Thời gian qua, để kịp thời truyền tải các thông tin thời sự, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hàng ngày, cán bộ Đài Truyền thanh xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ tiếp âm đầy đủ chương trình phát thanh của các cấp theo quy định. Từ đó, người dân tiếp cận được các thông tin từ Trung ương đến cơ sở một cách nhanh chóng, chính xác. Đến nay, xã Bình Hòa Hưng được đầu tư 10 cụm loa truyền thanh thông minh, bảo đảm truyền tải thông tin đến người dân.
Sau những giờ đi làm mướn, anh Nguyễn Thanh Tòng (ấp 1, xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ) nuôi bò để cuộc sống ổn định hơn
Bên cạnh tiếp âm, cán bộ Đài Truyền thanh xã còn xây dựng chương trình phát thanh của địa phương vào ngày chủ nhật hàng tuần. Với thời lượng 15 phút, chương trình có nội dung đa dạng trên các lĩnh vực, nhất là các nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, chính sách về giảm nghèo, những mô hình hiệu quả, gương làm kinh tế giỏi,...
Cũng như người dân trong xã, anh Nguyễn Thanh Tòng (ấp 1, xã Bình Hòa Hưng) thường nghe các thông tin tuyên truyền từ hệ thống Đài Truyền thanh của xã. Từ đó, anh áp dụng các kiến thức đã nắm vào nuôi bò của gia đình.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, ngoài đẩy mạnh công tác giảm nghèo thông qua tuyên truyền, xã còn chú trọng triển khai hiệu quả các chính sách đối với người nghèo. Gia đình anh Tòng là một trong nhiều trường hợp được xã hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết và trao tặng phương tiện sinh kế.
“Được xã hỗ trợ máy phun thuốc, ngoài phun thuốc thuê cho nông dân, người dân kêu làm thêm công việc gì tôi cũng nhận để kiếm thêm thu nhập” - anh Tòng nói.
Thông qua công tác tuyên truyền và sự tiếp sức từ địa phương, anh Tòng dần hiểu được mục đích của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để từ đó vươn lên thoát nghèo vào năm 2022 và thoát cận nghèo trong năm nay.
Bình Hòa Hưng là xã biên giới, giai đoạn trước năm 2010, thông tin tuyên truyền còn ít. Khoảng từ năm 2015 đến nay, qua công tác tuyên truyền, vận động cũng như đầu tư từ ngân sách nhà nước, các hoạt động, thông tin liên quan đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dần đến với người dân. Từ đó, họ nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết. Làm tốt giảm nghèo thông tin cho người dân góp phần giảm hộ nghèo của xã.
Năm 2024, qua điều tra sơ bộ, xã còn 3,8% hộ nghèo, cơ bản đạt TC về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong XDNTM (≤4%).
Nhờ sự tiếp sức của địa phương, bà Nguyễn Thị Chè (ấp 2, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) nuôi vịt để có thêm thu nhập
Cũng như anh Tòng, bà Nguyễn Thị Chè (ấp 2, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) được chính quyền địa phương “tiếp sức” để cuộc sống ổn định hơn. Bà Chè năm nay đã ngoài 60 tuổi, cuộc sống khó khăn, chồng bà thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. "Dù đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn làm mướn để kiếm tiền trang trải cuộc sống" - bà Chè nói.
Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của bà, địa phương thường xuyên hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi cho bà. Bà cũng nghe thông tin tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi qua các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào thực tế.
Tháng 10/2024, bà Chè được hỗ trợ Mái ấm nông dân. Căn nhà được xây dựng kiên cố, có diện tích 54m2 với tổng kinh phí 60 triệu đồng. Trong đó, Hội Nông dân xã hỗ trợ 35 triệu đồng, phần còn lại được trích từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của xã và gia đình đóng góp thêm.
Căn nhà mới được xây dựng không chỉ là sự giúp đỡ về mặt vật chất mà còn là nguồn động viên rất lớn về mặt tinh thần đối với gia đình bà. “Hồi trước, nhà cũ dột, giờ được địa phương quan tâm hỗ trợ xây nhà, tôi mừng lắm!” - bà Chè chia sẻ.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Thị Hạnh Phúc cho biết: Thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam xã phối hợp các ngành, đoàn thể, UBND xã thường xuyên tặng quà, giúp đỡ, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
Trong nhiệm kỳ 2019-2024, UBMTTQ Việt Nam xã giúp và có 31 hộ thoát nghèo, trên địa bàn xã hiện còn 18 hộ. Không chỉ giúp hộ nghèo, địa phương cũng quan tâm những đối tượng cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,... Đến nay, xã không còn hộ gia đình có nhà dột nát, tạm bợ.
Bằng nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực, các địa phương trong tỉnh làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giảm nghèo hiệu quả. Qua đó, nhiều hộ đã tự lực vươn lên, góp phần giảm hộ nghèo ở địa phương./.
Thanh Nga