Trường THPT công lập tìm cách giữ học sinh trước nhu cầu chuyển trường

Trường THPT công lập tìm cách giữ học sinh trước nhu cầu chuyển trường
một ngày trướcBài gốc
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ được chuyển trường sau khi đã hoàn thành chương trình học của lớp hiện tại và được lên lớp.
Nhiều học sinh có nhu cầu chuyển trường
Dù đang trong kỳ nghỉ hè nhưng các trường THPT công lập vẫn mở cửa để giải quyết nhu cầu chuyển trường của học sinh và phụ huynh.
Từ ngày 15 đến 25-7, Trường THPT Đa Phước tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chuyển trường.
Học sinh nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10 tại Trường THPT Đa Phước. Ảnh: NTCC
Sáng 23-7, ông Lê Phú Hải, Hiệu trưởng nhà trường, tiếp một phụ huynh cùng con trai đến xin chuyển trường vì lý do thay đổi nơi ở.
Nam sinh trình bày: "Gia đình em vừa chuyển nhà, hiện quãng đường đến trường quá xa. Việc đi lại hằng ngày rất vất vả, đặc biệt là hay kẹt xe. Em mong thầy xem xét cho em chuyển trường để thuận tiện hơn cho việc học”.
Tuy nhiên, theo ông Hải, học sinh này trước đó trượt ba nguyện vọng vào lớp 10, sau đó được nhận vào trường thông qua xét tuyển bổ sung. Trong đơn xin chuyển, em có ghi lý do khác. “Nhưng sự việc này nhà trường đã xử lý ổn thỏa. Nếu em còn thắc mắc, chúng tôi sẵn sàng xử lý triệt để” - ông Hải nói. Sau buổi trao đổi, nam sinh hẹn quay lại sau ba ngày.
Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phước cho biết: “Nhiều phụ huynh vì mong muốn chuyển trường cho con đã tìm đủ lý do. Tuy nhiên, nhà trường sẽ căn cứ quy định và hoàn cảnh cụ thể để xem xét, giải quyết”.
"Trường hợp gia đình chuyển nơi ở, bố mẹ chuyển công tác, tôi luôn tạo điều kiện và đã giải quyết một số trường hợp. Còn những em không có lý do chính đáng, vẫn muốn xin chuyển, tôi gặp gỡ, lắng nghe, thuyết phục để họ thay đổi quyết định.
Bởi, thay đổi môi trường học sẽ phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của cháu. Hơn nữa, việc học sinh xin chuyển trường cũng gây xáo trộn sĩ số, ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của trường” - ông Hải chia sẻ.
Tình trạng học sinh xin chuyển trường cũng diễn ra tại Trường THPT Đào Sơn Tây.
Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm nay, trường đã giải quyết hơn 30 trường hợp chuyển trường, đa số có lý do chính đáng và trường luôn tạo điều kiện thuận lợi.
“Khi phụ huynh có nhu cầu chuyển trường, tôi trực tiếp tiếp đón và lắng nghe. Đặc biệt, tôi trao đổi với học sinh để hiểu rõ nguyện vọng của các em. Nếu em muốn chuyển đi để thuận tiện cho việc học, trường sẽ tạo điều kiện” - bà Hảo nói.
Ông Lê Quang Ninh, đại diện Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao Nguyễn Thị Định, cho biết hiện trường đang tiếp nhận nhiều đơn xin chuyển trường. Phần lớn học sinh có nguyện vọng chuyển do gia đình chuyển về quê hoặc thay đổi chỗ ở trong nội thành. Nhà trường sẽ xem xét từng trường hợp dựa trên lý do cụ thể và điều kiện thực tế để đưa ra quyết định.
Một hiệu trưởng khác chia sẻ, 10 phụ huynh xin chuyển trường nhưng qua trò chuyện may lắm chỉ 2 người thay đổi ý kiến. Dù thế nào, trường cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các em.
Tìm cách giữ chân học sinh
Nhiều nhà quản lý nhận định việc học sinh xin chuyển trường là nhu cầu chính đáng và các trường phải có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, để học sinh thêm gắn kết với nhà trường, nhiều trường đã thay đổi và triển khai các chính sách nhằm giữ chân học sinh.
Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, đang trò chuyện cùng học trò tại ghế đá sân trường.
Ông Lê Phú Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phước, cho biết ngoài tổ chức bán trú, trường còn giảm số tiết học buổi chiều xuống còn 3 tiết để các em có thể tan trường sớm lúc 16 giờ.
Đặc biệt, trường có chính sách dành cho học sinh khó khăn như tổ chức bữa cơm tình thương với 28 suất/ngày, trao 20 suất học bổng hàng tháng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Bên cạnh đó, trường còn kêu gọi tài trợ, quyên góp để tổ chức "gian hàng sách 0 đồng".
Năm học tới, trường dự kiến phối hợp với Trường THPT Phong Phú tổ chức xe đưa đón các em. “Nhờ thực hiện những chính sách trên nên học sinh đã có sự gắn bó với trường nhiều hơn” - ông Hải nói.
Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây cũng ghi nhận số lượng học sinh xin chuyển trường giảm đáng kể so với các năm trước. Năm 2019, trường nhận đến 100 đơn chuyển trường, có ngày phải tiếp xúc đến 20 phụ huynh, nhưng năm nay số lượng đã giảm, chủ yếu có lý do chính đáng như chuyển công tác hoặc chuyển nhà.
“Trường tổ chức bữa ăn bán trú và xe đưa đón để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh. Hơn nữa, thầy cô trong trường rất thân thiện, luôn sẵn sàng hỗ trợ các em, kể cả ngoài giờ học. Tôi từng nghe nhiều học trò bộc bạch rằng các em quyết định học ở đây vì thầy cô như người nhà, có thể chia sẻ, tâm tư, dù nhà rất xa” - bà Hảo nói.
Theo bà Hảo, khi trò chuyện với phụ huynh về vấn đề chuyển trường, bà luôn nhấn mạnh nếu không phải lý do chính đáng thì chính phụ huynh đang làm khó con mình vì chuyển qua môi trường khác, việc học của con sẽ khó hơn.
Theo một hiệu trưởng trường THPT ở khu vực nội thành, so với năm ngoái, số lượng học sinh xin chuyển trường năm nay đã giảm đáng kể. Đặc biệt, có một số học sinh từ các trường khác và các tỉnh chuyển về học tại trường, trong đó có nhiều học sinh giỏi.
Hiệu trưởng này cho biết, trường chú trọng tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động giao lưu quốc tế và chăm lo cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Trường vừa trao học bổng cho học sinh đạt thủ khoa đầu vào để khích lệ các em.
"Khi phụ huynh muốn chuyển trường cho con, nhà quản lý cần lắng nghe kỹ những tâm tư, lo lắng của họ để tìm ra giải pháp phù hợp nhất" - vị hiệu trưởng này chia sẻ thêm.
Hiệu trưởng được trao quyền quyết định việc chuyển trường
Ngày 21-7, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đã ký quyết định phân cấp thẩm quyền giải quyết một số thủ tục hành chính cho hiệu trưởng các trường THPT công lập.
Theo đó, hiệu trưởng sẽ được trao quyền giải quyết việc chuyển trường và xin học lại. Quyết định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm tải thủ tục hành chính.
Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT) sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn trường THPT công lập thực hiện các nhiệm vụ đã được phân cấp trên.
NGUYỄN QUYÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/truong-thpt-cong-lap-tim-cach-giu-hoc-sinh-truoc-nhu-cau-chuyen-truong-post862108.html