Tranh minh họa
Gió Đông về đêm qua. Ngoài khung cửa chính và cửa sổ của ngôi nhà thuê, miếng gỗ dùng lâu ngày vá chồng lên nhau không khít, vừa mọt vừa co rút bị banh ra, cơn gió được dịp lẻn vào, cứ rít lên từng hồi, nó hú và quẫy đạp rợn thinh không, một âm thanh ám ảnh tha lương.
Hà Nội vào Đông ì ạch, ngỡ như đang chơi vơi vào mùa nào chẳng biết. Có mưa phùn và nắng quái.
Cậu trai lẻn thật nhanh, với cái túi đút vội rất nâng niu áp sâu vào ngực. Nghe có tiếng kêu rên của một thanh âm kỳ lạ, như tiếng gió xót xa trên tầng cao trám vào đêm. Có tiếng còi từ đầu ngõ kêu loang như thúc giục bực bội, cậu trai giật mình vội chân bước, mất hút vào con ngõ nhỏ không đèn. Đêm tạnh không bóng người.
Sáng bảnh con ngươi. Cậu trai thấy mình ở một nơi lạ hoắc rồi chợt định thần.
- Cậu về được không hay để tôi đưa về?
Có tiếng người vọng ra:
- Dạ thôi, mở cổng cho cháu với, cháu về được ạ.
Tiếng kẹt cửa khô cứng, đóng đến sầm khiến cậu trai giật bắn.
Lò dò đi một mạch từ đường Kim Mã qua phố Linh Lang, cắt ngang mặt đường lổn nhổn quây kín bưng, cậu trai vẫn thản nhiên. Xe ôtô, xe máy, xe buýt lao xuyên nhau như chuồn chuồn vỡ tổ. Chỉ một quãng nữa là về tới đường Bưởi. Đèn đỏ, đèn xanh sốt hết cả ruột, dòng người cứ trôi vô tận.
- Đi thôi, đèn đỏ lên bây giờ! - Có tiếng người quát sau lưng.
- À vâng... vâng.
Cậu trai lẩm bẩm làm như mải nghĩ gì.
Cứ nhìn cái vẻ bỗng đi, bỗng dừng… thấy ngồ ngộ. Vài người còn kịp ngoảnh lại quẳng cái lườm không có nội dung, quen thói làu bàu khi tham gia giao thông.
Tám giờ sáng, cậu trai cũng về đúng giờ làm.
- Đêm qua mày đi hoang à?
Sau tiếng bấm chuông, một chàng từ đâu ló ra mở cửa.
- Hoang gì, em đi mua đồ ăn cho chích chòe.
- Ông đúng là ba hoa chích chòe thì có. Cả đêm không về - kêu mua đồ ăn. Chít… chòe.
- Thôi em lên thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ để làm việc.
Cậu trai cười hì hì cầu thị.
- Cả sáng nay có 3 người đặt riêng cậu đến một rưỡi chiều đấy!
- Vâng ạ, em cám ơn chị.
Tiếng cô chủ cùng cảnh ngộ:
- Này, san việc ra, không có giờ nào ăn cơm thì thổ cả huyết ra đấy!
- Vâng ạ.
Cậu trai nói điêu. Cậu đi bán con vẹt xám châu Phi được mang từ quê ra Hà Nội đã sáu năm. Nó khôn lắm. Đặc biệt là nó có khả năng nhận diện tên, cử chỉ, giọng nói đến 50 người. Cái khoản bắt tiếng của từng người thì "hạ gục" một ông khách từ lâu đến làm bấm huyệt.
Đã mười một rưỡi đêm, sau ba tiếng làm bấm huyệt xong, chả biết hai bên thương lượng thế nào, người bán thì tần ngần, người mua thì hỉ hả, cậu trai đã đồng ý mang con vẹt tận nhà cho ông, rồi được ông thì thào dấm dúi trở về dinh thự tận đầu Cửa Nam lấy tiền.
Cả tuần nay, cậu trai dạy con vẹt xám để chuẩn bị tiễn biệt. Cậu ngồi dỗ dành con vẹt và nhồi bằng xong những câu nói cho con vẹt ma mãnh lẻo lớt.
***
Tú Anh, mà sau này đi làm thuê, mọi người hay gọi là cậu trai, học hết cấp ba, nhà nghèo. Đã nghèo thì đi vay đâu ra vài trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động. May mà dịp đó cậu nhất quyết không đồng ý để bố mẹ đi vay tiền, mà có đi vay cũng không ai liều cho bố mẹ cậu vay. "Vay có chắc nó làm đủ để đưa tiền về mà trả không? Hay lại vào siêu thị chôm rồi bị tóm cổ, bị trục xuất ê mặt bố mẹ"…
Đúng là "cú lừa thế kỷ"! Cả xóm có 25 nhà bị lừa. Cả xóm phấn khởi, đến tận phi trường đưa tiễn nhau. Đến tận nửa đêm chả thấy đối tác, anh chị nào đến làm giấy tờ. Mà làm gì có visa để xuất cảnh?
Thật hú vía. Nhà còn con gà què đang ấp trứng, mẹ Tú Anh mừng phát khóc, nhất quyết mài dao mổ gà, gàn thế nào cũng không được. Mẹ bảo, trứng gà sắp nở, hơn chục con sẽ lớn lên rồi đẻ trứng, nếu ấp thành công sẽ nở ra hàng trăm gà con.
Lúc ấy tha hồ mà bán, tha hồ mà ăn. Bữa đó, cả nhà ngồi ăn ngon lành, rượu sắn, rượu ngô nhà cất, phấn khởi tưng bừng. Có ông chú em bố vỗ đùi đen đét, sau cái vỗ lại nốc chén rượu khen nhà mình có cậu trai sau này sẽ ăn lên làm ra, sẽ "rửa mặt" cho dòng họ.
Mọi người ăn uống cười vui phớ lớ, duy chỉ Tú Anh cầm chiếc chân gà lên rồi lại đặt xuống, thấy chẳng vui cũng chẳng buồn, mà nuốt không trôi.
Năm đó, Tú Anh mười tám tuổi, cái tuổi nhiều mộng mơ. Cô bạn gái học từ cấp hai đến cấp ba là người duy nhất ngoài xóm rủ Tú Anh lên Hà Nội lập nghiệp. Nhưng rồi vài đêm sau, hai đứa đều nhất trí ở nhà đỡ đần bố mẹ. Hồi sau sẽ tính.
- Đời còn dài, giai còn nhiều! - Cô bạn búng vào mũi Tú Anh cái rõ đau.
- Dửng mỡ à!
Có chiếc xe máy xoẹt ngang. Cô bạn gái cười toe toét. Hai đứa đuổi đấm nhau thùm thụp ngay giữa đường làng.
Tú Anh ra phố huyện xin học vừa làm thuê, cơm ăn hai bữa. Cậu nhận làm đủ nghề, từ lau chùi quét dọn vệ sinh đến gội đầu, cắt tóc…
***
Thấm thoát đã hơn mười năm sau tai nạn ô tô kinh hoàng.
Vườn nhà lảnh lót tiếng chích chòe lửa, tiếng cu gáy như từ ruộng xa gọi về, cả đàn gà đầy nghẹn sân, rồi con chó già từ lúc Tú Anh mới học cấp một luôn đón đợi Tú Anh mỗi chiều cuối tuần.
Dàn hợp xướng chim chóc, chó, mèo, gà, lợn như một giấc mơ không cánh mà bay mất! Mảnh vườn thơm ngát mùi dạ hương và đủ màu, từ hoa cải, hoa điên điển, hoa huệ cùng luống hồng áp chân tường đã bay theo gió.
Tất cả trong một sáng ra đi cho ca mổ 12 tiếng dài đằng đẵng, trong tiếng khóc chết lặng của người mẹ. Cả ngày đêm canh, chờ đèn báo đỏ, liên hồi báo cho cái chết và sự sống chỉ là phút giây.
Trong ca mổ định mệnh, tay kéo của bác sĩ đã cắt nhầm vào dây thần kinh hốc mắt. Tất cả tài sản đã đội nón ra đi, bù lại thoát mất mạng nhưng cái giá phải trả kể không rẻ...
Bốn năm bay vèo đối với một tay kéo đã trúng tuyển, đang chuẩn bị được sang "xứ sở kim chi" theo lời mời của hiệp hội nghề tóc. Ngày ăn hỏi, giờ lên xe hoa đã được ấn định nhưng rồi tan tành mây khói.
Tú Anh đi trẫm mình dưới cái hồ ngoài đập, thế nào mà lặn xuống đáy hồ rồi nó lại cứ nổi lên. Chẳng uống được ngụm nước nào, bụng cứ sôi lên sùng sục. Rồi Tú Anh bỏ bữa, tuyệt thực, nằm bẹp dí. Mới đầu còn có mẹ khuyên, lâu rồi khuyên không được, bà chán nản buông câu: "Kệ mày!".
Bố nói, mẹ gọi, anh em bạn bè động viên. Nó vẫn tự kệ cho dòng đời trôi đến đâu thì đến! Rồi hàng ngày, nó tha thẩn khắp ngõ cùng đường, nhà nào quen, nó lần mò vào tuốt. Bả lả nói cười.
Chỉ riêng lối ngõ thân thương cả thời thanh xuân của nó với cô bạn cùng lớp suýt làm đám cưới là nó tự xóa, một bước chân cũng không thèm giẫm vào. Ai hỏi Tú Anh thế nào, nó vẫn khăng khăng nói:
- Vẫn nhìn tốt.
Cho đến một ngày, Tú Anh đi tìm con sáo, được mẹ mua về an ủi thằng con, nó cũng bớt lang thang đầu làng cuối ngõ hẳn. Sáo đã thuần giọng với nhiều bài gan ruột, bỗng sổ lồng bay đi...
Tú Anh ngơ ngẩn tìm trời, tìm mây, lao xuống ruộng lúa ven đường nằm khóc… Cho đến tận chiều tối có người thông báo, bố phải đi gọi mấy người cõng về. Tú Anh mới thú nhận là mình đã hoàn toàn bị mù.
***
- Cháu mệt à?
Tiếng của cụ bà dễ đến bảy mươi tuổi bỗng ra lời:
- Nhẹ quá! Ấn cho bà ở... ở đầu gối ấy!
Cậu trai chỉ buông tiếng "Dạ" rồi lại như chìm vào một khoảng nào mơ hồ.
- Thế cháu đã về xem con đi chữa bệnh thế nào chưa?
Cậu trai bừng tỉnh hẳn, không còn ủ ê:
- Dạ.
- Chữa tốn không?
- Cháu đã xoay được hơn chục triệu rồi bà ạ.
- Lĩnh lương à?
- Dạ không bà ạ.
***
Mọi người còn đang say giấc. Trong con ngõ nhỏ len lén tiếng gió, tiếng chuông kéo mọi người bật khỏi giường, thấy như có tiếng gió gọi cửa:
- Tú Anh! Tú Anh!
Tiếng gọi tha thiết, dịu dàng giống hệt tiếng người.
Cậu trai còn chưa hiểu gì. Hơn chục cô cậu cùng cảnh ngộ với Tú Anh ùa ra bởi tiếng con vẹt xám, giọng lảnh lót. Thoắt cái, nó bay lượn khắp vòm nhà. Trầm bổng, con vẹt xám cất giọng hạ gục mọi người:
"Khi anh qua thung lũng và bóng đêm ghì bàn chân…"
"Đời khiến anh chẳng còn nhiều luyến lưu…
Ta yêu sai hay đúng còn thấy đau là còn thương".
"Dẫu trần gian cho anh đắng cay…"
"Nơi em là nhà
Nơi em là nhà
Nơi em...là...nhà….aaaaaaaa".
NSND Hoàng Cúc