Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) trả lời: Hành vi truyền bá các video mê tín dị đoan gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang trong dư luận, đưa thông tin sai sự thật…. Hành vi mê tín dị đoan bị pháp luật nghiêm cấm hoạt động, hành nghề ở Việt Nam.
Hình minh họa
Hành vi truyền bá các video mê tín dị đoan tùy vào tính chất và mức độ của hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37, Điều 1, Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Còn đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
Bên cạnh đó, hoạt động mê tín dị đoan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều này thì có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng theo Khoản 3 Điều 320 Bộ luật Hình sự.
Hà An