiện lời Bác: Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, TS Hồ Thiệu Hùng bồi hồi chia sẻ.
Các thế hệ thầy cô và thân nhân tề tựu ngày họp mặt truyền thống của trường năm 2025. Ảnh: Minh Anh
Truyền lửa cho thế hệ tiếp nối
Là một trong những sinh viên tham dự buổi họp mặt truyền thống của Trường Sư phạm Tây Nam Bộ vào ngày 7/3 vừa qua, Đặng Khánh Linh - sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM bày tỏ sự xúc động khi được lắng nghe những câu chuyện đầy cảm xúc về một thời kỳ gian khó nhưng cũng vô cùng hào hùng.
“Các thầy cô là những tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người và xây dựng tương lai. Những câu chuyện về tinh thần vượt khó, sự cống hiến không mệt mỏi là nguồn động lực lớn giúp em thêm quyết tâm học tập, rèn luyện chuyên môn, bồi dưỡng tình yêu với nghề và giữ vững niềm tin trên con đường đã chọn.
Dù trong khói lửa chiến tranh hay giữa những bộn bề lo toan hiện nay, ánh mắt các thầy cô vẫn luôn ánh lên ngọn lửa nhiệt huyết, sẵn sàng truyền lửa cho thế hệ mai sau,” Khánh Linh chia sẻ.
Tương tự, Nguyễn Đặng Hoàng Trọng - sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, ngôi trường cách mạng năm xưa và trường học ngày nay đều mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng: Đào tạo giáo viên phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
“Các thầy cô xưa và nay đều tận tụy với người học, không quản ngại hy sinh để truyền đạt những tinh hoa tri thức. Em thật sự khâm phục tinh thần học tập, cống hiến của các thầy cô.
Hôm nay, em được tiếp cận với công nghệ, cơ sở vật chất hiện đại, có nền tảng quý báu từ cha ông để lại, em tự hứa sẽ không ngừng nỗ lực, trau dồi tri thức, hoàn thiện bản thân, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển”, Trọng bày tỏ.
Từ góc độ một nhà giáo, cô Lê Ngọc Hân - Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM) xúc động nói: “Sinh ra và lớn lên trong thời bình, tôi từng học và nghe nhiều về chiến tranh, về đất nước trong khói lửa, nhưng khi gặp các thầy cô, lắng nghe từng câu chuyện, tôi cảm thấy vô cùng cảm phục.
Cách sống tử tế, nghĩa tình của thầy cô là bài học lớn cho thế hệ giáo viên chúng tôi. Tôi mong muốn có thể truyền đạt cho học sinh khả năng tự học, tự đọc, bản lĩnh phản biện, dám mạo hiểm khám phá... để các em trong thời đại hội nhập quốc tế vẫn giữ vững trái tim Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhận định: Tinh thần kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của thầy cô Trường Sư phạm Tây Nam Bộ sẽ truyền cảm hứng cho các nhà giáo trẻ có thêm niềm tin để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hồ Phúc